Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la

Bạch Mộc | 10-12-2021 - 08:50 AM

(Tổ Quốc) - Ít năm sau khi tốt nghiệp khoa Hoá thực phẩm Đại học Bách Khoa Hà Nội và bắt đầu làm việc tại Viện Công nghệ Quốc gia, ông Nguyễn Hoà Anh nhận được học bổng ngắn hạn trị giá 3.000 USD từ UNESCO. Học bổng này cho phép ông có thể chọn nghiên cứu tại bất kỳ phòng thí nghiệm nào trên thế giới tuỳ thích. Thời điểm đó, ông Nguyễn Hoà Anh cũng không ngờ đây là bước khởi đầu quan trọng đối với con đường sự nghiệp của mình sau này.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 1.

"Học bổng của UNESCO rất hiếm, đó không phải là cái gì thông thường Việt Nam có thể nhận được vào những năm 90. Hồi đó, người Việt đi học nước ngoài cũng cực kỳ ít. Ngay cả đi học, đa phần mọi người chọn các nước Đông Âu. Gia đình tôi là gia đình giáo viên, điều kiện tài chính thấp so với mặt bằng chung. Mọi người cũng xui bảo đi Nga để có thể tiết kiệm được nhiều tiền. Nhưng tôi quyết định chọn Nhật, vì Nhật Bản là biểu tượng cho sự hiện đại, sự thành công. Hồi đó, nước Nhật ở vị thế số 1 thế giới, thu nhập đầu người lớn hơn Mỹ nhiều", Tiến sĩ sinh học phân tử Nguyễn Hoà Anh nhớ lại.

Ông Nguyễn Hoà Anh xuất ngoại năm 93 trong chuyến thực tập ngắn hạn 3 tháng và trở về nước với lời bút phê ngắn gọn của Giáo sư hướng dẫn: "Bạn làm việc chăm chỉ và kết quả nghiên cứu của bạn có thể công bố được". Năm 95, thông qua giới thiệu của một vị Giáo sư ở Trường Đại học Tohoku, ông đã nhận được học bổng của Chính phủ Nhật để học chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ. Cuối năm 95, ông quay trở lại xứ sở hoa anh đào. Ông Hoà Anh đã ở lại Nhật Bản sống, học tập, nghiên cứu gần 15 năm.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 2.

Những dấu mốc nào là quan trọng nhất với ông khi sống và làm việc ở Nhật?

Ở Nhật, tôi dành rất nhiều thời gian vào nghiên cứu. Tôi mất 2 năm để nhận bằng Thạc sĩ, rồi 3 năm cho bằng Tiến sĩ. Sau đó tôi tiếp tục nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Thực ra, dấu mốc đối với dân khoa học là các kết quả nghiên cứu được đăng trên tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, tôi muốn đề cập đến hai dấu mốc liên quan đến lợi khuẩn.

Dấu mốc đầu tiên là khi tôi bén duyên với lợi khuẩn. Cuối năm 95, khi quay trở lại Nhật để bắt đầu học Thạc sĩ, tôi nhận được đề tài về lợi khuẩn cho thực vật. Mới đầu, tôi rất lo vì kiến thức mình học bên Trường Bách Khoa không phù hợp với sinh học phân tử. Tôi bắt đầu từ con số 0. Nhưng sau 2 tháng, tôi đã tạo ra được những kết quả thành công nhất định và biết rằng mình có thể tự tin bước vào thế giới lợi khuẩn.

Cột mốc thứ hai thì ngược lại, đó là khi tôi chia tay lợi khuẩn. Năm 2001, tôi nhận bằng Tiến sĩ cùng với đề tài lợi khuẩn đã theo từ ban đầu. Trước đó, tôi đã đạt được rất nhiều thành công trong nghiên cứu cơ bản về lợi khuẩn. Tuy nhiên, tôi cũng nhận ra một đặc tính hết sức quan trọng, đó là các vi khuẩn không bền. Vi khuẩn phát triển nhanh và chết cũng cực kỳ nhanh. Cứ sau mỗi tuần, số lượng và chất lượng lợi khuẩn lại giảm 90%. Do đó, tôi thấy rằng lợi khuẩn không có khả năng ứng dụng lâu dài.

