Hàng loạt quy định mới về giáo dục có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2020

T.N (tổng hợp) | 28-02-2020 - 06:35 AM

(Tổ Quốc) - Bắt đầu từ tháng 3/2020, một số quy định mới về giáo dục sẽ có hiệu lực, trong đó có các vấn đề về sách giáo khoa, bằng đại học, trợ cấp giáo viên...

Hướng dẫn quy trình lựa chọn sách giáo khoa

Từ ngày 15/3, Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông sẽ chính thức có hiệu lực. Cụ thể:

- Tổ chuyên môn tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá sách giáo khoa của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn.

Lưu ý: Hàng loạt quy định mới nổi bật về giáo dục có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2020 - Ảnh 1.

Từ ngày 15/3, Thông tư 01 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông sẽ chính thức có hiệu lực.

- Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa trên cơ sở danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn theo các nguyên tắc quy định tại Điều 2 Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa. Sách giáo khoa được lựa chọn phải được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn...

Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên tham dự. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được Hội đồng lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở đề xuất của Hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông quyết định danh mục sách giáo khoa sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức

Thông tư 27/2019 của Bộ GD&ĐT quy định nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục văn bằng giáo dục đại học sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3.

Một trong những điểm đáng chú ý của Thông tư này là quy định không ghi thông tin về hình thức đào tạo như chính quy hay tại chức, hay vừa làm vừa học trong nội dung chính của văn bằng như quy định cũ.

Lưu ý: Hàng loạt quy định mới nổi bật về giáo dục có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2020 - Ảnh 2.

Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức.

Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Như vậy, từ đầu tháng 3, trên văn bằng sẽ chỉ còn các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng.

Trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Nghị định 14/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu. Theo đó, từ 15/3, đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm:

Lưu ý: Hàng loạt quy định mới nổi bật về giáo dục có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2020 - Ảnh 3.

Từ 15/3 áp dụng quy định trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên.

- Nhà giáo là giáo viên, giảng viên, cô nuôi dạy trẻ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhiệm nhà trẻ, phó chủ nhiệm nhà trẻ, giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, phó trưởng khoa…nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ 1/1/1994 đến 31/5/2011 tại các cơ sở giáo dục công lập mầm non, phổ thông, đại học...

- Nhà giáo làm công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền cử làm chuyên gia giáo dục ở ngoài nước, khi hết thời gian làm chuyên gia về nước thì nghỉ hưu ngay.

- Nhà giáo là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, giảng viên trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo...

Ngoài ra, trong từ tháng 3/2020 có thêm quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm.

Lưu ý: Hàng loạt quy định mới nổi bật về giáo dục có hiệu lực thi hành từ tháng 3/2020 - Ảnh 4.

Theo Thông tư 02/2020/TT-BGDĐT, từ 23/3, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm bao gồm 10 tiêu chuẩn, như:  Mục tiêu và chuẩn đầu ra; Bản mô tả chương trình đào tạo; Tuyển sinh và hỗ trợ người học; Đánh giá kết quả học tập của người học; Kết quả đầu ra…

Bên cạnh đó là Thông tư 03/2020/TT-BGDĐT quy định chi tiết hướng dẫn về tiêu chuẩn, định mức sử dụng diện tích công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Theo Thông tư này, từ 27/3, diện tích làm việc của giáo sư, phó giáo sư, giảng viên chính, giảng viên được quy định cụ thể, như: Mỗi giáo sư cần có diện tích làm việc 18m2; Mỗi phó giáo sư cần có diện tích làm việc 15m2; Mỗi giảng viên chính, giảng viên cần có diện tích làm việc 10m2.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM