Sau khoảng thời gian triển khai tại TP.HCM, xe đạp công cộng giá rẻ đang phát huy hiệu quả, được người dân đón nhận. Hiện Hà Nội cũng đã chuẩn bị thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng phục vụ người dân.
Ông Đỗ Bá Quân, đại diện đơn vị thực hiện dự án phát triển xe đạp công cộng, cho hay, ngày 9/1/2023, đơn vị sẽ bắt đầu thi công trạm xe đạp công cộng đầu tiên tại Hà Nội. Vị trí lắp đặt trạm đầu tiên là tại số 12 Đào Tấn (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội).
Sau khi lắp đặt xong trạm, ngày 12/1/2023, xe đạp phục vụ dự án và khóa thông minh dự kiến có mặt tại Hà Nội. Tiếp đó từ ngày 12 – 20/1/2023, đội ngũ nhân viên của đơn vị này sẽ hoàn thành kết nối, lắp đặt xe. Từ 20/1/2023 tại các trạm xe hoàn thiện, đơn vị thực hiện dự kiến bố trí mỗi điểm khoảng 10 xe cho khách hàng chạy trải nghiệm.
Cũng theo ông Quân, kế hoạch chạy thử nghiệm sẽ diễn ra trong vòng hai tuần, sau đó dịch vụ chính thức khai trương đi vào hoạt động. "Mỗi khách hàng được tặng 1 giờ đi xe miễn phí khi tải ứng dụng để sử dụng xe", ông Quân cho hay.
Vào ngày 9/1/2023, đơn vị này sẽ bắt đầu thi công trạm xe đạp công cộng đầu tiên tại Hà Nội.
Trước đó, Sở GTVT đề xuất UBND TP cho phép Công ty CP Tập đoàn Trí Nam thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn một số quận nội thành với thời gian thí điểm 12 tháng.
Theo đó, Trí Nam sẽ cung cấp 1.000 xe đạp (50% là xe đạp điện) với 94 vị trí đặt xe, tổng vốn đầu tư là khoảng hơn 30 tỉ đồng. Doanh nghiệp này cũng xin miễn phí vỉa hè và có thu phí dịch vụ trong 12 tháng.
6 quận thí điểm giai đoạn 1 gồm: Ba Đình dự kiến có 340 xe, Tây Hồ 240, Đống Đa 100, Hoàn Kiếm 280, còn lại là Thanh Xuân và Hai Bà Trưng.
Chi phí cho mỗi lượt 30 phút là 5.000 đồng với xe đạp thường, 10.000 đồng với xe đạp điện; phí thuê xe cả ngày với hai loại xe lần lượt 60.000 và 120.000 đồng.
Hiện UBND TP Hà Nội đã thống nhất về chủ trương triển khai thí điểm dịch vụ xe đạp đô thị trên địa bàn Thành phố theo đề xuất của Sở GTVT.
Theo đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó có 500 xe đạp truyền thống và 500 xe đạp điện. Xe đạp được bố trí ở 82 vị trí/6 quận tại các quận: Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và các điểm cạnh lối lên xuống của tuyến tàu điện đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thời gian dự kiến thực hiện từ năm 2022 đến 2023.
Giai đoạn 2, dự kiến từ năm 2023 đến 2024, tập trung phát triển mở rộng vùng dịch vụ ra các quận trung tâm và lân cận trung tâm. Quy mô đầu tư khoảng 3.000 xe đạp, bố trí tại 350 địa điểm, chi tiết các địa điểm này sẽ được đơn vị thực hiện và các cơ quan có liên quan khảo sát, lựa chọn cụ thể.
Được biết, tổng chi phí của dự án là khoảng 30 tỉ đồng (nhà đầu tư tự bỏ vốn và khai thác). Dự án dự kiến thực hiện thí điểm trong vòng 12 tháng. Để hỗ trợ dự án, nhà đầu tư đề xuất UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ miễn phí vỉa hè tại các điểm đặt trạm sạc.
Khi sử dụng, người dân chỉ cần tải ứng dụng quét mã QR Code trên điện thoại cùng với số tiền tối thiểu là 10.000 đồng đã có thể sử dụng dịch vụ.
Là một trong những người được thử trải nghiệm xe đạp dịch đầu tiên, bạn Nguyễn Anh Ngọc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Sau khi được trải nghiệm tôi cảm thấy khá hài lòng đối với chiếc xe đạp. Chiếc xe này khá bắt mắt, dễ đi và việc sử dụng công nghệ rất dễ dàng. Xe đạp không tạo ra khí thải nên phương tiện này là một trong những phương thức vận tải xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Hơn nữa, người dân đi xe đạp cũng giúp cải thiện đáng kể sức khỏe...
Người dân bày tỏ khá hài lòng với chất lượng xe và giá thuê.