Khi dịch bệnh ập đến viện dưỡng lão Life Care thuộc ngoại ô Seattle, hạt King, bang Washington - nơi người mẹ 85 tuổi của Debbie de los Angeles đang trú ngụ, cô cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh. Các y tá đo thân nhiệt thường xuyên cho bà cụ, và trấn an Debbie rằng mẹ của cô không bị sốt, ho hay bất kỳ triệu chứng nào.
Nhưng vào lúc 4h15 sáng ngày 3/3, một y tá gửi tin nhắn thoại cho Debbie để thông báo khẩn cấp. Mẹ của cô đang sốt 40 độ C, dùng thuốc hạ sốt không có tác dụng. "Chúng tôi nghi bà cụ cũng nhiễm virus corona. Chúng tôi không lường trước bà ấy phải chiến đấu với căn bệnh này".
Câu chuyện của Debbie: "Chúng tôi muốn đến viện dưỡng lão, vì mẹ chỉ đang có một mình"
Gửi bố mẹ vào viện dưỡng lão là một quyết định đau đớn và giày vò đối với cả hai thế hệ. Tuy nhiên nó vẫn là một quyết định được cân nhắc và chuẩn bị trước. Điều mà các gia đình không ngờ tới, chính là dịch bệnh lại kéo tới dưới mái nhà viện dưỡng lão, biến nơi cư ngụ an toàn của người già trở thành điểm nóng bùng phát dịch.
Đưa mẹ vào viện dưỡng lão rồi nhìn bà qua đời giữa dịch bệnh - hai lần chia ly khiến Debbie không khỏi tự trách mình (Ảnh: NY Times)
Từ khi các thông tin về ổ dịch Life Care ở bang Washington được thông báo, cuộc sống ở đây như dần bị rút cạn. Hành lang viện dưỡng lão vắng lặng đến đáng sợ, thỉnh thoảng chỉ thấy những dáng vẻ thiếu ngủ và mệt nhoài. Do việc thăm người thân bị giới hạn, các y tá vốn đang làm việc quá sức còn phải nhận thêm những cuộc điện thoại lo lắng từ phía gia đình người cao tuổi. Nhiều người muốn đưa bố mẹ rời khỏi Life Care để đến bệnh viện hoặc một viện dưỡng lão khác, nhưng họ không chắc bố mẹ có nhiễm virus hay không. Và nếu có, liệu ai có thể chăm sóc cho những bệnh nhân dễ tổn thương đến vậy?
Bà Twilla Morin - mẹ của cô Debbie - đã đến viện dưỡng lão khi không còn đủ sức để đứng và bước đi một mình. Và do chứng mất trí nhớ ngày càng nghiêm trọng, bà thường nhẫm lẫn con gái thành người chị quá cố.
Tại viện dưỡng lão, thế giới của bà Morin thu gọn trong phòng ngủ chung, trên chiếc xe lăn đưa bà tới phòng bếp và trên cái bàn mà bà thường ngồi ăn một mình. Nhưng Twilla vẫn hạnh phúc, bà yêu thích một cốc chocolate nóng vào buổi tối và luôn chăm sóc một con búp bê như đứa bé bằng xương bằng thịt. Trong những giờ phút tỉnh táo, bà nhắc lại những kí ức vui vẻ và tự hào về các cháu ngoại của mình.
Nghĩ về mẹ khiến Debbie càng thêm khổ sở tinh thần, cô muốn đến viện dưỡng lão ngay khi biết tình hình của mẹ chuyển xấu. Thế nhưng, cô cũng biết rằng mình rất dễ bị lây nhiễm cho bản thân, và cho người chồng cũng có tiền sử bệnh hô hấp.
Viện dưỡng lão cập nhật tình hình cho Debbie, nói rằng bà cụ đang được chăm sóc bởi nữ y tá mà bà yêu mến. Bà cụ đang ngủ, đừng quá lo lắng. Dù vậy, Debbie vẫn không thể ngồi yên.
Chúng tôi muốn có mặt ở đó. Vì mẹ chỉ đang có một mình.
Debbie
Kế đó, Debbie bị đánh thức vào lúc rạng sáng ngày 4/3. Trung tâm Life Care cho biết mẹ của cô đã qua đời vào lúc 2h10 sáng hôm đó. Do "tình trạng khác thường" của cái chết, những di vật của bà cụ sẽ được tạm giữ bởi nhân viên điều tra.
Những bức ảnh lưu giữ ký ức về bố mẹ của Debbie (Ảnh: NY Times)
Buổi sáng hôm đó, Debbie và chồng ngồi trên sofa, xung quanh là 4 đứa con đã trưởng thành của họ. Cả gia đình xem lại những bức ảnh cũ và ôn lại ký ức về người mẹ, người bà vừa mới qua đời.
Ngoài ra, họ phải sắp xếp lễ tang và quyết định xem có muốn giữ lại một số di vật của bà cụ hay không, bao gồm chiếc nhẫn, gấu bông và một số thứ lặt vặt khác. Họ cũng không chắc bà cụ đã nhiễm virus corona vì chưa có kết quả xét nghiệm. Debbie khẳng định mình muốn có một câu trả lời.
Tôi vẫn thắc mắc điều gì đã xảy ra ở viện dưỡng lão. Các nhân viên đã mặc đồ bảo hộ và đeo khẩu trang, nhưng virus vẫn tìm thấy con đường xâm nhập rồi bùng phát.
Debbie
Cảm giác bất lực: Tại sao không đưa bố mẹ mình ra khỏi ổ dịch?
"Tôi cứ lo là mẹ sẽ chết trong cô độc" - Vanesssa Phelps cho biết. Cô có người mẹ 90 tuổi sống trong viện Life Care Center được 4 năm, đang gặp vấn đề khó thở. "Chỉ có duy nhất nỗi sợ đang ngự trị và tôi không biết phải làm gì. Không có cách nào chủ động sắp xếp".
Một số gia đình gọi cho các ông bà cụ 2 lần mỗi ngày, dặn đừng lo lắng khi xem truyền hình - nơi phát đi những tin tức nghiêm trọng về dịch Covid-19 đang diễn ra tại chính viện dưỡng lão. Phóng viên cũng dễ dàng bắt gặp những đứa con đứng bên ngoài ô cửa sổ, tìm kiếm bố mẹ mình giữa các khe hở rèm cửa.
Cảnh tượng này giống như một con thuyền đang chìm dần mà không có phao cứu sinh. Alex Stewart đang cảm thấy rất khổ sở. Bà của cô, 95 tuổi, đã đan một cái chăn nhỏ dành tặng cho em bé của Alex - cháu cố đầu tiên của bà. Điều đó khiến Alex cảm thấy vừa ngọt ngào vừa cay đắng vì "cảm giác bất lực".
Không ai biết rõ virus corona đã tấn công viện dưỡng lão như thế nào, nhưng đến ngày 8/3, có 14 trên 16 ca tử vong ở Mỹ trong dịch Covid-19 đều là các bệnh nhân cao tuổi tại Life Care. Ngoài ra, hơn 10 người khác từng đến trung tâm cũng nhiễm virus.
Kevin Connolly đã gửi bố vợ 81 tuổi đến Life Care được 1 năm, sau khi ông cụ hồi phục từ cơn đau tim. Anh cho biết mình đang bị chất vấn: "Tại sao không đưa ông cụ rời khỏi chỗ ấy ngay đi?". Mọi người xung quanh nói có lý, nhưng Kevin không thể làm theo.
Nơi đó chính là mái nhà của ông cụ. Ông thích đồ ăn của viện, thoải mái với dịch vụ chăm sóc và có những người bạn già tại đây.
Kevin
Hai chị em ôm chầm động viên nhau khi mẹ của họ đang "mắc kẹt" ở viện dưỡng lão (Ảnh: Reuters)
Mặc cho Life Care đang tăng cường rà soát và ngăn chặn lây nhiễm, nhiều gia đình bày tỏ họ thiếu thông tin từ ban lãnh đạo và từ cơ quan y tế, theo New York Times cho biết. Họ nói mình đã sốt ruột trong hàng giờ liền, mong chờ một cuộc gọi báo tin từ chính quyền hạt, tiểu bang hay từ CDC (Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh).
Life Care hiện có khoảng 190 chỗ ở cho người cao tuổi, nhưng phần lớn chưa được xét nghiệm Covid-19 mặc dù đã tiếp xúc với những người bạn già có dấu hiệu ho và sốt. Điều đó khiến các gia đình lo ngại tình hình dịch ở trung tâm sẽ còn dữ dội hơn.
Các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng người già rất dễ tổn thương khi nhiễm virus và có nguy cơ tử vong cao, nhất là khi họ đã có bệnh lý nền hay vấn đề hô hấp.
Nhà dưỡng lão Life Care tại hạt King, bang Washington là một ổ dịch nghiêm trọng của nước Mỹ (Ảnh: Reuters)
Trong động thái mới đây, nhà chức trách đã đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn để ngăn chặn lây nhiễm tại trung tâm Life Care. Bác sĩ Jeff Duchin - đại diện cho cơ quan y tế hạt King, cho biết họ đang tiến hành xét nghiệm tất cả người cao tuổi ở viện dưỡng lão. Ông Duchin cũng xin lỗi về việc gián đoạn cung cấp thông tin. Ngoài ra, một đội ngũ ứng phó khẩn cấp của liên bang dự kiến sẽ đến hỗ trợ cho Life Care từ ngày 5/3.
Trước những thông tin trên, các gia đình phần nào cảm thấy được xoa dịu. Họ cũng cảm ơn đội ngũ y tá và nhân viên viện dưỡng lão đã nhiệt tình chăm sóc người thân của mình, bất chấp nguy cơ cao bị lây nhiễm. Trên thực tế, nhiều nhân viên đã dương tính với virus.
(Theo New York Times)