Mặc dù không thấy có tương lai như vậy, nhưng quá trình nghiên cứu lại cho tôi kiến thức và sau này giúp tôi có ý tưởng rất hay khi gặp được bào tử lợi khuẩn.

Điều gì khiến ông quay trở về Việt Nam sau 15 năm?

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 3.

Tôi đã sống ở Nhật rất lâu và yêu thích văn hoá nước Nhật. Với tôi, tính sáng tạo bẩm sinh của mình được phát huy rất mạnh khi sống ở đây. Tôi cũng cải thiện ở bản thân ở tính chu đáo, tính cầu toàn, cả một chút tính khiêm nhường của họ nữa. Người Nhật làm cái gì cũng rất tỷ mỷ và muốn hoàn hảo.

Sau 15 năm sinh sống và làm việc ở nước Nhật, được các bạn bè người Nhật quý mến, giúp đỡ; tôi rất trân trọng những tình cảm của xứ sở hoa anh đào dành cho mình. Nhưng đâu đó tôi vẫn cảm thấy mình là khách ở đây.

Ngoài ra, dù nước Nhật phải nói rất đẹp là vậy, nhưng theo thời gian tôi cảm thấy không còn động lực như ban đầu. Lúc tôi mới sang, việc nghiên cứu khiến tôi hứng thú vì mọi thứ đều là mới mẻ, thử thách. Hàng ngày, tôi luôn có những ước mơ và khao khát. Nhưng mọi thứ dần đơn điệu vì các hướng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm là lĩnh vực hẹp và rất chuyên sâu nên công việc về sau có phần đi vào lối mòn. Tôi muốn có một cái gì đó thách thức hơn; nhiều lúc cạnh tranh, cãi nhau một tí còn vui hơn. Nếu ở lại Nhật, tôi nhìn thấy hết quãng đời còn lại của mình sẽ diễn ra như thế nào.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 4.

Công nghệ bào tử lợi khuẩn, thứ mà ông rất hào hứng khi nói về, ông đã sáng tạo ra công nghệ này như thế nào? Liệu có giống như các nhà khoa học ngày xưa vô tình đổ cái này vào cái kia?

Tôi muốn làm rõ đây là công nghệ bào tử lợi khuẩn dạng nước đa chủng nồng độ cao. Còn công nghệ bào tử lợi khuẩn nói chung thì nhiều nhà khoa học và công ty đã nắm rõ và làm từ hàng chục năm nay rồi.

Thực ra, nhiều hãng dược trên thế giới đều mơ ước đến sản phẩm như vậy. Ban đầu họ nghĩ rằng để làm được cần phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và đội ngũ nhà khoa học hùng hậu. Rất nhiều công ty nổi tiếng đưa sản phẩm bào tử lợi khuẩn dạng nước vào danh mục, nhưng chỉ nằm trong kế hoạch, 5 – 10 năm sau vẫn chưa hoàn thành vì chất lượng và độ bền của sản phẩm không đạt yêu cầu.

Đến khi một công ty Việt Nam nhỏ (LiveSpo) làm được sản phẩm, người ta mới phát hiện ra sản phẩm này không cần tốn kém, không cần đầu tư nhiều. Từ đó, các công ty ở Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan… bắt đầu đổ xô đi làm.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 5.

Quay trở lại với cái duyên đưa tôi đến với công nghệ này, khi từ Nhật trở về Việt Nam, tôi có dịp gặp gỡ trao đổi khoa học với một ông Giáo sư người Anh làm việc tại Trường Đại học Hoàng Gia. Ông ấy đã giới thiệu về hai chủng lợi khuẩn sinh bào tử mà nhóm nghiên cứu đã phân lập từ mẫu phân của người Việt Nam.

Thực ra bên Đại học Hoàng Gia có yêu cầu là chỉ bán cho ai có công nghệ sản xuất ở quy mô công nghiệp. Tôi lấy mẫu lợi khuẩn của ông giáo sư và nói sẽ cố gắng làm. Hai tháng sau, tôi đưa lại cho ông ấy một bịch lợi khuẩn với nồng độ đậm đặc. Ông giáo sư trở về Anh, một tuần sau đồng ý bán. Bởi ông ấy biết rằng, người làm ra được số lượng lợi khuẩn đó chắc chắn là người có công nghệ sản xuất ở quy mô công nghiệp. Còn nếu làm trong phòng thí nghiệm có lẽ sẽ mất nhiều năm.

Tiềm năng ứng dụng của công nghệ bào tử lợi khuẩn dạng nước đa chủng nồng độ cao như thế nào?

Tất cả các bệnh truyền nhiễm, vi sinh vật bên ngoài xâm nhập vào cơ thể chúng ta thông qua một số cửa ngõ; ví dụ đường hô hấp, đường miệng, mắt, tai, phụ khoa… Ở tất cả những cửa ngõ đó, cơ thể chúng ta đều có một hệ lợi khuẩn, đó là hàng rào bảo vệ đầu tiên. Thông thường mọi người chỉ biết cơ thể chúng ta có một hàng rào miễn dịch, nhưng thực ra đó là hàng rào bảo vệ thứ hai. Bào tử lợi khuẩn của LiveSpo là sản phẩm có thể hỗ trợ bảo vệ tất cả các cửa ngõ đó.

Hiện nay, khoảng 72% lượng kháng sinh được sử dụng liên quan đến viêm đường hô hấp, 20% liên quan đến đường tiêu hoá. Khi sử dụng kháng sinh, mọi người đều biết tác dụng phụ là gây ra kháng thuốc. WHO khuyến cáo cả thế giới hiện nay không được lạm dụng kháng sinh, vì nếu vi khuẩn trở nên kháng thuốc, lúc đó sẽ không chữa được bệnh. Tuy nhiên, họ chỉ đưa ra giải pháp là chúng ta hãy trở thành những người tiêu dùng thông minh, chưa có một công cụ hữu hiệu nào để thay thế kháng sinh cả.

Tôi cho rằng sản phẩm của LiveSpo là giải pháp gần như hoàn hảo có khả năng hỗ trợ cho bài toán đó. Bào tử lợi khuẩn lành tính, an toàn hơn các loại thảo dược. Trẻ sơ sinh dưới 1 tuần tuổi cũng có thể sử dụng được.

Sản phẩm của chúng tôi hiệu quả rõ. Thông thường, thực phẩm chức năng hay men vi sinh tác dụng tính theo tuần, thậm chí hàng tháng mới thấy hiệu quả, nhưng hiệu quả sản phẩm của LiveSpo đạt được chỉ sau vài ngày. Những sản phẩm nhanh chỉ mất vài tiếng, rất nhanh thì tính theo phút.

Tôi lấy ví dụ với ngộ độc thực phẩm, sản phẩm LiveSpo chỉ cần chưa đến 30 phút là có thể xử lý được.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 6.

Nếu như công nghệ của LiveSpo là một giải pháp tốt như vậy và có công dụng thay thế kháng sinh, hẳn tiềm năng của nó là rất lớn. Ông bắt đầu nghĩ đến chuyện thương mại hoá sản phẩm từ khi nào?

Ngay từ đầu khi nắm trong tay công nghệ, tôi đã nghĩ đến tầm nhìn một tương lai không kháng sinh. Thậm chí tôi cho rằng chắc chỉ vài hôm nữa là mình giàu to. (Cười)

Lúc đó thuần tuý khoa học lắm, tôi không biết gì đâu.

Tôi nghĩ: "Thế này chỉ cần sản xuất ra nguyên liệu và bán cho hầu hết công ty dược trên thế giới là giàu to rồi".

Thế nhưng vài tháng sau, tôi phát hiện ra mọi thứ không đơn giản.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 7.

Không đơn giản như thế nào?

Hồi đó tôi chỉ nghĩ đơn giản, sản phẩm mình tốt thì chỉ cần vài hôm là cả thế giới sẽ dùng. Nhưng sau đó bước vào thương trường, tôi đã học được rất nhiều.

Khách hàng người ta không tin, không quen và không nghĩ rằng một công ty ở Việt Nam có thể làm ra được sản phẩm như thế.

Hơn nữa, việc cạnh tranh giá trên thương trường diễn ra khốc liệt hơn sự tưởng tượng của tôi. Chúng tôi bán giá bao nhiêu, những công ty cung cấp khác chỉ bán với giá một nửa, dù rằng tôi phát hiện ra nguyên liệu và chất lượng lợi khuẩn họ bán không thể bằng của chúng tôi. Sản phẩm lợi khuẩn của họ không bền, nhưng người mua khó kiểm soát và lại chưa tin vào một công ty nhỏ còn quá mới trong thị trường.

Ngay cả cho đến bây giờ, tôi có kiến thức và lý thuyết riêng về lợi khuẩn, khác biệt với quan niệm hàng trăm năm nay. Nhưng để phổ cập những kiến thức đó cần thời gian truyền đạt cho người dùng và cả những bác sĩ, các nhà khoa học trên thế giới tin và dần thay đổi quan niệm.

Tôi đã từng đi đến các bệnh viện để nói về sản phẩm, công nghệ của mình và hay bị các bác sĩ mắng lắm. Họ là khách hàng khó thuyết phục, họ cứ theo sách vở và kiến thức họ có từ trước để vặn mình, nhưng cũng có một số bác sỹ thì có tư tưởng cởi mở, dễ chấp nhận cái mới và ủng hộ tôi. (Cười)

Quả thực giai đoạn đầu rất khó khăn, nhưng sau đó thì sao? Ông và LiveSpo đã từng bước giải quyết vấn đề như thế nào?

Ban đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc bán hàng. Nhưng cũng có may mắn vì tôi là nhà khoa học; tôi thường xuyên tham gia các hội thảo quốc tế. Từ đó, các hãng dược và công ty nước ngoài bắt đầu quan tâm và tìm tới chúng tôi. Trong khoảng 7 – 8 năm đầu, doanh thu của LiveSpo chủ yếu là xuất khẩu, nhưng trong nước thì vẫn không bán được mấy.

Cho đến khoảng năm 2017 – 2018, tôi gặp thêm hai Founders là anh Dương Song Hà và anh Đặng Quốc Hưng. Hai anh thực ra cũng giống các nhà phân phối khác của LiveSpo, đến và đem theo rất nhiều lời hứa. Nhưng khác biệt ở việc các anh ấy làm tốt và làm được. Từ khi đồng hành với anh Hà và anh Hưng, LiveSpo bắt đầu phát triển thị trường nội địa khá lên và được chú ý. Đến năm 2021, Mekong Capital đầu tư vào LiveSpo..


Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 8.

Ông đã chuyển hoá từ một nhà khoa học trở thành một doanh nhân kinh doanh ra sao?

Ban đầu, với tư duy là dân khoa học nên tôi chủ quan lắm. Tôi không để ý đến suy nghĩ người dùng. Khi làm, tôi mơ ước tạo ra sản phẩm tốt, làm sao có thể giúp nhiều người, làm sao để chi phí thật rẻ.

Tôi muốn tìm loại bao bì nào thật ít tiền để đóng vào, chuyển đến người dùng. Thậm chí tôi còn tưởng tượng một cách hài hước là sản phẩm mình làm ra dạng nước, khách hàng chỉ cần đứng xếp hàng và tôi cứ thế rót vào miệng mọi người, không cần phải đóng gói.

Tôi không hề biết về bán hàng, marketing; kể cả quản lý tài chính, nhân sự đều kém hết.

Nhưng cái may của LiveSpo là sản phẩm tốt, nên tất cả những sai sót kia chỉ làm giảm bớt lợi nhuận chứ không làm chúng tôi thua lỗ.

Với công nghệ của mình, không có tiền, máy móc thiết bị tự thiết kế, con người cũng không được đào tạo bài bản, chúng tôi phải cố gắng phát triển để tạo ra sản phẩm phù hợp với những thứ đó. Cuối cùng, LiveSpo làm ra được những sản phẩm với công nghệ riêng gọn nhẹ và tính cạnh tranh rất cao.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 9.

Trong vòng 10 năm từ thời điểm thành lập, tăng trưởng doanh số của LiveSpo như thế nào?

Khi sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, chúng tôi bán OEM, tức là bán theo thương hiệu của họ. Các nhà phân phối dược mua sản phẩm theo container, sau đó bán ở nước của họ.

Thông thường việc xuất khẩu ra nước ngoài mất nhiều thời gian cho việc làm giấy tờ; những nước nhanh mất vài tháng, còn chậm thì mất tới vài năm. Khi vào được thị trường nước họ, doanh số cũng chỉ tăng lên từ từ, không nhanh được.

Còn tại thị trường Việt Nam, khi mọi người làm được thì doanh số bắt đầu tăng lên nhanh. Đến năm 2018, chúng tôi có đột biến về doanh số. Nhưng thực ra đó mới chỉ là một phần rất nhỏ của thị trường, chỉ bằng cái móng tay thôi.

Cuộc chơi vẫn còn đang ở phía trước.


Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 10.

Đúng là hiện tại sự hiện diện của LiveSpo trên thị trường còn nhỏ bé. Cá nhân tôi nghĩ sự tham gia của các công ty đầu tư như Mekong Capital đem đến cả vốn và năng lực quản trị, kết hợp với sản phẩm tốt sẵn có, tiềm năng tăng trưởng phía trước là rất cởi mở.

Thực ra tại thời điểm Mekong Capital đầu tư vào, chúng tôi không có nhu cầu về vốn. Nhưng tôi kỳ vọng đối tác có thể giúp chuyển hoá công ty mình trở thành doanh nghiệp ở đẳng cấp quốc tế để có thể làm việc cùng các bạn quốc tế một cách bài bản, lâu dài.

Tôi bắt đầu khởi nghiệp với số vốn nửa triệu USD. Từ thời điểm thành lập cho đến nay, chúng tôi chỉ gọi vốn hai lần. Lần đầu tiên từ người trong gia đình cho cái nửa triệu USD kia. Lần thứ hai là Mekong Capital vào đầu tư.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 11.

Câu hỏi chủ đề của Trí thức trẻ: Về hành trình đạt được cột mốc 1 triệu USD, có vẻ như câu chuyện của ông sẽ gắn liền với giai đoạn khởi nghiệp LiveSpo?

Đúng vậy.

Giai đoạn đầu khởi nghiệp hầu như tôi không tích luỹ tài sản. Bao nhiêu tiền tích góp từ thời ở Nhật mang về và lợi nhuận đạt được tôi đều "ném" vào mua sắm máy móc. Cho đến bây giờ, tài khoản của tôi cũng chẳng có được số tiền đó.

Nhưng nếu nói về quy mô tài sản kể cả cổ phần một cách rõ ràng nhất, đó là từ khi Mekong Capital đầu tư vào LiveSpo.

Tôi làm ra tiền không kinh doanh cái khác mà bỏ trở lại mua sắm trang thiết bị mới và làm nghiên cứu để phát triển công nghệ.

Hiện nay, công nghệ bào tử lợi khuẩn của chúng tôi đang dẫn đầu thị trường và tiếp tục được đầu tư rất mạnh. Tốc độ phát triển công nghệ của LiveSpo nhanh hơn các đối thủ rất nhiều.

Trong vòng 10 năm qua, chúng tôi đã đi được những bước tiến rất xa. Một công ty dược nổi tiếng của Pháp có kinh nghiệm 60 năm nhưng cũng chỉ dừng lại ở sản phẩm đường tiêu hoá và nồng độ lợi khuẩn thấp hơn phần lớn sản phẩm của chúng tôi hiện nay. Các sản phẩm của LiveSpo đã hỗ trợ các cửa ngõ khác của con người như hô hấp, da, phụ khoa…

Như ông nói, cuộc chơi của LiveSpo vẫn còn đang ở phía trước. Tầm nhìn của ông đối với các sản phẩm bào tử lợi khuẩn ra sao?

Tầm nhìn của riêng tôi từ ban đầu là cho một tương lai không thuốc kháng sinh. Còn với LiveSpo, chúng tôi mới đưa ra tầm nhìn cho tới năm 2025 là trở thành công ty dược nền tảng số phục vụ 1 triệu gia đình trên toàn thế giới, sử dụng bào tử lợi khuẩn thay thế kháng sinh.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 12.

Công ty dược nền tảng số là như thế nào?

Thông thường các công ty dược hiện nay phát triển theo cách hơi bảo thủ, ít công ty làm chuyển đổi số mạnh. LiveSpo hướng đến 1 triệu hộ gia đình. Mà khi chúng tôi không muốn số lượng nhân viên tăng lên quá nhiều, công ty cần có nền tảng số để phục vụ từ quản trị đến chăm sóc khách hàng.

Thực ra so với dân số thế giới, 1 triệu hộ gia đình rất nhỏ. Tuy nhiên, các business thường phát triển theo hàm log, ban đầu tăng trưởng chậm sau đó đạt đến một điểm bùng nổ.

Con số 1 triệu đó sẽ là điểm bùng nổ của hàm log. Khi chúng tôi đạt được cột mốc này, việc nhảy vọt sẽ không có gì cản được.

Thị trường Việt Nam sẽ chiếm tỷ trọng bao nhiêu?

Dự kiến 60%.

Hành trình 10 năm từ Tiến sĩ sinh học phân tử trở thành triệu phú đô la - Ảnh 13.

Thực ra cho một thế giới không kháng sinh cũng chưa phải là ước mơ cuối cùng của tôi. Tiềm năng của bào tử lợi khuẩn dạng nước đa chủng nồng độ cao còn hơn thế rất nhiều.

Lợi khuẩn tồn tại trong tự nhiên và có ở trong không khí với mật độ nhất định, khoảng 1.000 lợi khuẩn trên 1 m3 không khí. Khả năng hỗ trợ của 1.000 lợi khuẩn/1 m3 kia sẽ tỷ lệ nghịch với mật độ sinh vật phát triển ở trong môi trường đó.

Ví dụ, khi mật độ dân số thấp, mật độ lợi khuẩn trong không khí như vậy sẽ đảm bảo cho tần suất xuất hiện của bệnh dịch thấp. Chất thải con người tạo ra là thức ăn và tạo cơ hội cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển. Khi mật độ dân số tăng lên, rủi ro gặp phải dịch bệnh với con người sẽ tăng lên.

Chính vì vậy chúng ta mới thấy, kiểu đại dịch như COVID-19 trước kia phải cần hàng trăm năm mới xảy ra một lần, nhưng sau đó rút xuống vài còn chục năm, rồi chưa đến 10 năm.

Khi mật độ dân số tăng lên quá nhiều, mật độ lợi khuẩn trong tự nhiên hay trong không khí sẽ không đủ để ức chế sinh vật gây bệnh. Nhưng có một cách người ta có thể hạn chế dịch bệnh là phun lợi khuẩn vào trong không khí xung quanh môi trường sống của con người.

Thực ra chúng tôi đang phát triển các sản phẩm gọi là Invisible Mask, khẩu trang vô hình. Khi mình xịt lợi khuẩn lên trên mặt, hoặc mũi, trước mặt mình sẽ có một "đám mây lợi khuẩn". Đám mây đó sẽ ngăn cản sự tấn công của vi sinh vật gây bệnh và có tác dụng như một chiếc khẩu trang.

Thành viên nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã từng tham gia viết các bài báo quốc tế về việc bào tử lợi khuẩn có khả năng bất hoạt virus. Cứ một hạt bào tử lợi khuẩn có khả năng bất hoạt 8 hạt virus cúm. Việc bất hoạt virus cúm và virus hợp bào đường hô hấp đã được thử nghiệm lâm sàng tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Thế nên trong tương lai, khi mật độ dân số tăng, tôi dự đoán người ta sẽ thường xuyên sử dụng bào tử lợi khuẩn chỉ sau nước và không khí.

Tôi cũng đã có bài viết về ý tưởng sử dụng kết hợp sản phẩm LiveSpo Navax và vaccine trong phòng dịch bệnh Covid-19. Vì khi tiêm vaccine, nồng độ kháng thể cao nhất ở trong máu, rồi đến phổi, ngược từ đường hô hấp ra thì mũi là nơi có nồng độ kháng thể thấp nhất. Trong khi đó, sản phẩm LiveSpo Navax của chúng tôi thì khi xịt vào, nồng độ bào tử lợi khuẩn trong mũi lại là lớn nhất. Đó sẽ là hàng rào bảo vệ hô hấp đầu tiên.

Tôi đặt niềm tin vào cặp đôi hoàn hảo vaccine bào tử lợi khuẩn sẽ tạo thành lớp bảo vệ kép trong và ngoài sẽ làm tăng khả năng phòng bệnh thời dịch. Ý tưởng này cần được kiểm chứng bằng thử nghiệm lâm sàng mà chúng tôi chưa có điều kiện triển khai. Tôi hy vọng sẽ có dịp phối hợp với một đơn vị y tế để làm được thử nghiệm này.

Cám ơn ông.

Bạch Mộc
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.