Hà Nội quyết định cho trẻ từ mẫu giáo đến tiểu học, THCS nghỉ đến 15/3, bậc TPHT đi học sớm hơn

Hoàng Đan | 06-03-2020 - 15:24 PM

(Tổ Quốc) - Đối với việc đi học lại của học sinh, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “TP quyết định cho học sinh THPT đi học trở lại từ ngày 9/3”.


Hà Nội: HS THPT đi học trở lại từ ngày 9/3, trẻ từ mẫu giáo đến THCS nghỉ đến 15/3

Đối với việc đi học lại của học sinh, ông Chung nhấn mạnh: “TP quyết định cho học sinh THPT đi học trở lại từ ngày 9/3”. 

Đối với các trẻ mẫu giáo, bậc tiểu học, THCS sẽ nghỉ tiếp đến ngày 15/3, việc có cho đi học hay nghỉ tiếp sẽ được quyết định vào ngày 13/3.

Lý giải về việc cho học sinh THPT đi học lại từ ngày 9/3, ông Chung cho hay, theo khung năm học của Bộ Giáo dục - Đào tạo thì quota của THPT chỉ còn 1 tuần nữa nên phải cho học sinh đi học mới đảm bảo thời gian học. Thêm vào đó, theo ông Chung, chúng ta áp dụng rất nhiều biện pháp, không lơ là chủ quan và phải tự tin là cho đến lúc này trên địa bàn TP chưa phát sinh một trường hợp nào lây nhiễm. 

“Khả năng phát sinh nguồn gốc bệnh từ chính cộng đồng chúng ta đang rất thấp và chưa phát hiện trường hợp nào lây nhiễm”, ông Chung nêu. Bên cạnh đó, các trường đã được 6 lần vệ sinh, khử khuẩn và cơ bản mỗi lớp đủ 1 nhiệt kế điện tử, đã tập huấn cho giáo viên 2 lần và phổ biến không chào cờ tập trung. 

 “Tôi quán triệt là phải đo thân nhiệt tại lớp nhưng không được đo thân nhiệt ngoài cổng, vì máy đo chỉ có tác dụng trong bóng râm, trong nhà chứ không có tác dụng ngoài ánh sáng mặt trời", ông Chung yêu cầu. 

Ngoài ra, tất cả các trường khi học xong đều phải khử khuẩn, vệ sinh cả trong ngoài lớp, đồ dùng, xung quanh trường học. 

“Chúng ta phải phổ biến cho phụ huynh, các cháu không tập trung, tụ tập và giờ giải lao phải bố trí nghỉ chênh nhau. Phải có đủ xà phòng, nước rửa tay khô, sát khuẩn. Các trường học đều phải bố trí phòng, nơi để cách ly các trường hợp nghi ngờ… “, ông Chung yêu cầu thêm. 

Đối với học sinh các cấp THCS, tiểu học, mầm non, ông Chung quyết định sẽ cho nghỉ học đến hết ngày 15/3 và việc có đi học trở lại hay nghỉ tiếp sẽ được quyết định vào ngày 13/3. 

“Chúng ta phải đảm bảo trên cơ sở, tinh thần quán triệt nhất quán chỉ đạo của Thủ tướng và Ban chỉ đạo Trung ương là chỉ khi nào đảm bảo an tâm, an toàn thì mới cho đi học trở lại”, ông Chung nói và nhấn mạnh, hiện trên thế giới chưa có ổ dịch nào phát sinh từ trường học. 

Cuối buổi họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các ngành, quận, huyện triển khai rà soát tất cả học sinh, sinh viên là công dân của Hà Nội, đi học ở các nước châu Âu, đã về trong khoảng thời gian từ ngày 20/2 vừa qua đến nay nhưng chưa thực hiện khai báo. 

 “Đề nghị các quận, huyện, phường, xã tuyên truyền tới từng tổ dân phố tuyên truyền tới từng hộ dân chủ động kê khai thông tin về học sinh, sinh viên, người thân đi các nước châu Âu đang có dịch, về từ ngày 20/2 đến nay, thông tin đến các cơ sở y tế”, ông Chung yêu cầu thêm.

Có thể thu giấy phép kinh doanh nếu kỳ thị công dân đến từ các nước có dịch

Ông Chung cho rằng, hiện trên địa bàn thành phố có đủ công dân các nước có dịch và công dân Việt Nam công tác, du lịch qua các nước có dịch, nên tiềm ẩn nguy cơ rất lớn lây nhiễm dịch bệnh này. Do đó, cần tiếp tục quyết liệt, không chủ quan, lơ là, nâng cao trách nhiệm. Người đứng đầu UBND TP yêu cầu việc quan trọng nhất là phải tuyên truyền, không kỳ thị đối với người dân các nước có dịch bệnh, đặc biệt rút kinh nghiệm việc 1 nhà hàng ở phố Lý Thường Kiệt treo biển không đón tiếp người Trung Quốc.

"Ngay sau khi nhận được thông tin, quận Hoàn Kiếm đã xuống xử lý, thu dỡ biển của nhà hàng treo, nhưng chúng ta phải tuyên truyền mạnh mẽ để người dân nắm được, không được kỳ thị đối với công dân các nước có dịch. Nếu phát hiện trường hợp nào thì cần phải nhắc nhở, xử phạt nghiêm túc, thậm chí thu giấy phép kinh doanh, không cho kinh doanh nữa", ông Chung yêu cầu.

Lãnh đạo UBND TP cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng phải công khai, minh bạch những trường hợp nghi nhiễm dịch bệnh trên địa bàn để người dân ở các địa phương nắm được, đặc biệt, người tiếp xúc gần sẽ ý thức việc phòng, cách ly.

Hà Nội quyết định cho trẻ từ mẫu giáo đến tiểu học, THCS nghỉ đến 15/3, bậc TPHT đi học sớm hơn - Ảnh 3.

3 chuyên gia Trung Quốc tự cách ly ở Hà Đông, quận cần giám sát chặt

Báo cáo tại cuộc họp, UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, trong thời gian vừa qua, đã tập trung kiểm tra, chấn chỉnh, tuyên truyền người dân không kỳ thị đối với người dân các nước có dịch. Cụ thể, quận đã xử lý, chấn chỉnh một trường hợp có hành vi kỳ thị không đón tiếp khách người Trung Quốc. 

 “Chúng tôi đã chấn chỉnh nhà hàng, yêu cầu nhân viên không được kỳ thị đối với khách”, lãnh đạo quận nêu và cho hay, sẽ tăng cường tuyên truyền việc này. 

Lãnh đạo Sở GTVT cho hay, đối với xe buýt, Sở đã yêu cầu các đơn vị phải tăng cường việc lau rửa các phương tiện, đặc biệt, phải lau xà phòng ở các vị trí hành khách hay bám trên xe… Các nhân viên lái, phụ xe đều được yêu cầu đeo khẩu trang, có nước sát khuẩn cầm tay. 

 Đối với việc trang bị nước sát khuẩn trên mỗi xe, do hiện nay còn khó khăn nên chưa thể trang bị. Tuy nhiên, đơn vị đã trang bị đầy đủ nước sát khuẩn tại các điểm trung chuyển lớn của xe buýt, có phòng cách ly cho các khách nghi nhiễm tại các điểm như tại Long Biên, Cầu Giấy… 

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung cho hay, để đảm bảo dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông sớm đi vào nghiệm thu, hoạt động nên TP đã có báo cáo với Chính phủ về việc cho phép các chuyên gia người Trung Quốc nhập cảnh. Cụ thể, theo ông Chung, thời gian qua, đã có 3 chuyên gia đi vào bằng hộ chiếu công vụ nên TP đã đón và đưa vào khách sạn ở Hà Đông mà họ tự thuê để cách ly. Ông Chung yêu cầu quận Hà Đông cần giám sát việc này. 

Chủ tịch Hà Nội nói thêm, thời gian tới có 37 chuyên gia sẽ vào và TP sẽ tiếp tục đón, đưa họ về nơi cách ly tại một khách sạn tự thuê ở Hà Đông. Việc cách ly cần được giám sát chặt chẽ. 

Đối với xe buýt của Hà Nội, ông Chung yêu cầu dù tốn kém nhưng Sở GTVT phải chỉ đạo các đơn vị mua, trang bị cho mỗi xe một chai nước sát khuẩn để người dân trước khi lên và xuống sử dụng sát khuẩn.

Nhiều trường chưa trang bị đủ mỗi lớp 1 máy đo thân nhiệt

Báo cáo tại buổi giao ban, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh - Xã hội cho biết, hiện có 282/370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đăng ký hoạt động trở lại với 149.012 học sinh, sinh viên. Tính đến 6/3, có 205 đơn vị có số học sinh quay trở lại với tổng số là 65.278/93.352 và có 28.074 học sinh nghỉ. 

Theo lãnh đạo Sở, số trường chưa cho học sinh đi học có một số nguyên nhân. Cụ thể, do hiện nay, 100% các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên có số học sinh THPT vừa học văn hóa vừa học nghề, hiện vẫn nghỉ (18.058 người). Còn lại, một số học sinh, sinh viên của trường cao đẳng, trung cấp nghề là công dân một số tỉnh có người mắc bệnh nên các trường cũng chủ động cho số này nghỉ. 

Đối với việc trang bị các thiết bị đo thân nhiệt, vị này thông tin, hiện hầu hết các trường đã trang bị máy đo thân nhiệt, nhưng chưa đủ mỗi lớp 1 máy. 50% trường công lập đã bố trí mỗi lớp 1 máy còn các doanh nghiệp có tham gia đào tạo nghề hầu hết chưa bố trí được mỗi lớp 1 máy. 

Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương cũng cho hay, qua nắm bắt tình hình, phụ huynh đều mong muốn cho học sinh cấp THPT đi học trở lại để nắm kiến thức và chuẩn bị cho việc thi cuối cấp. Lãnh đạo quận cũng đồng tình với đề xuất của Sở GD-ĐT trong việc tiếp tục để học sinh cấp THCS, tiểu học, mầm non tiếp tục nghỉ thêm 1 tuần để phụ huynh có thể yên tâm hơn.

Hà Nội quyết định cho trẻ từ mẫu giáo đến tiểu học, THCS nghỉ đến 15/3, bậc TPHT đi học sớm hơn - Ảnh 6.

Đề xuất cho học sinh THPT đi học, các cấp còn lại nghỉ thêm 1 tuần phòng dịch Covid-19

Chiều 6/3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Hà Nội đã tổ chức cuộc giao ban thường kỳ.

Tại cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến 15h ngày 6/3, trên địa bàn thành phố chưa nghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid-19. Có 99 trường hợp nghi ngờ nhiễm Covid-19, tất cả đều có xét nghiệm âm tính. 587 người tiếp xúc gần với các trường hợp nghi ngờ mắc nhiễm đều có sức khỏe bình thường và đã kết thúc giám sát y tế.

Về tổ chức giám sát tại cộng đồng, lũy tích các quận, huyện, thị xã tổ chức giám sát cách ly y tế và theo dõi sức khỏe tại cộng đồng 5.807 trường hợp, hiện còn 1.777 người phải tiếp tục cách ly theo dõi sức khỏe, 4.030 trường hợp hết thời gian cách ly.

Cách ly tập trung cho 65 trường hợp đi về từ vùng có dịch tại bệnh viện Công an Thành phố (Lũy tích 135 trường hợp trong đó có 70 trường hợp kết thúc theo dõi). Cách ly tập trung 2.290 trường hợp đi về từ vùng có dịch tại các khu vực của Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Y tế đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ trường hợp hiện đang có mặt tại khu cách ly và đã tổ chức xét nghiệm được 847 mẫu, tất cả đều cho kết quả âm tính.

Ngày 5/3, một trường hợp có thai đang được cách ly tại trường Sĩ quan lục quân chuyển dạ và được các y bác sỹ khẩn trương chuyển đến bệnh viện Thạch Thất mổ. Hiện sản phụ và con ổn định.

Theo ông Hạnh, trong các ngày vừa qua, lãnh đạo UBND Thành phố và các đoàn kiểm tra của Sở Y tế tiếp tục kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các đơn vị, kiểm tra tính sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị của các cơ sở y tế, kiểm tra việc tổ chức cách lỵ tại các cơ sở cách ly tập trung của Thành phố.

Ngày 6/3, Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác đảm bảo cách ly cho phái đoàn của Trung Quốc sang làm việc về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Ông Hạnh cho rằng, tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang có xu hướng giảm mạnh nhưng dịch bệnh lại lan nhanh và rộng tại các quốc gia ngoài Trung Quốc như Hàn Quốc, Ý...

Trong khi Hà Nội thường xuyên có nhiều người nước ngoài đến sinh sống, làm việc, du lịch và lượng người Việt Nam từ các nước trên quay về nước trong thời gian qua tăng nhanh.

Vì vậy, nguy cơ tiềm ẩn về dịch bệnh là rất lớn, đòi hỏi không được lơ là, chủ quan, phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt, đồng bộ hơn giai đoạn trước.

Nêu ý kiến tại cuộc họp, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, theo chỉ đạo của UBND TP, tuần qua các trường phổ thông, mầm non trên địa bàn tiếp tục nghỉ học và Sở đã có chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh đến trường.

Cụ thể, Sở tiếp tục yêu cầu các nhà trường tập huấn xây dựng kịch bản, ứng phó với một số tình huống xảy ra. Trao đổi với phụ huynh để nắm được tình hình sức khỏe học sinh. Chuẩn bị các trang thiết bị cần thiết, nước sát khuẩn, nhiệt kế và các trường cần tiếp tục tiến hành việc phun sát khuẩn trường học trong cuối tuần này.

Nêu đề xuất tại cuộc họp, ông Dũng cho rằng, với tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay và việc khống chế dịch của TP trong thời gian qua, liên sở Sở GD-ĐT, Sở Y tế đề nghị cho học sinh THPT quay trở lại trường học từ ngày 9/3, còn học sinh các cấp THCS, tiểu học, mầm non tiếp tục nghỉ thêm 1 tuần.

Ông Dũng cũng đề nghị, khi cho học sinh THPT đi học, yêu cầu các trường triển khai việc học 1 buổi, không tổ chức dạy thêm, giờ ngoại khóa. Các gia đình chủ động cho học sinh ăn sáng tại nhà và giảm tối đa việc hoạt động của căng tin.

Hà Nội quyết định cho trẻ từ mẫu giáo đến tiểu học, THCS nghỉ đến 15/3, bậc TPHT đi học sớm hơn - Ảnh 10.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM