Hàng năm có khoảng 200 cá thể hổ, 1.000 cá thể tê giác và 10.000 cá thể tê tê bị tiêu thụ trái phép trên toàn cầu

Phương Nga | 11-11-2020 - 12:20 PM

(Tổ Quốc) - Theo ước tính của các tổ chức TRAFFIC và Liên minh Bảo tồn Quốc tế (IUCN) hàng năm có khoảng 200 cá thể hổ, 1.000 cá thể tê giác và tới 10.000 cá thể tê tê bị tiêu thụ trái phép trên toàn cầu (Sutter, 2014). Theo nghiên cứu khác số lượng này có thể lớn hơn nhiều tới khoảng 227.000 cá thể bị buôn bán trong thời gian từ 2000 – 2013.

Trước tình trạng này, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Cơ quan Thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chính thức khởi động Chiến dịch "Ngưng Tạo Nghiệp" với thông điệp "Mua một ngà voi, nhận một quả báo – Mua thịt tê tê, nhận một quả báo" nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ ngà voi và vảy tê tê tại Việt Nam.

Đánh giá về tình hình buôn bán một số loài động vật hoang dã, chuyên gia trong ngành đã chỉ ra, trong nhóm loài động vật đang bị buôn bán bất hợp pháp qua lãnh thổ Việt Nam thì một số nhóm loài như tê tê, sừng tê giác và ngà voi và một số loài rùa được coi là đang bị buôn bán phố biến nhất.

Về buôn bán tê tê

Tê tê là nhóm loại đang bị sắt và buốn bán nhiều ở khu vực Đông Nam Á. Nhu cầu tiêu thụ tê tê ở Trung Quốc tăng cao dẫn đến việc loài này bị săn, buôn bán để cung cấp cho thị trường này ngày càng nhiều. Theo ước tính của các tổ chức TRAFFIC và Liên minh Bảo tồn Quốc tế (IUCN) hàng năm có khoảng 200 cá thể hổ, 1.000 cá thể tê giác và tới 10.000 cá thể tê tê bị tiêu thụ trái phép trên toàn cầu (Sutter, 2014). Theo nghiên cứu khác số lượng này có thể lớn hơn nhiều tới khoảng 227.000 cá thể bị buôn bán trong thời gian từ 2000 – 2013. Tại khu vực Đông Nam Á, tê tê sống được vận chuyển bằng nhiều cách tới nơi tiêu thụ chính là Trung Quốc. Tê tê đông lạnh, thịt và vảy được vận chuyển bằng đường biển cũng được ghi nhận nhiều trong thời gian gần đây.

Thống kê từ các vụ bắt giữ từ năm 2010 đến 2014 có tới gần 34.3 tấn tê tê đông lạnh và vảy tê tê bị bắt giữ tại nhiều địa phương trong cả nước, phần lớn là có nguồn gốc từ nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ tháng 12/2010 đến tháng 12/2015 cơ quan này đã bắt giữ khoảng 12,3 tấn vảy tê tê và 22,7 tấn tê tê.

Hàng năm có khoảng 200 cá thể hổ, 1.000 cá thể tê giác và 10.000 cá thể tê tê bị tiêu thụ trái phép trên toàn cầu - Ảnh 1.

Chiến dịch "Ngưng Tạo Nghiệp" với thông điệp "Mua một ngà voi, nhận một quả báo – Mua thịt tê tê, nhận một quả báo" nhằm chấm dứt tình trạng buôn bán và tiêu thụ trái phép các sản phẩm từ ngà voi và vảy tê tê tại Việt Nam

Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2015, đã có 405 trường hợp buôn bán tê tê bị bắt giữ tại Việt Nam. Nguồn cung cấp tê tê chủ yếu là từ Indonesia, India, Mozambique và các nước châu Phi khác. Trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2015, ước tính hơn 30 nghìn cá thể bị bắt giữ tại Trung Quốc (WCS, 2016). Số lượng bắt giữ tê tê đặc biệt gia tăng trong những năm gần đây.

Về buôn bán sừng tê giác

Theo nghiên cứu, hoạt động buôn bán trái phép sừng tê giác với tốc độ như hiện nay có thể gây ra tuyệt chủng của cả 5 loài tê giác trên thế giới trong thập kỷ tới (Save the Rhino International, 2016). Theo thống kê hàng năm có tới hơn 1.000 cá thể tê giác bị giết trái phép tại châu Phi (UNODC, 2016). Kể từ năm 2005, số lượng săn bắn trái phép tê giác đã tăng lên đáng kể, từ khoảng 14 cá thể bị săn trộm hàng năm trong thời gian từ năm 2000 – 2005 đến số lượng hàng nghìn cá thể trong những năm gần đây.

Buôn bán ngà voi

Việc buôn bán voi chủ yếu là từ châu Phi, đã tăng gấp hơn hai lần từ năm 2007 (Bennett, 2105). Hầu hết, ngà voi bắt giữ ở Việt Nam có nguồn gốc từu châu Phi với một số lượng nhỏ từ voi nuôi và voi hoang dã trong nước và từ Lào. Trong những năm gần đây, nhiều vụ thu giữ ngà voi đã được ghi nhận do hiệu quả của hoạt động đấu tranh và thực thi pháp luật hiệu quả. Ví dụ, tháng 7/2015 công an cửa khẩu Hà Tiên đã bắt giữ 387 kg ngà voi vận chuyển từ Campuchia vào Việt Nam. Chỉ riêng tháng 8/2015, có ba vụ bắt giữ buôn bán trái phép ngà voi tại cảng Đà Nẵng, trong đó 593 kg có nguồn gốc từ Mozambique, hơn 2.000 kg ngà voi được giấu trong container gỗ có nguồn gốc từ Nigeria và 1.023 kg không rõ xuất sứ (Vigne và Martin, 2016.

 Giống như các vụ bắt giữ vảy tê tê và sừng tê giác trong năm 2019, đây là vụ bắt giữ số lượng ngà voi lớn nhất trong nhiều năm qua và lớn hơn so với các năm từ 2015-2018. Như vậy, tình hình buôn bán ngà voi, tê tê, tê giác đang diễn ra phức tạp và cần có những biện pháp tăng cường phòng chống các hoạt động trái phép này.

Hàng năm có khoảng 200 cá thể hổ, 1.000 cá thể tê giác và 10.000 cá thể tê tê bị tiêu thụ trái phép trên toàn cầu - Ảnh 2.

Chiến dịch "Ngưng Tạo Nghiệp" theo đó dựa trên quan niệm Nhân – Quả của Phật giáo, gửi tới nhóm đối tượng là những người sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã thông điệp rằng việc sử dụng động vật hoang dã trái pháp luật là hành vi tạo nghiệp và sẽ phải chịu quả báo trong tương lai. Chiến dịch khẳng định việc sử dụng động vật hoang dã vào các mục đích tâm linh và thể hiện đẳng cấp không đem lại sự bình yên và không thể hiện được vẻ đẹp trong lối sống của người dùng. Hành vi mua bán và sử dụng trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và tê tê trực tiếp đe dọa đến sự sinh tồn của các loài hoang dã và sự cân bằng của hệ sinh thái. Thông qua đó, chiến dịch khuyến khích nhóm đối tượng này chấm dứt hành vi vi phạm vô nhân đạo bao gồm mua bán, tiêu thụ và tặng, cho các sản phẩm từ động vật hoang dã để loại trừ nghiệp chướng.

Chiến dịch "Ngưng Tạo Nghiệp" được thực hiện trong hai giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài từ tháng 11/2020, tập trung thu hút và nâng cao sự quan tâm của nhóm đối tượng người sử dụng và cộng đồng về những yếu tố nhân - quả, nghiệp báo của hành vi mua bán và tiêu thụ trái phép các sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và tê tê.

Giai đoạn 2 nối tiếp đến năm 2021 với chuỗi các hoạt động tương tác truyền cảm hứng nhằm khuyến khích các đối tượng mục tiêu thực hiện hành động cụ thể, thực tế và có trách nhiệm để chung tay giúp hồi sinh các loài voi và tê tê. Chiến dịch cũng sẽ hỗ trợ việc thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 7/2020 về một số biện pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh có nguồn gốc từ động vật hoang dã tại Việt Nam.

Ông Rober Layng, Trưởng phòng Môi trường và Năng lượng của USAID tại Việt Nam chia sẻ: "Chiến dịch "Ngưng Tạo Nghiệp" là chiến dịch thay đổi hành vi xã hội rất có ý nghĩa, khơi gợi sự thay đổi trong nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc chung tay bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và các loài động vật hoang dã. Chiến dịch sẽ góp phần đánh động mạnh mẽ và thức tỉnh mọi người thay đổi suy nghĩ và hành vi của mình trước khi quá muộn, để tình trạng tiêu thụ bất hợp pháp các sản phẩm từ các loài hoang dã sẽ sớm chấm dứt.

Bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan Thẩm quyền Quản lý CITES Việt Nam cho biết: "Trên thực tế việc sử dụng sản phẩm từ voi và tê tê để thể hiện đẳng cấp chỉ là thói quen cá nhân vị kỷ. Chiến dịch truyền thông này khai thác trực tiếp khía cạnh tâm linh và quan niệm về nghiệp chướng để truyền tải thông điệp đến nhóm đối tượng mục tiêu. Chúng tôi hy vọng thông điệp của chiến dịch sẽ đánh động đến các đối tượng mục tiêu và kêu gọi ngăn chặn các hành vi sai trái này để bảo vệ động vật hoang dã".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM