Trước đó, ngày 1/4, một nhóm nhiếp ảnh gia khi lên bán đảo Sơn Trà đã phát hiện 1 cá thể chồn hoang dã trên Bán đảo Sơn Trà bị mắc bẫy kẹp và được nhóm giải thoát. Nhóm này đồng thời cũng quay và đăng tải clip động vật bị mắc bẫy lên mạng.
Sau khi clip lan truyền trên mạng xã hội, nhiều người dân và du khách cũng bình luận cho biết khi đi tham quan, chụp ảnh trên bán đảo Sơn Trà cũng thường xuyên bắt gặp hình ảnh động vật hoang dã bị thương do bị săn bắt. Nhiều du khách cũng lo ngại những bẫy thú bằng sắt có tính sát thương cao gây nguy hiểm rất lớn cho các động vật hoang dã.
Liên quan đến sự việc này, ông Ngô Trường Chinh - Trưởng Hạt kiểm lâm Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết, việc đặt bẫy thú ở rừng Sơn Trà diễn ra nhiều năm qua do người dân và du khách được tự do ra vào rừng đặc dụng này. Trong thời gian dịch Covid-19, tình trạng này được kiểm soát nhưng gần đây tái diễn và có chiều hướng phức tạp.
Theo ông Chinh, để bắt quả tang được đối tượng bẫy thú rừng rất khó, những người này thấy kiểm lâm thì vứt dụng cụ, bỏ trốn rất nhanh. Địa hình rừng núi hiểm trở nên khó truy đuổi.
Trong 3 tháng đầu năm 2023, lực lượng kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn đã thực hiện gần 100 đợt tuần tra đường bộ, phát hiện, gỡ bỏ và thu giữ 459 bẫy thú các loại, phá 2 lán trại trái phép; phát hiện và tái thả 3 cá thể hoang dã về với tự nhiên.
"Hạt Kiểm lâm chưa đến 10 nhân sự, quản lý diện tích hơn 3.790ha nên công tác quản lý rất khó khăn. Để bảo vệ động vật hoang dã, lực lượng chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra", ông Chinh nói và cho biết thêm, ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, rất cần sự vào cuộc của người dân để bảo vệ Sơn Trà.
Được biết, bán đảo Sơn Trà cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 10 km về phía đông bắc với ba mặt giáp biển, mặt còn lại giáp đô thị. Đặc biệt, rừng Sơn Trà là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất tại Việt Nam. Hiện còn nhiều loài động vật hang dã sống tại đây như voọc chà vá chân nâu, nai, chồn, hoẵng, khỉ, trăn...
Trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người ra vào bán đảo Sơn Trà. Năm 2015, từng xảy ra vụ việc 5 người ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An) vào rừng Sơn Trà đặt bẫy bắt voọc chà vá chân nâu (động vật quý hiếm được xếp hạng Nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và IUCN thế giới) và bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Năm 2017, họ bị tòa án tuyên phạt tổng cộng 12 năm tù.