Điều này là vì một lượng lớn cử tri dự kiến sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu tất cả các lá phiếu có được đếm kịp vào đêm đó hay không. Bất kỳ khó khăn hoặc sự chậm trễ nào cũng đều có thể khiến kết quả bầu cử bị trì hoãn, khiến thông tin sai lệch về bầu cử và người chiến thắng sẽ có cơ hội "lên ngôi".
Google, Facebook và Twitter sẽ chịu áp lực gia tăng trong việc kiểm soát thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử, điều mà trong các lần trước đây, cả ba đã phải vất vả để kiểm soát. Các chính trị gia, chiến dịch chính trị, diễn viên nước ngoài và thậm chí cả những người dùng bình thường từ lâu đã sử dụng các dịch vụ này để lan truyền những tuyên bố sai sự thật về các ứng cử viên và trong một số trường hợp làm giảm uy tín của cuộc bầu cử năm nay do hoàn cảnh đặc biệt của nó.
Và đây là những gì họ dự định làm nhằm giảm thiểu những tuyên bố sai lầm về chiến thắng:
Google
Google đang hướng tới việc cung cấp cho người dùng thông tin nhanh chóng đáng tin cậy về kết quả bầu cử với sự trợ giúp từ các đối tác.
Gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm này có kế hoạch quảng bá thông tin từ các đối tác như Associated Press và tổ chức phi lợi nhuận Democracy Works trong một hộp trên đầu trang kết quả tìm kiếm. Công ty cho biết họ cũng có các biện pháp để đảm bảo rằng các báo cáo tuyên bố chiến thắng sớm sẽ không xuất hiện trong kết quả tìm kiếm.
"Tôi cực kỳ tin tưởng rằng đội ngũ phụ trách sẽ xử lý được vấn đề này theo thuật toán, nhưng nếu có một thông tin nào đó lọt qua được, các chính sách của chúng tôi sẽ cho phép chúng tôi gỡ bỏ nó", David Graff, giám đốc cấp cao về chính sách và tiêu chuẩn toàn cầu của Google, nói với các phóng viên vào hôm thứ Năm.
Về mặt quảng cáo, Google cho biết họ đã có các chính sách cấm các nhà quảng cáo sử dụng những phương tiện truyền thông giả mạo, bị thao túng hoặc các tuyên bố sai sự thật có thể làm giảm sự tham gia bỏ phiếu hoặc lòng tin vào cuộc bầu cử của cử tri. Bất kỳ quảng cáo nào vi phạm chính sách đó đều bị xóa khỏi Google.
Facebook
Facebook gần đây đã đưa ra một chính sách mới nhằm xử lý các tuyên bố sai sự thật về chiến thắng của các ứng cử viên và những chiến dịch chính trị. Tuy vậy, vẫn chưa rõ là công ty này sẽ xử lý thông tin sai lệch về kết quả bầu cử từ người dùng như thế nào.
Tuần trước, CEO Facebook là Mark Zuckerberg đã thông báo rằng công ty mình đang hợp tác với Reuters và Tổ chức bầu cử quốc gia để mang lại thông tin chính xác về kết quả cuộc bầu cử. Thông tin đó sẽ được giới thiệu trong "Trung tâm thông tin về việc bỏ phiếu", một nơi trên Facebook chuyên cung cấp cho người dùng những thông tin từ các nguồn có thẩm quyền. Facebook hiện có kế hoạch chủ động thông báo cho người dùng khi có kết quả bầu cử.
Nếu bất kỳ ứng cử viên hoặc chiến dịch nào tuyên bố chiến thắng trước khi kết quả được xác định, Facebook sẽ có một "miếng nhãn" thông báo cho người dùng rằng cuộc bầu cử vẫn chưa được xác định. Miếng nhãn này cũng sẽ hướng mọi người đến kết quả chính thức.
Tuy nhiên, Facebook vẫn chưa công bố cách thức xử lý các bài đăng của người dùng phát tán thông tin sai lệch về kết quả bầu cử. Công ty cho biết họ vẫn đang hoàn thiện những chi tiết đó.
Twitter
Twitter đã cập nhật chính sách liêm chính công dân của mình vào hôm thứ Năm, đồng thời cho biết họ có kế hoạch "dán nhãn" hoặc xóa bất kỳ thông tin sai lệch nào về kết quả bầu cử hoặc bất kỳ tuyên bố tranh chấp nào có thể làm suy yếu niềm tin vào chính cuộc bầu cử.
Twitter cho biết họ sẽ đánh giá khả năng gây hại của một dòng tweet khi xác định liệu nó có bị xóa hay không. Nội dung có khuynh hướng tạo ra tác hại cụ thể sẽ bị xóa, trong khi các dòng tweet mô tả sai hoặc thể hiện tác hại chung sẽ được gắn nhãn như vậy.
Đối với các dòng tweet không bị xóa, Twitter cho biết các nhãn có thể cung cấp những liên kết để làm rõ hoặc giải thích thêm. Twitter cũng có thể cảnh báo những người dùng khác trước khi họ chia sẻ hoặc thích dòng tweet đó để cảnh báo rằng đây là nội dung "có vấn đề". Mạng xã hội này cũng có thể giảm khả năng hiển thị của dòng tweet đó hoặc ngăn không cho nó được đề xuất tràn lan.