VinFuture sẽ tạo ra sự thay đổi cho hàng triệu người
Vào ngày 18/1, tại Hà Nội, Quỹ VinFuture đã tổ chức sự kiện giao lưu cùng các nhà khoa học tham gia các hội đồng sơ khảo, hội đồng giải thưởng VinFuture. Trong phiên thảo luận đầu tiên về hành trình của VinFuture, GS. Nguyễn Thục Quyên (ĐH California, Mỹ) đã chia sẻ về cơ duyên bà tham gia giải thưởng VinFuture với tư cách là Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng.
Bà Quyên cho biết, đích thân nhà sáng lập VinFuture đã trực tiếp liên hệ với bà, và sau khi được nghe về nguyện vọng của quỹ, cũng như tầm nhìn của VinFuture, bà đã ngay lập tức nhận lời đồng ý.
Bản thân từng sinh ra tại ngôi làng nghèo ở Việt Nam 16 năm không có điện, bà Quyên cảm nhận công nghệ không thực sự tác động đến người nghèo, người lao động. Cho nên, theo vị nữ giáo sư, việc đưa những sáng kiến, công trình khoa học tới gần hơn đến những người không có điều kiện tiếp cận như người nghèo chính là điều khiến giải thưởng VinFuture trở nên khác biệt.
"Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được tham gia vào hành trình của VinFuture cùng với đồng nghiệp của mình. Với tôi, giải thưởng này rất đặc biệt vì tôi là người Việt Nam. Nó không chỉ là giải thưởng của quỹ mà còn là giải thưởng của Việt Nam, đại diện cho Việt Nam và người dân Việt Nam", bà Quyên cho hay.
GS. Nguyễn Thục Quyên (ĐH California, Mỹ) - Đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture.
Còn đối với GS. Đặng Văn Chí, Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ), trở lại Việt Nam sau 50 năm, ông cảm thấy rất tự hào về đất nước và con người Việt Nam. Ông vô cùng tự hào khi Việt Nam đã tiên phong tạo ra giải thưởng độc đáo. Ông bày tỏ sự ngạc nhiên khi chỉ trong gần một năm mà có tới gần 600 hồ sơ được gửi đến bởi các nhà khoa học từ 6 châu lục.
Ông Chí lý giải, sở dĩ ông đồng ý tham gia hội đồng giám khảo bởi nhận thấy giải thưởng VinFuture tôn vinh công trình khoa học phụng sự nhân loại và cả con người.
"Một quốc gia đang phát triển như Việt Nam đã mạnh mẽ tiên phong tạo ra một giải thưởng rất độc đáo, lấy con người làm ưu tiên, khoa học vì nhân loại. Không chỉ là khoa học vì khoa học mà là khoa học tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới, và cả Việt Nam", ông nhấn mạnh.
GS. Đặng Văn Chí, Giám đốc Khoa học Viện nghiên cứu ung thư Ludwig (Mỹ).
Là một nhà khoa học nghiên cứu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều năm, TS. Bùi Hải Hưng (Viện nghiên cứu VinAI Research, Tập đoàn VinGroup) chia sẻ, sau khi trở về Việt Nam, ông đã tìm thấy một cơ hội nghiên cứu về AI rất tuyệt vời ngay tại quê hương.
"Hiện tại chúng tôi cũng đang có dự án để kết nối với Siri, 10 năm trước bản thân tôi cũng tham gia nghiên cứu tạo ra Siri. Tuy nhiên, bản chất của khoa học là khi chúng ta giải quyết được một vấn đề thì ngay lập tức chúng ta gặp phải vấn đề khác", ông nói.
"Trong 3 năm vừa qua, tôi có cơ hội được giải quyết những là xu hướng của thế giới và đương nhiên là cùng với đồng nghiệp của tôi ở Việt Nam. Phòng nghiên cứu phòng thí nghiệm chúng tôi cũng đã được thiết lập và gồm những nhà khoa học cũng như là các thiết bị hàng đầu trên thế giới.
Theo ông Hưng, ở các quốc gia đang phát triển, mọi người đều nghĩ rằng khoa học kỹ thuật công nghệ là cách thức để một quốc gia có thể tiến lên phía trước. Đứng trên phương diện là người đã từng sống ở các quốc gia đã phát triển, ông Hưng hy vọng, giải thưởng VinFuture có thể mang lại một cơ hội tuyệt vời để tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.
TS. Bùi Hải Hưng, Viện nghiên cứu VinAI Research, Tập đoàn Vingroup.
Cùng câu hỏi về lý do quay trở lại Việt Nam, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata, GS. Vũ Hà Văn cho biết, trong khoảng thời gian trở lại Việt Nam, ông luôn mong muốn được hợp tác với các nhà khoa học trẻ ở đây.
"Vài năm vừa qua, tôi dành nhiều thời gian ở Việt Nam hơn, bởi vì tôi thấy cần phải làm gì đó có ý nghĩa thật lớn. Và tôi đã tìm được một cơ hội rất hứa hẹn và thú vị, đặc biệt là khi chúng tôi khám phá được thế mạnh của các nhà khoa học trẻ Việt Nam", ông Văn nói.
"Tôi tin rằng để ngành nghiên cứu ở Việt Nam vươn lên tầm thế giới, thì cần có ai đó dẫn dắt với tầm nhìn xa; đồng thời, cần phải có sự hỗ trợ từ Chính phủ và khu vực tư nhân như tập đoàn Vingroup. Sự hỗ trợ này vô cùng quan trọng và đây là yếu tố cốt lõi", ông Văn nhấn mạnh.
Theo ông Văn, một trong những khó khăn mà các nhà khoa học gặp phải đó là việc đầu tư vào khoa học chưa đến mức mà cần phải có.
"Thế nhưng, giờ đây, với sự hỗ trợ của tập đoàn Vingroup, các nhà khoa học sẽ không chỉ được hỗ trợ về tài chính mà còn là nguồn lực con người, dữ liệu, máy móc trang thiết bị, để thực hiện những dự án thực sự lớn, cả những nghiên cứu cơ bản trong khoa học và những nghiên cứu mang tính ứng dụng trong đời sống con người. Và tôi cho rằng đây là cơ hội đặc biệt, nếu không muốn nói là duy nhất", GS. Vũ Hà Văn nhấn mạnh.
Mức độ lan tỏa của VinFuture sẽ lớn đến đâu?
Trao đổi bên lề sự kiện với Trí Thức Trẻ, TS. Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện CNTT, ĐHQG Hà Nội nhận định, giải thưởng VinFuture sẽ là bước đầu để tạo nên sự kết nối giữa các nhà khoa học trong nước.
Đồng thời, giải thưởng cũng sẽ là tiền đề để các nhà khoa học Việt Nam có thể gắn bó lâu dài với con đường nghiên cứu. Ông Việt lý giải, các nhà khoa học Việt Nam thường chỉ nghiên cứu những đề tài có thời gian tương đối ngắn, sau đó sẽ chuyển sang nghiên cứu đề tài khác.
TS. Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện CNTT, ĐHQG Hà Nội.
"Các nhà khoa học khó mà tập trung vào nghiên cứu bởi vì họ phải đảm nhận, tham gia vào rất nhiều công việc để có thể kiếm sống được. Điều này dẫn đến việc các nhà khoa học Việt Nam sẽ không vận dụng được những kiến thức, chuyên môn mạnh nhất và không thể phát huy tối đa được cái tiềm năng của bản thân", ông Việt cho hay.
Bên cạnh đó, VinFuture cũng sẽ là cầu nối giữa các nhà khoa học Việt Nam với thế giới. Theo ông Việt, đây sẽ là một cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam có thể được trải nghiệm và cảm nhận môi trường nghiên cứu toàn cầu.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Hương, đại biểu HĐND Thành phố Hà Nội cảm thấy rất ấn tượng và tự hào về quy mô cũng như tầm nhìn của giải thưởng VinFuture.
"Giải thưởng VinFuture như một liều doping để giúp các nhà khoa học, đặc đặc biệt là các nhà khoa học nữ, có thêm sự khích lệ và giữ lửa đam mê nghiên cứu khoa học tại Việt Nam", bà Hương chia sẻ.
Qua đó, bà Hương kỳ vọng, giải thưởng VinFuture sẽ có cơ chế chính sách khuyến khích nữ khoa học được tham gia nghiên cứu, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp.
"Ví dụ thách thức rất lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là nhiễm mặn. Làm thế nào để quy tập nhà khoa học và giúp đỡ hàng chục triệu người dân ĐBSCL giảm thiểu khó khăn. Và tôi cũng rất mong muốn có sự tham gia nhiều hơn của các nhà khoa học, đặc biệt các nhà khoa học nữ và trong linh vực nông nghiệp", bà Hương đề xuất.
Đồng tình với ý kiến của bà Hương, GS. Quyên cho biết, một trong những sứ mệnh của VinFuture đó là thực sự kết nối và làm nhiều hơn nữa cho các nhà khoa học nữ.
"Chúng tôi cũng đã trao đổi là không chỉ ở Việt Nam mà còn từ các quốc gia đang phát triển nữa. Chắc chắn chúng ta sẽ có rất là nhiều việc cần phải làm để chúng ta tăng thêm được số lượng hồ sơ của chúng ta đến từ những các nhà khoa học nữ và đến từ quốc gia đang phát triển", GS. Quyên cho hay.
Tuần lễ trao giải VinFuture có 4 hoạt động chính, diễn ra từ ngày 18-21/1.
Ngày 18/1: Chương trình giao lưu cùng Hội đồng giải thưởng và Hội đồng sơ khảo.
Ngày 19/1: Tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu. Sự kiện có sự có sự tham gia của nhiều GS hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.
Ngày 20/1: Lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Ngày 21/1: Giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture.