Đối với các tín đồ ẩm thực thì bánh mì là món ăn quốc hồ quốc túy của người Việt. Một chiếc bánh mì chuẩn không cần chỉnh bên cạnh những nguyên liệu không thể thiếu như pate béo ngậy, chả cắn ngập răng, thịt quay giòn da, nước sốt đậm đà, trứng thơm điếc mũi,…tất nhiên không thể thiếu phụ kiện đi cùng năm tháng: Mảnh giấy gói bánh thần thánh.
Thông thường, giấy gói bánh mì đều là loại được tận dụng từ sách vở, báo, tạp chí, giấy photocopy hỏng,…giúp người ăn trong lúc nhâm nhi chiếc bánh có cái đọc để giết thời gian và cập nhật tin tức thú vị. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, một cách vô tình những mảnh giấy gói tưởng chừng vô hại này lại khiến thực khách rơi vào cảnh cạn lời vì trót mang nội dung quá khó đỡ.
Giấy gói bánh mì đưa tin về vụ ngộ độc bánh mì. Không rõ thực khách trong hình cảm thấy thế nào khi ăn chiếc bánh mì này?
Lý do không nên tận dụng sách sinh học làm giấy gói. Người bán có lẽ chỉ tiện tay, nhưng người ăn thì khổ tâm vô cùng.
Một combo kết hợp bánh mì và giấy gói hết hồn khác. Thậm chí lần này người ăn còn cảm thấy xốn xang hơn cả hai trường hợp phía trên. Cô chú bán bánh mì có lẽ nên kiểm tra lại thật kỹ nội dung giấy photocopy trước khi tận dụng mới được, tránh để cho khách hàng ăn trong trạng thái bất an.
Hẳn là thực phẩm dinh dưỡng dành cho chó. Nếu ở nhà bố mẹ vẫn gọi yêu con cái là ‘chó’, ‘cún’,…thì giờ đến cả mảnh giấy gói bánh mì cũng phụ họa theo một cách không thể hợp lý hơn.
Một mảnh giấy gói khác khiến khách ăn bánh mì cạn khô cả lời vì khả năng…siêu thấm của nó. Tuy nhiên, nhìn vào mặt tích cực thì có vẻ giấy bọc đã làm tốt công việc chống tràn sốt bánh mì rồi.
Thức ăn dinh dưỡng cho chó, báo cáo tiêu chảy, quảng cáo siêu thấm làm gì có tuổi để đọ độ mặn mòi của mảnh giấy này. Không rõ vị khách hàng bốc trúng giấy bọc này liệu có nuốt trôi miếng bánh khi nhìn xuống dòng chữ gây hoang mang phía trên không?
Lại một trường hợp giấy gói bánh mì cười ra nước mắt khác. Tuy nhiên, lần này thay vì chỉ chú thích ngắn gọn là thức ăn cho chó thì mảnh giấy còn kèm theo cả cách hướng dẫn sử dụng thức ăn…của lợn, siêu chu đáo.
Từ những trường hợp dở khóc dở cười phía trên, có thể thấy rằng chọn giấy gói cũng là một nghệ thuật và mỗi thực khách khi mua món quốc hồn quốc túy này thật chẳng khác nào đang chơi trò chơi may rủi. Nếu may mắn, khách chỉ gặp phải ‘thức ăn dinh dưỡng cho chó’ hoặc ‘thức ăn cho heo’, nhưng đen đủi hơn thì có khi người ta sẽ được cầm trên tay một tờ ‘báo cáo tiêu chảy’ hay ‘kết quả xét nghiệm’.
Tuy nhiên, ngày nay cùng với sự phát triển của đời sống người dân, giấy bọc bánh mì cũng dần được nâng cấp thành loại bao giấy in logo lò bánh mì, và khách hàng ít khi gặp phải những sự cố hài hước như trên. Điều duy nhất có lẽ khó thay đổi được là tình yêu nồng nàn của người dân Việt Nam với bánh mì.