Trong chương trình "Tiền Không Tệ" mùa 2 - chuỗi podcast do Spiderum sản xuất, anh Phạm Sơn Tùng - Phó Chủ tịch HĐQT CF Holdings và bạn Nguyễn Văn Linh (biệt danh Vui Vẻ) - YouTuber sở hữu hệ thống kênh trăm triệu lượt xem, đã có những cuộc trò chuyện cởi mở về tiền bạc và lộ trình phát triển tư duy quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cho những người trẻ.
Anh Phạm Sơn Tùng và Nguyễn Văn Linh đã có những cuộc trò chuyện cởi mở về tiền bạc trong chương trình podcast Tiền Không Tệ mùa 2
Từ tháp nhu cầu Maslow…
Không giống như thế hệ trước - thường đặt nặng chuyện làm việc và tích lũy, nhiều người trẻ chú trọng đến trải nghiệm và chất lượng sống. Họ muốn kiếm tiền để du lịch, học hỏi, phát triển bản thân, thay vì chỉ tiết kiệm cho tương lai xa. Họ cũng quan tâm đến sức khỏe tinh thần và thể chất hơn, không muốn đánh đổi tất cả chỉ để có thu nhập cao.
Chia sẻ về góc nhìn này, bạn Linh - cũng là một GenZ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên đúng đắn giữa kiếm tiền và cân bằng cuộc sống. Theo Linh, kiếm tiền cần đi đôi với việc phát triển bản thân và hạnh phúc gia đình.
"Đối với tôi thì nó sẽ là câu chuyện về sự ưu tiên. Ở thời điểm hiện tại tôi đang ưu tiên câu chuyện cân bằng hơn. Cân bằng ở đây sẽ là vừa kiếm tiền, vừa có hạnh phúc gia đình, vừa phát triển bản thân và nhiều thứ khác nữa. Sau này chúng ta có thể kiếm nhiều tiền hơn nhưng quan trọng là kiếm tiền một cách bền vững. Để đạt được điều này sẽ cần sự cân bằng", Linh chia sẻ.
Bổ sung thêm quan điểm của Linh, anh Phạm Sơn Tùng phân tích rằng sự ưu tiên tài chính có thể được hiểu qua tháp nhu cầu Maslow, nơi con người cần đảm bảo các nhu cầu cơ bản trước khi hướng đến mục tiêu cao hơn. Tháp nhu cầu Maslow là một mô hình tâm lý đại diện cho những hành vi, tâm lý phổ biến của con người theo mô hình 5 tầng của kim tự tháp, bắt đầu từ các nhu cầu đơn giản đến phức tạp hơn bao gồm sinh lý, an toàn, quan hệ xã hội, kính trọng và thể hiện bản thân.
Anh Tùng nhấn mạnh khi có thu nhập ổn định để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, người ta bắt đầu nghĩ đến sở hữu tài sản như nhà cửa, phương tiện đi lại để nâng cao chất lượng sống. Và khi những nhu cầu cơ bản được đáp ứng, họ có thể hướng đến những giá trị cao hơn như sự công nhận và cống hiến xã hội.
…đến tháp tài sản để an toàn tài chính
Phân tích về giới doanh nhân, anh Tùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự phòng tài chính. Theo kinh nghiệm quản lý các công ty và quan sát thị trường lâu nay, anh Tùng cho biết các công ty khi đang trên đà phát triển luôn cần có khoản dự phòng. "Tôi chứng kiến nhiều công ty gặp biến cố ngoài thị trường hay không có thuận lợi trong kinh doanh, thậm chí là đầu tư sai, bị sụp đổ rất nhanh khi không có quỹ dự phòng rủi ro", anh Tùng nói. Anh đưa ra ví dụ một công ty lúc khởi đầu chỉ bán một sản phẩm và có được doanh thu rất cao. Sau đó, đáp ứng nhu cầu của người mua, công ty mở rộng quy mô, kinh doanh nhiều mặt hàng hơn trên nhiều kênh hơn mà không nhận ra rằng mình bỏ quá nhiều chi phí cho đầu tư mà quên mất đi khoảng dự phòng. Nói một cách khác công ty không kiểm soát tốt dòng tiền của mình, không có tích lũy qua từng năm, thì khi có khủng hoảng xảy ra sẽ dễ thất bại.
Anh Tùng chia sẻ chuyện tích lũy không phải chỉ riêng của doanh nghiệp mà còn quan trọng với các cá nhân. Khi có được sự tích lũy hiệu quả thì sẽ có được sự tự do và tự chủ về tài chính.
Bạn Linh cũng đồng ý với anh Tùng và ví von việc tích lũy giống như chuyện "đừng để khát nước mới đi đào giếng". Linh cho biết sự đa dạng hóa trong phân phối dòng tiền cũng rất quan trọng. "Mình có thể để tiền vào đầu tư vàng, thị trường chứng khoán… Đừng dồn hết tài sản vào một kênh duy nhất", bạn Linh chia sẻ thêm.
Đó cũng chính là góc nhìn về tháp tài sản mà anh Tùng chia sẻ trong phần cuối của buổi nói chuyện trong chương trình "Tiền Không Tệ". Theo anh Tùng, tầng đầu tiên và quan trọng nhất chính là tài sản phòng vệ - khoản quỹ dự phòng giúp đảm bảo sự an toàn tài chính. Khi nền tảng này vững chắc, ta mới có thể xây dựng tầng thứ hai - tài sản tăng trưởng như bất động sản hay chứng khoán. Tiếp đến là tầng tài sản dòng tiền, nơi tạo ra thu nhập thụ động bền vững. Và ở đỉnh tháp chính là tài sản mạo hiểm - khoản đầu tư có rủi ro cao nhưng cũng có thể mang lại lợi nhuận lớn.
Và điều quan trọng cuối cùng anh Tùng gửi gắm đến với các bạn trẻ rằng để đến được mục tiêu tài chính, đó là cả một hành trình, là một chặng đường không thể gói gọn trong ngày một ngày hai. "Và ‘chẳng may’ mình may mắn quá, mình đạt được nó trong ngày một ngày hai, thì bạn phải thật cẩn thận, vì có thể sau này nó sẽ trở về đúng xuất phát điểm, và thậm chí là còn âm so với xuất phát điểm".