Đại diện đến từ Viện nghiên cứu Chiến lược và Cạnh tranh nhìn nhận rằng vấn đề chống hàng giả, hàng nhái, rộng hơn là các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chưa bao giờ chấm dứt tại Việt Nam. Đây là thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt khi công nghệ thông tin và thương mại điện tử phát triển như hiện nay.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, bàn đến vấn đề chống hàng giả, hàng nhái không phải chỉ là trách nhiệm của cơ quan nhà nước mà đòi hỏi sự tham gia của cả giới doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng.
"Tại Việt Nâm, tồn tại thực tế là bản thân một bộ phận người tiêu dùng vẫn đang sẵn sàng mua hàng giả, hàng nhái. Chúng ta biết đấy nhưng chúng ta vẫn dùng, đó là điều khó để các cơ quan chức năng xử lý triệt để", ông Thịnh nhìn nhận.
Vị PGS cũng kể rằng cách đây 10 năm khi ông tham gia một hội thảo bàn về vấn đề hàng giả, hàng nhái và xâm phạm sở hữu trí tuệ, có một giám đốc doanh nghiệp đứng lên nói rất mạnh về vấn đề chống hàng giả. Người này kêu gọi mạnh mẽ các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau vì đơn lẻ không làm được, rồi lên tiếng chê trách cơ quan quản lý làm việc không tích cực.
"Rất tiếc khi anh ấy dùng máy tính chiếu slide, chốc chốc lại hiện lên dòng thông báo về "Active Window’. Sau tôi mới phát biểu rằng ‘bản thân anh đang dùng phần mềm bất hợp pháp để nói về chuyện chống hàng giả đấy’".
Ông Thịnh cho biết ở tầm quốc tế, gần đây nhất xảy ra vụ việc Hoa Kỳ tịch thu và phạt 50.000 USD cho 2 container hàng quần áo nhập khẩu từ Myanmar. Nguyên nhân vì công ty sản xuất đã sử dụng phần mềm bất hợp pháp để điều khiển máy cắt trong quá trình làm ra những bộ quần áo đó.
"Vấn đề sở hữu trí tuệ hiện giờ cực kỳ nghiêm ngặt. Vì vậy chúng ta cần kêu gọi truyền thông mạnh hơn để hình thành thói quen tiêu dùng có trách nhiệm. Nhiều cá nhân biết hàng giả vẫn dùng, có khi chỉ là đôi tất mua rẻ nên không ai quan tâm, rồi vài phụ kiện điện thoại, rồi chị em phụ nữ ra ngoài mua luôn cái túi LV giá chỉ 120.000 đồng. Khi biết thừa hàng giả mà vẫn dùng thì dần dần chúng ta sẽ hình thành thói quen dùng hàng giả", vị PGS thẳng thắn chia sẻ.
Theo một số khảo sát gần đây, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các cửa hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa cho đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 138.000 vụ việc vi phạm (giảm 7,5% so với cùng kỳ năm 2019), thu nộp ngân sách hơn 15.678 tỷ đồng (tăng 26,5% so với cùng kỳ), khởi tố 1.497 vụ việc và 1.800 đối tượng.