Hai "mảnh đời" startup trái ngược: Vì sao có người có thể "đứng trên vai người khổng lồ", có người lại phải “tự ăn thịt mình”, “ăn thịt Shark”?

H.S | 11-07-2020 - 13:21 PM

(Tổ Quốc) - Khi hợp tác với các tập đoàn lớn, các startup sẽ được gì và liệu họ có gặp phải vấn đề xung đột lợi ích hay bị "nuốt chửng" bởi người khổng lồ hay không?

Dừng lại ở việc rót tiền thì không thể tạo ra tác động lan tỏa

4 - 5 năm về trước, khái niệm eKYC (Electronic know your custumer) - định danh khách hàng điện tử xuất hiện. Trong quá trình làm tư vấn cho một doanh nghiệp Đức, ông Nguyễn Hoàng Tùng - CEO VVN AI đã nhìn thấy cơ hội cho eKYC ở thị trưởng Việt Nam.

Nếu việc định danh truyền thống buộc khách hàng phải điền thông tin theo mẫu, sau đó nhân viên rà soát, đối chiếu thì eKYC sẽ cho phép các công đoạn này được tự động hóa.

Thời điểm mới xây dựng ứng dụng này, thuật toán không phải là điều khó khăn, vì ông Tùng tự tin với 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực AI. Tuy nhiên, vẫn tồn tại thách thức: hệ thống dữ liệu gốc của Việt Nam chưa tốt. Ông Tùng chia sẻ: "Tôi đến được khoảng 3-4 phông chữ khác nhau", ông nói và lưu ý rằng chứng minh thư cũng rất dễ bị làm giả. Song, đây chưa phải vấn đề quá lớn.

Hai mảnh đời startup trái ngược: Vì sao có người có thể đứng trên vai người khổng lồ, có người lại phải “tự ăn thịt mình”, “ăn thịt Shark”? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng (người thứ 2 từ bên phải) tại lễ khởi động Viettel Solutions 2020: "Startup cần đứng trên vai người khổng lồ".

Giải quyết được vấn đề dữ liệu gốc rồi, VVN AI mới thực sự phải đối mặt với khó khăn lớn - khó khăn của rất nhiều nhà khởi nghiệp Việt Nam: thị trường. Là công ty non trẻ, giải pháp còn lạ lẫm với thị trường Việt Nam, VVN AI thậm chí từng phải bán sản phẩm qua công ty khác rồi nhờ họ ký hợp đồng.

Nhưng bước ngoặt đến khi startup này bán được sản phẩm cho Viettel, vào lúc tập đoàn này đang tìm đối tác cho giải pháp định danh khách hàng. Với tập khách hàng lớn, trung bình một tháng, tập đoàn này phải quét hơn 3 triệu hồ sơ, tương ứng gần 10 triệu lần quét. Vì thế, họ đòi hỏi tốc độ xử lý và tính chính xác rất cao.

Theo ông Tùng, với mỗi chứng minh thư nhập liệu thủ công, Viettel trước đây mất 2.000 đồng thì giờ chỉ còn 400-500 đồng. Tức là Viettel có thể tiết kiệm tới 40 tỷ đồng nhờ giải pháp của VVN AI.

Sau đó, VVN AI có cơ hội tham gia Viettel Advanced Solution - cuộc thi tìm kiếm giải pháp sáng tạo toàn cầu và giành giải nhất để tiếp tục tham dự vòng chung kết VietChallenge. Sau cuộc thi này, họ đã có cơ hội để đứng trên vai "người khổng lồ" Viettel.

Nhìn lại quãng thời gian đó, ông Tùng nhận định các tập đoàn lớn có vai trò quan trọng với hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp này chỉ dừng lại ở việc rót tiền thì không thể tạo ra tác động lan tỏa. Vì vậy, startup cần được đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm, tư duy về thị trường.

"Doanh nghiệp lớn có nguồn lực, tầm nhìn để biết sản phẩm startup làm ra có tác dụng hay không, nếu bán thì thu về được bao nhiêu. Đó là thứ tôi kỳ vọng các startup được hỗ trợ", ông Tùng chia sẻ tại buổi lễ phát động cuộc thi Viet Solutions 2020 - cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam.

Hai mảnh đời startup trái ngược: Vì sao có người có thể đứng trên vai người khổng lồ, có người lại phải “tự ăn thịt mình”, “ăn thịt Shark”? - Ảnh 2.

Ông Cao Anh Sơn (ngoài cùng bên trái): "Nhiều startup đi thi không phải vì giải thưởng hay tìm quỹ đầu tư mà cần được kết nối với một hệ sinh thái của nền tảng viễn thông và CNTT".

Ông Cao Anh Sơn – CEO Viettel Telecom cho biết, các sản phẩm của đội thi ban đầu có thể chưa được hoàn thiện, nhưng khi tham gia vào với hạ tầng và kinh nghiệm và hiểu biết về khách hàng của Viettel, sản phẩm đó trở nên rất có ý nghĩa.

Ông Tùng cho rằng, làm việc với các tập đoàn lớn chính là áp lực để các startup cải tiến sản phẩm hơn mỗi ngày: "Cái được lớn nhất mà VVN AI nhận được từ Viettel là sự tư vấn chuyên nghiệp, họ có tập khách hàng lớn để hoàn thiện sản phẩm dịch vụ, nên họ cũng đòi hỏi cao, khó tính để lựa chọn sản phẩm tốt nhất, nên chúng tôi cũng phải gồng mình để trở thành giải pháp tốt nhất".

"Startup cần đứng trên vai người khổng lồ!" - ông Tùng khẳng định.

Chia sẻ về sự hợp tác giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và những doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn, Gene Soo - đồng sáng lập Hệ sinh thái khởi nghiệp tiên phong của Hong Kong nhận xét: "Các công ty khởi nghiệp rất giỏi trong việc giải quyết các vấn đề nhưng có thể không giỏi bán hàng hoặc xây dựng các mối quan hệ kinh doanh. Các tập đoàn có thể giúp các công ty khởi nghiệp đẩy nhanh sản phẩm ra thị trường". Gene Soo cũng là một trong các mentor của Viet Solutions 2020.

Vì sao phải "Buôn có bạn, bán có phường"?

Trái với kết quả "viên mãn" của VVN AI ở trên, câu chuyện khởi nghiệp khác cũng được chia sẻ tại cũng tại buổi lễ phát động cuộc thi Viet Solutions 2020 lại mang đầy những trăn trở của một Founder có startup không sống được với giải pháp, thậm chí phải "tự ăn thịt mình", "ăn thịt Shark" – tức là đốt tiền của nhà đầu tư.

Tham dự với vai trò khán giả của buổi Lễ phát động, khi được bày tỏ nỗi lòng của mình, bà Tạ Thị Vân Anh, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT của iSofH, một startup trong lĩnh vực y tế không giấu được sự xúc động khi kể lại: "Một nền tảng như iSofH đang phát triển, phục vụ một người bệnh từ lúc họ được tiếp đón vào bệnh viện, cho đến khi được điều hướng, phân luồng, khám, quản lý hồ sơ, ra được đơn thuốc, kết nối toàn bộ hệ thống lâm sàng. Chúng tôi muốn thu 5.000 đồng cho một lượt phục vụ, không bằng một sổ khám bệnh bằng giấy - phương pháp truyền thống, lại không có cơ chế".

Bà Vân Anh cho biết, iSofH khởi nghiệp đã 5 năm và đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng để "nuôi" hơn 100 kỹ sư.  Song, trong ngành y tế, công nghệ thông tin lại không được xét như là một chiếc "chân bàn" thứ tư, tương xứng với mức đầu tư cho nhân lực, hạ tầng, trang thiết bị.

"Yếu tố công nghệ thông tin trong y tế đang không có mức định giá, không có mức đầu tư và không biết phải thu như thế nào" – bà Vân Anh nói.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều những startup có giải pháp, có hiệu quả nhưng lại thiếu thị trường, thiếu cơ chế và chưa được may mắn như VVN AI, tìm được "người khổng lồ" cho chính mình (iSofH  không tham gia các cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số). Đó là điều mà họ rất khó có thể làm một mình, vì còn non trẻ.

Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã nhận định: "Các cụ có câu, "Buôn có bạn, bán có phường". Ngày nay, hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta sẽ phải giải quyết vấn đề lớn, là cung cấp một hệ sinh thái đầy đủ, trong đó họ dùng sản phẩm của nhau, thay vì dùng của nước ngoài.

Từ đó chúng ta sẽ hình thành một mạng lưới, liên minh doanh nghiệp công nghệ số để phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số đầy đủ cho Việt Nam – điều mà một doanh nghiệp Việt Nam khó có tiềm lực để làm đầy đủ".

Ông Dũng cũng bày tỏ niềm tin, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin Truyền thông, những giải pháp hoàn thiện, có khả năng nhân rộng hoàn toàn có thể được triển khai trên hệ thống của các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn khác chứ không chỉ riêng Viettel. Đồng thời, Viettel cũng có sự hiện diện tại nhiều thị trường, nên các giải pháp tham gia cuộc thi này còn có cơ hội đi ra quốc tế. Bộ Thông tin Truyền thông sẽ là cơ quan định hướng, chỉ đạo, tiếp nhận tất cả các vướng mắc của doanh nghiệp công nghệ, kết nối với các Bộ để tháo gỡ.

Bộ cũng sẽ tạo dựng các vườn ươm công nghệ bằng cách kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ lớn hợp tác với các công ty công nghệ non trẻ để cùng hoàn thiện và phát triển sản phẩm. Thêm vào đó, Bộ Thông tin Truyền thông sẽ thúc đẩy các Bộ, ngành tạo lập thị trường bằng cách cho phép thử nghiệm ở quy mô nhỏ, sau đó cấp ‘giấy khai sinh’ cho các mô hình mới.

"Cái mà các doanh nghiệp công nghệ số cần nhất chính là thị trường. Có thị trường sẽ có đầu tư, có công nghệ có con người" – Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Ông Nguyễn Mạnh Hổ - CEO Viettel Solutions đã gợi mở giải pháp cho bà Vân Anh: "Tôi đã trao đổi với anh Long (Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long) và một trong số những ý đề xuất là khép kín hệ sinh thái. Làm sao để người dân có thể sử dụng dịch vụ và trả tiền một cách hợp pháp với chất lượng dịch vụ như vậy. Tôi nghĩ là chuyển đổi số có việc dễ, việc khó và chúng ta cần bền bỉ, kiên trì, đi cùng nhau. Viettel nếu như gỡ được chính sách về khám chữa bệnh từ xa thì có lẽ iSofH cũng có thể báo cáo với anh Long".

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.