GS Nguyễn Thanh Liêm: 'Làm phẳng đỉnh nhọn' Covid-19 và kết quả tốt từ Việt Nam

GS Nguyễn Thanh Liêm | 13-03-2020 - 08:00 AM

(Tổ Quốc) - So với nhiều nước, dịch tại Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Chính phủ đang thực hiện các biện pháp rất quyết liệt.

Làm phẳng đỉnh nhọn dịch

Dưới đây là một là quan điểm của một số nhà dịch tễ Mỹ về vấn đề này.

Hiện nay, qua các tài liệu, điều không chắc chắn nhất về dịch Covid-19 ở Mỹ là quy mô và tốc độ của dịch như thế nào. Trong vài ngày qua chúng ta đã chứng kiến sự tăng nhanh khủng khiếp cho đến ngày 11/3 đã có 1.139 ca bệnh và 36 người chết.

Theo Marc Lipsitch một chuyên gia dịch tễ truyền nhiễm của Havard, có thể 20-60% người lớn sẽ bị nhiễm Covid-19. Mặc dù 80% ca là nhẹ nhưng một kịch bản có thể xảy ra là số người chết ở Mỹ có thể là vài chục nghìn hoặc vài trăm nghìn người. Tốc độ lan truyền nhanh chóng gây ra những hậu quả nặng nề.

Hệ thống y tế sẽ quá tải do sự bùng nổ của dịch. Trong kịch bản đó nhiều người nữa sẽ tử vong vì không đủ giường bệnh và máy thở.

GS Nguyễn Thanh Liêm: Làm phẳng đỉnh nhọn Covid-19 và kết quả tốt từ Việt Nam - Ảnh 1.

Dịch Covid- 19 đang lây lan nhanh.

Các chuyên gia cho biết, sự quá tải thảm khốc của bệnh viện có thể tránh được bằng các biện pháp phòng ngừa: đóng cửa trường học, tránh hội họp đông người, làm việc tại nhà, tự cách li và tránh xa đám đông.

Các nhà dịch tễ gọi chiến lược này là làm phẳng "đỉnh nhọn". "Thậm chí nếu không làm giảm được tổng số ca mắc thì việc làm chậm tốc độ của dịch cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng", Carl Bergstrom một nhà sinh học của trường Washington đã viết trong Twiter.

Chúng ta cần kiên định

Trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục chiến lược cách ly, giám sát người bệnh và những người có khả năng bị lây nhiễm thì một số học giả nước ngoài nêu quan điểm rất khác lạ, thậm chí cực đoan đến mức hãy để cho Covid-19 tự lan truyền để tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Có người khuyên Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn phòng ngự bằng cách tập trung phòng ngừa cho nhóm người có nguy cơ, nhóm người cao tuổi thay vì tiếp tục như hiện nay. Làm thế nào có thể phòng cho nhóm nguy cơ cao nếu để cho rất nhiều người khỏe bị nhiễm bệnh.

Nhiều nước phương Tây đã sai lầm vì đánh giá thấp nguy cơ, đã không chủ động thực hiện quyết liệt các biện pháp cách ly, cô lập cho nên bây giờ vỡ trận. Milan không còn đủ chỗ trong khoa hồi sức, có nguy cơ bệnh nhân không đủ máy thở và bác sĩ phải lựa chọn ai sẽ được dùng máy thở.

So với nhiều nước, dịch tại Việt Nam vẫn đang trong tầm kiểm soát. Chính phủ đang thực hiện các biện pháp rất quyết liệt.

Chúng ta cần kiên định. Bài ca "đồng hồ Tây có bao giờ sai" không phải lúc nào cũng đúng. 

Để thành công tất cả người dân và chính quyền các cấp cần chấp hành nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế và Chính phủ. Tuy nhiên chúng ta cũng cần chuẩn bị các phương tiện cần thiết đặc biệt là máy thở cho tình huống có nhiều bệnh nhân nặng bởi vì cuộc chiến vẫn rất cam go.

GS Nguyễn Thanh Liêm: Làm phẳng đỉnh nhọn Covid-19 và kết quả tốt từ Việt Nam - Ảnh 3.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM