Hà Nội nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 6 qua 5 quận và 3 huyện

Nguyễn Ngoan | 14-10-2022 - 15:17 PM

(Tổ Quốc) - Tuyến đường sắt đô thị số 6 được quy hoạch dài 43 km, kéo dài từ Nội Bài đến khu đô thị mới phía tây Ngọc Hồi.

UBND TP Hà Nội vừa giao Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội và các đơn vị liên quan nghiên cứu dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi, sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Australia thông qua Ngân hàng Thế giới (WB).

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) có trách nhiệm làm việc với các chuyên gia của WB xác định lại nội dung của dự án hỗ trợ kỹ thuật, lựa chọn công việc phù hợp bảo đảm hiệu quả, tuân thủ các quy định của Việt Nam và kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng lâu dài (phục vụ cho việc chuẩn bị dự án ở các giai đoạn tiếp theo).

Hà Nội yêu cầu MRB nghiên cứu, đề xuất các hình thức đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 6 để có thể huy động được nguồn vốn tham gia đầu tư. Trong đó, nghiên cứu áp dụng mô hình TOD (phát triển định hướng giao thông) khai thác không gian ngầm tại các ga đường sắt đô thị, khu đất lân cận, đặc biệt là điểm đầu và điểm cuối. Việc này có thể thu hồi một phần vốn, nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.

Hà Nội nghiên cứu tuyến đường sắt đô thị số 6 qua 5 quận và 3 huyện  - Ảnh 1.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đoạn qua ngã tư Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi. (Ảnh minh họa)

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt đô thị số 6 có tổng chiều dài khoảng 43km với điểm đầu tại sân bay Nội Bài, điểm cuối tại Ngọc Hồi. Tuyến bao gồm 29 nhà ga và 2 Depot tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ và đi qua các quận, huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì các quận Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông.

Nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài - Ngọc Hồi được đánh giá có vai trò quan trọng đối với dự án và hệ thống giao thông công cộng của thành phố, tác động trực tiếp đến phát triển không gian đô thị và hiệu quả sử dụng đất đô thị trong tương lai.

Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, Thủ đô sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, đi ngầm 75 km. Hiện chỉ có tuyến Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành và vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.

Năm tuyến khác đang triển khai ở các giai đoạn khác nhau. Dự án xây dựng Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 đoạn Yên Viên - Ngọc Hồi (giai đoạn 1) được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư năm 2008, điều chỉnh dự án đầu tư năm 2017 với tổng mức đầu tư 19.046 tỉ đồng. Hiện đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật.

Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội (đoạn Nhổn - ga Hà Nội) được UBND TP. Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án năm 2009 , phê duyệt điều chỉnh dự án năm 2019, 2020 với tổng mức đầu tư 1,176 tỉ euro. Tuyến đường sắt đô thị số 3 Nhổn - ga Hà Nội dự kiến khai thác đoạn trên cao cuối năm 2022, toàn tuyến năm 2027.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) do UBND TP. Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư năm 2008 với tổng mức đầu tư 19.555 tỉ đồng. Hiện nay, Hà Nội đang triển khai rà soát, hoàn thiện báo cáo đề xuất để trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gồm: điều chỉnh phương án vị trí, tổng mặt bằng ga ngầm C9 khỏi vùng bảo vệ II để giảm thiểu ảnh hưởng đến di tích hồ Hoàn Kiếm; điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 19.555 tỉ đồng lên 35.678 tỉ đồng.

Hai tuyến đường sắt đô thị số 3 (ga Hà Nội đến Hoàng Mai) và tuyến số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Hoà Lạc) được thành phố thông qua chủ trương đầu tư.

Thành phố cũng đã giao nhiệm vụ MRB chuẩn bị các tuyến còn lại gồm: Nam Thăng Long - Nội Bài; Trần Hưng Đạo - Thượng Đình; tuyến Cổ Nhuế - Vành Đai 3 - Lĩnh Nam - Bát Tràng - Dương Xá...

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM