Tạm quên không khí Valentine nô nức ngoài kia đi các chị em ạ, bởi đâu đó, rất nhiều góc khuất giữa cuộc sống đời thường này, có những người vợ được chồng rửa cho vài cái bát đã là xa xỉ lắm rồi chứ nói gì đến socola.
Có ai bước vào hôn nhân với cả một niềm tin vào tình yêu phía trước nhưng rồi mỗi năm trôi qua bạn càng cảm thấy mình giống mẹ đơn thân hơn là phụ nữ đã có chồng?
01
Linh - một bà mẹ bỉm sữa chính hiệu đã phải nghỉ làm 2 tuần để trông con vì trường mẫu giáo cho nghỉ mùa dịch bệnh. Cô tất tả đủ thứ việc trên đời trong một ngày. Nhưng đây không phải là giai đoạn đầu tiên mà Linh bận nhất. Trước đây cô từng tự an ủi mình khi bố chồng bị ngã: "Cố gắng chăm ông tốt chút ông sẽ nhanh bình phục", khi mới sinh con còn đang ở cữ: "Chịu khó chút nuôi con nhanh ấy mà, chẳng mấy chốc nó lớn", khi chồng đi công tác liên miên: "Coi như tự rèn luyện mình, sau này đẻ đứa thứ 2 chẳng sợ khổ nữa"...
Người hiểu thì khen cô đảm, người vô tâm lại buông câu lạnh ngắt: "Đàn bà ai chẳng thế!". Nhưng rồi cho đến khi con gái Linh gần 3 tuổi, mọi người giục nhắc cô sinh thêm thì cảm xúc trong lòng cô chỉ là nỗi sợ hãi: sợ mang thai, sợ đi đẻ, sợ cảnh 1 mình chăm con mọn... Có cả nghìn nỗi sợ như thế mà chỉ ai trải qua trong cô độc như Linh mới thấu hiểu được.
Vậy tại sao phụ nữ luôn nhiều việc? Tại sao họ có quá nhiều áp lực, hay cáu gắt, già trước tuổi và sợ có thêm con? Chỉ có 1 câu trả lời duy nhất: Có quá nhiều người chồng, người cha vô hình đang tồn tại.
Có một ai đó đã từng nói mỉa mai thế này: "Bản chất của kết hôn là cơ hội để nam giới tìm thêm một người mẹ thứ 2". Và mô hình chung của kết hôn sẽ là có 1 người phụ nữ làm việc nhà cho bạn, phục vụ cha mẹ bạn, sinh con đẻ cái và có trách nhiệm hết lòng với nhà bạn...
Nhưng có mấy ai hiểu được, hôn nhân phải là sự hợp tác dựa trên tình yêu. Vợ với chồng nên coi nhau là những người bạn đời thực sự, cùng chia sẻ và các nghĩa vụ nên ngang bằng nhau.
02
Long luôn tự hào vì mình có một cô vợ tháo vát, đảm đang rất được lòng mọi người. Ngay cả khi có bầu cô cũng tự lên mạng tìm hiểu ăn gì tốt, khám ở đâu, đăng kí đẻ thế nào lợi nhất. Đến lúc con ra đời, cô dần thích nghi với công việc của một bà mẹ bỉm sữa, chăm con khiến chồng chẳng mấy khi phải bận tâm.
Con đói mẹ cho ăn, con khóc quấy mẹ thí, mẹ tắm cho con, mẹ chơi cùng con, mẹ ru con ngủ. Long chỉ việc tập trung vào lo kiếm tiền, con anh vẫn thông minh, cao lớn tăng cân vùn vụt. Mỗi khi ra ngoài anh sẽ tự hào khoe với mọi người: "Con trai tôi đấy!". Nhưng chỉ cần bước về căn nhà quen thuộc, bất kể con đòi gì, muốn gì Long sẽ trả lời ngắn gọn: "Gọi mẹ đi!".
Vậy là sao hả các anh đang làm chồng? Các anh có công "gieo hạt" nhưng phụ nữ chúng tôi mang nặng đẻ đau, sinh con được định nghĩa như việc gãy 1 lúc 10 dẻ xương sườn đấy! Và đến ngày mẹ tròn con vuông chúng tôi lại tiếp tục với 1 cuộc chiến ngày đêm không phân biệt.
Cho con bú sợ con không chịu ăn, tắm cho con sợ lóng ngóng con lại sặc nước, thay tã sợ rắc rối, chăm con ốm sợ không đúng cách... có hàng nghìn điều khiến các anh sợ nhưng phụ nữ lại không. Trong khi đó xuất phát điểm của cả 2 đều như nhau, là những ông bố bà mẹ trẻ chưa từng trải qua 1 chút kinh nghiệm.
Phụ nữ không sợ vất vả, điều họ sợ là không ai hiểu, không ai sẻ chia, họ luôn phải "chiến đấu" một mình. Đôi khi là uất ức, là tuyệt vọng, bất lực đến trầm cảm. Ở giai đoạn này quả thật xứng đáng làm 1 bộ phim bom tấn mang tên: "Lấy chồng để làm gì?".
03
Vậy những người cha, người chồng vô hình ấy đến từ đâu? Tại sao bao năm rồi mà họ chẳng chịu hiểu và nhìn nhận?
Không còn nghi ngờ gì nữa, trước hết là sự ích kỷ và lười biếng của chính họ, sau đó là rất nhiều yếu tố cấu tạo thành: Môi trường sống và sự nhu nhược của vợ.
Đầu tiên, 1 người đàn ông có thói quen sinh hoạt và tính cách tốt hay xấu phụ thuộc rất nhiều vào môi trường mà anh ấy lớn lên. Khi được sinh ra trong nghèo khó, phải lao động vất vả từ nhỏ, anh ấy sẽ biết quý trọng và tiết kiệm mọi thứ. Đôi khi, làm việc nhà không phải để giúp vợ nữa mà chỉ đơn giản là thói quen, thấy bừa thì dọn, thấy bẩn thì lau.
Các cô gái tinh ý chỉ cần quan sát thái độ của mọi người trong gia đình nhà bạn trai ngày đầu ra mắt sẽ biết ngay người đàn ông đó sau này làm chồng thế nào. Nếu bố anh ấy cũng chỉ ngồi chờ cơm bưng nước rót, sai vợ con làm cái nọ cái kia, nếu mẹ anh ấy đến gọt hoa quả cũng không cho con trai gọt, cất nồi cơm cũng không để con trai cất thì chắc chắn tương lai anh ta sẽ là một người chồng vô hình. Anh ta sẽ phát triển thành 1 phiên bản mới nhưng lại giống y đúc người nhà mình.
Có 1 sự thật mà chính chúng ta không nhận ra, đó là việc các bà vợ đang làm hư chồng mình. Các chị than vãn, thở dài nhưng lại không tạo cơ hội cho chồng làm thử chỉ vì "lóng ngóng thế mình làm cố cho xong". Chính vì sự mất kiên nhẫn của phụ nữ, sự dễ dãi trong việc ôm đồm mọi việc đã tạo ra những ông chồng vô hình.
"Sao anh lại làm thế này?", "Anh làm hỏng của em rồi", "Giời ơi dặn thế còn không nhớ"... những câu cằn nhằn quen thuộc sẽ khiến các ông chồng chán nản còn các bà vợ lại rước bực vào người.
Không phải đàn ông nào cũng đủ độ khéo léo và tinh tế, chỉ cần họ có tinh thần chia sẻ với vợ đã là niềm hạnh phúc vô bờ rồi. Vậy nên đừng tạo thêm áp lực cho chồng nếu bạn muốn hôn nhân là 2 người đồng hành thực sự.
Sự thật là phụ nữ cho đi và hi sinh nhiều hơn đàn ông. Đó cũng là 1 trong những lý do lý giải việc tại sao ngày càng nhiều phụ nữ không muốn kết hôn, làm mẹ đơn thân, thích cuộc sống độc lập. Bởi họ coi trọng giá trị bản thân hơn quan niệm truyền thống.
Đàn ông ạ, đời người ngắn lắm nhưng hôn nhân có dài hay không là do một phần các anh quyết định đấy. Đừng để người phụ nữ của mình phải đơn độc trong cuộc hành trình gian truân này.