CẠNH TRANH VỚI CÁC ÔNG LỚN
Với các chính sách ưu đãi và thói quen tiêu dùng hướng tới môi trường, nhiều quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đang là mục tiêu của nhiều hãng xe điện trên thế giới. Có thể lấy ví dụ với Na Uy, khi chính phủ nước này đánh thuế mạnh tay với những mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, nhưng với xe điện thì lại gần như không đánh thuế, nhờ đó mà xe điện luôn chiếm phần lớn trong doanh số xe.
Na Uy cũng là điểm đến đầu tiên của hãng xe điện khởi nghiệp NIO của Trung Quốc. Hãng xe điện này bắt đầu xuất hiện tại Na Uy từ năm 2021 với mẫu SUV điện NIO ES8. Dù doanh số của NIO tại Na Uy hồi tháng 4/2022 chỉ là 82 chiếc nhưng NIO đang ôm một giấc mộng lớn.
Trong tháng 4/2022, NIO đã bán được 82 chiếc NIO ES8 tại Na Uy. Ảnh: NIO
Tờ Automotive News cách đây ít hôm đã đưa tin về việc NIO đã sẵn sàng để cạnh tranh với BMW và Mercedes tại châu Âu bằng chính sách pin đặc biệt.
Cụ thể, chủ tịch NIO, ông Lihong Qin, cho biết ngoài việc NIO cho người dùng thuê pin để giảm chi phí mua ban đầu thì hãng xe này còn đang lên kế hoạch xây dựng 1000 trạm đổi pin ngoài thị trường Trung Quốc đến năm 2025 - phần lớn trong số đó nằm tại châu Âu. Các trạm đổi pin của NIO nhằm phục vụ các mẫu xe điện mà hãng bán ra, ví dụ như tại Đức - thị trường mà NIO sẽ bắt đầu tham gia ngay trong năm nay.
Vị chủ tịch của NIO cũng tự tin cho rằng "sản phẩm và dịch vụ của hãng đều vượt trội so với đối thủ. NIO sẽ tung ra nhiều mẫu xe điện mới tại châu Âu trong vòng 3 năm tới, và chúng tôi đang đạt có nhiều tiến bộ".
Trạm đổi pin là một cách tiếp cận của NIO khi công nghệ pin hiện tại chưa đáp ứng được về mặt thời gian sạc.
Trên thực tế, NIO trong suốt thời gian vừa qua đã liên tục thử nghiệm các chính sách cho thuê và đổi pin tại Na Uy với mẫu SUV điện ES8. Phía NIO cho biết rằng cho tới nay, hãng đã bán ra được 800 chiếc ES8 và lắp đặt 2 trạm đổi pin tại quốc gia Bắc Âu này; theo kế hoạch, NIO sẽ tung thêm nhiều mẫu xe điện khác, bao gồm 2 mẫu sedan NIO ET5 và ET7 từng hút nhiều chú ý.
Trong tháng 9 này, NIO đã mở cửa nhà máy tại Hungary, đảm nhiệm việc sản xuất các sản phẩm liên quan đến điện, ví dụ như các trạm đổi pin. Chủ tịch NIO cho biết rằng việc nhập khẩu trạm pin từ Trung Quốc đến các quốc gia châu Âu tiêu tốn một khoản tiền lớn.
Cặp sedan điện NIO ET5 và ET7 đã từng thu hút nhiều chú ý của truyền thông thế giới. Ảnh: NIO
BÍ MẬT CỦA NIO
Chính sách pin khác lạ
Một trong những kế sách của NIO để khiến xe điện của hãng trở nên hấp dẫn hơn là việc NIO cho thuê pin, nhằm tách giá pin (thường có giá rất cao) ra khỏi chi phí mua xe ban đầu. Trạm đổi pin của NIO thì cũng hứa hẹn sẽ là nơi người dùng sẽ được đổi khối pin mới, đầy điện chỉ trong vài phút - nhanh hơn cắm sạc.
Cách tiếp cận của NIO với pin xe điện đã khiến hãng trở nên khác biệt so với các đối thủ khác ngay tại thị trường nhà Trung Quốc; song, cách tiếp cận này cũng mang đến cho NIO các khó khăn về chi phí và rủi ro - điều mà các hãng khác không mấy mặn mà và đi tìm cách tiếp cận khác để giảm giá pin và tăng hiệu năng sạc. Trên thực tế, chính Tesla đã từng giới thiệu về ý tưởng trạm đổi pin từ năm 2016, nhưng đã dừng do yếu tố kinh tế.
Tesla giới thiệu ý tưởng đổi pin, thời gian thực hiện nhanh hơn đổ đầy bình xăng một mẫu xe tương đương.
Chủ tịch NIO, ông Lihong Qin, cho biết rằng các thử nghiệm của hãng đã giúp cho công ty khởi nghiệp 7 năm tuổi này có thêm phần tự tin, khẳng định các mẫu xe điện của hãng "vượt trội" so với các mẫu xe điện từ các hãng khác như BMW, Mercedes hay cả Volkswagen, và NIO đã sẵn sàng để cạnh tranh với các hãng này ngay tại châu Âu.
Ông Lihong Qin bày tỏ: "Giống như hai vận động viên điền kinh, nếu bạn có khởi đầu tốt thì việc cần làm chỉ là giữ tốc độ".
Trên thực tế, số liệu NIO cung cấp cho thấy rằng chính sách cho thuê pin đã thuyết phục được gần như toàn bộ khách hàng của NIO tại Na Uy, và hơn một nửa số khách hàng của hãng tại Trung Quốc. Được biết, mẫu SUV điện NIO ES8 được bán tại Na Uy với mức giá từ 52.000 USD (tức hơn 1,2 tỷ đồng); khách hàng có thể trả thêm 8.700 USD (hơn 200 triệu đồng) để mua đứt khối pin 75kWh, hoặc trả khoảng 135 USD (khoảng 3,2 triệu đông) phí thuê pin hàng tháng.
Học tập Tesla
Ngoài chiến lược về pin, NIO còn là một trong những cái tên rất đáng chú ý khi nhắc đến công nghệ tự lái. Hãng xe điện khởi nghiệp của Trung Quốc đã nhiều lần cho thấy rằng hãng được truyền cảm hứng bởi Tesla, và NIO giống một công ty công nghệ hơn là một hãng xe.
NIO kỷ niệm sản xuất chiếc xe thứ 100.000 hồi cuối tháng 4/2022.
Về mặt nhân sự, NIO đã tuyển dụng Shaoqing Ren làm Phó Chủ tịch phụ trách thuật toán của hệ thống tự lái. Được biết, Shaoqing Ren là đồng sáng lập của Momenta - công ty khởi nghiệp chuyên về phần mềm tự lái, dẫn dắt công ty từ con số 0 thành một kỳ lân (công ty khởi nghiệp có giá trị vượt 1 tỷ USD) chỉ trong 3 năm.
Ngoài ra, Shaoqing Ren từ lâu đã là nhà khoa học có số lượt trích dẫn nhiều nhất trong nghiên cứu về hệ thống tự lái theo xếp hạng của Google Scholar. Không chỉ có Shaoqing Ren, Tiến sĩ Zhou Xing - người xếp thứ 5 trong bảng xếp hạng của Google Scholar - cũng đang làm việc cho NIO.
Năm 2019, NIO đã công bố hợp tác với dự án Mobieye của Intel trong việc phát triển phương tiện tự động hóa cao và tự hành cho thị trường Trung Quốc và các thị trường lớn. Thông báo của NIO cho biết rằng hãng sẽ là đơn vị triển khai sản xuất hệ thống tự lái do Mobieye thiết kế, dựa trên bộ trang bị tự lái đạt cấp độ 4.