Hàng ăn mở lại sau khi nới lỏng cách ly, chuyên gia cảnh báo nguyên tắc cần nhớ khi đi ăn ngoài

Ngọc Minh | 23-04-2020 - 17:00 PM

(Tổ Quốc) - Phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19, chuyên gia khuyến cáo khi dịch vụ ăn uống mở cửa trở lại, mọi người đi ăn ngoài cần phải nhớ nguyên tắc ăn chín – uống sôi.

Nhiều ngày trôi qua của Hà Nội và Hồ Chí Minh không ghi nhận thêm ca nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, người dân vẫn phải luôn đề cao cảnh giác do bệnh vẫn có thể tìm ẩn trong cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay chưa có báo cáo khoa học trên thế giới chứng minh virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) lây qua đường ăn uống hay thực phẩm. Tuy nhiên, virus SARS-CoV-2 có thể lây qua tiếp xúc bề mặt của các dụng cụ ăn (thìa, đĩa, cốc, chén), mặt bàn…

Hàng ăn mở lại sau khi nới lỏng cách ly, chuyên gia cảnh báo 2 nguyên tắc  cần nhớ khi đi ăn ngoài - Ảnh 1.

Giữ đúng khoảng cách 2m khi đi ăn uống và không nói chuyện khi ăn, ảnh minh hoạ.

Khi đi ăn uống hàng quán bên ngoài để đảm bảo an toàn mọi người lau chùi bề mặt bàn ăn bằng dung dịch sát khuẩn và rửa tay dưới vòi nước với xà phòng hoặc bằng cồn trước khi ăn. Giữ đúng khoảng cách 2m với người đối diện để tránh nguy cơ lây qua tiếp xúc trực tiếp.

"Người Việt thường có thói quen vừa ăn vừa nói chuyện không tốt trong ăn uống. Thói quen này có thể làm tăng nguy cơ mắc Covid-19 khi dịch bệnh vẫn đang tiềm ẩn trong cộng đồng.

Cần phải lưu ý khi đi ăn ngoài phải luôn ghi nhớ nguyên tắc ăn chín – uống sôi. Ăn khi còn nóng và uống khi nước còn ấm", PGS. Huy Nga nói.

Đối với người bán hàng cần lưu ý phải đeo gang tay, khẩu trang đúng, mang mũ che giọt bắn. Các thực phẩm sử dụng chế biến món ăn cần phải đảm bảo vệ sinh và tuân thủ đúng theo quy định về an toàn thực phẩm.

PGS. Huy Nga phân tích thêm, virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật và được lây sang người trong quá trình tiếp xúc gần. Vì vậy, việc tiêu thụ động vật hoang dã (ăn thịt thú rừng) có thể làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh nguy hiểm sang con người.

Một số loại virus có thể sống ký sinh an toàn không gây bệnh cho động vật. Nhưng khi virus đó chuyển sang người nó sẽ biến đổi thích nghi và gây bệnh và lây lan từ người sang người.

"Bảo vệ rừng, không ăn động vật hoang dã là cách tốt nhất để con người phòng tránh được dịch bệnh trong tương lai. Việc chặt phá rừng sẽ thu hẹp môi trường sống của các loài động vật hoang khiến cho con người có cơ hội gần gũi với người và lây truyền (virus, vi khuẩn, ký sinh trùng).

Qua đại dịch Covid-19 là hồi chuông cảnh báo con người cần phải bảo môi trường và các loài động vật là cách bảo vệ chính mình", PGS. Huy Nga nói.

Chiều 22/4, Thủ tướng đã quyết định chia các địa phương cả nước thành 2 nhóm: nhóm nguy cơ và nhóm nguy cơ thấp. Hà Nội thuộc địa bàn có nguy cơ với dịch bệnh Covid-19.

Riêng 2 huyện Mê Linh và Thường Tín nơi có ổ dịch vẫn thực hiện theo Chỉ thị 16, tất cả các cửa hàng chưa được buôn bán, trừ các cửa hàng thiết yếu.

Tất cả các quận, huyện khác của Hà Nội thuộc nhóm có nguy cơ - tức là trở lại thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng, nên một số loạt hình kinh doanh, dịch vụ sẽ được mở cửa trở lại.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội các cửa hàng ăn uống, trung tâm thương mại… được hoạt động trở lại.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM