Mới chỉ bước qua năm 2020 được gần hai tháng, thế giới đã phải đón nhận hàng loạt sự kiện chấn động. Căng thẳng chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai và nguy cơ khủng hoảng kinh tế - những tin tức xấu dường như hiện diện trên newsfeed của bạn mỗi ngày.
Với sự phổ biến của mạng xã hội, giờ đây tin tức được cập nhật liên tục theo từng phút. Thế nhưng chính sự tiện lợi này lại khiến những người đưa tin trở nên thiếu cẩn trọng. Họ ganh đua về tốc độ thay vì đảm bảo sự chính xác cho mẩu tin mà họ đưa lên. Sự phổ biến của mạng xã hội cũng cho phép bất cứ ai cũng có thể trở thành một người đưa tin - dù cho họ có thẩm quyền hay không. Điều này dẫn đến hàng loạt làn sóng thông tin bủa vây, thật giả lẫn lộn, làm ai cũng thấy hoang mang không biết nên tin vào điều gì. Những cảm xúc nhất thời, như sự sợ hãi trước thảm họa, hay cảm giác mất an toàn, càng làm cho người ta dễ kích động và tin vào những tin tức giật gân, kịch tính.
Làm thế nào để chắt lọc được những thông tin đáng tin cậy, và tránh khỏi những lời đồn giả dối? Giờ là lúc để bạn học tập kỹ năng cơ bản của các nhà khoa học: kỹ năng phân tích và xử lý thông tin. Dưới đây là 6 bước để bạn có cái nhìn sắc sảo hơn trước khi tiếp nhận một sự việc mới.
1. Luôn giữ tinh thần hoài nghi trước tiên
Những nhà khoa học tìm ra các phát minh đột phá bắt đầu từ việc hoài nghi những giá trị sẵn có. Bằng cách luôn đặt câu hỏi chất vấn đề độ tin cậy của sự việc, nhà khoa học cho phép bản thân vượt ra khỏi lối suy nghĩ thông thường và tiếp cận các giải pháp mới.
Bạn cũng có thể áp dụng tư duy này mỗi ngày để trở nên sắc sảo hơn. Mỗi khi bạn đọc được một mẩu tin tức nào đó, hãy tự nhắc bản thân: “Điều này có thể là thật, nhưng cũng có thể là giả”. Lối suy nghĩ này cho phép bạn đánh giá thông tin một cách khách quan hơn, bằng cách chấp nhận rằng không phải mọi điều bạn nghe thấy đều đáng tin tưởng. Từ đó, bạn sẽ thận trọng hơn khi đưa ra bình luận hay quyết định hành động dựa trên thông tin bạn nhận được.
2. Hãy luôn kiểm tra nguồn tin
Khi công bố bất cứ nghiên cứu nào, các nhà khoa học đều phải công khai minh bạch về những người thực hiện nghiên cứu và mối liên hệ giữa họ với kết quả nghiên cứu. Liệu kết quả nghiên cứu họ công bố có đem đến cho họ lợi ích kinh tế nào không? Liệu họ có bị chi phối bởi một tổ chức nào hay không?
Bạn có thể áp dụng những câu hỏi tương tự để đánh giá nguồn tin tức mà bạn nhận được. Kiểm tra xem liệu họ có nhận được, hoặc bị chi phối bởi ích lợi nào khi công bố tin tức này hay không. Điều gì khiến cho họ có đủ chuyên môn hay uy tín để đưa ra nhận định về vấn đề đang được nói đến?
3. Đừng để cảm xúc cá nhân chen vào quá trình xử lý thông tin
Cảm xúc đóng vai trò rất lớn quyết định đến việc bạn tin tưởng vào điều gì. Nếu bạn nghe được tin tức từ một người bạn yêu thích, bạn sẽ dễ dàng nghe theo họ. Ngược lại, nếu bạn nghe tin tức từ một nguồn bạn không ưa, bạn sẽ có xu hướng không đồng tình.
Trong khoa học, để đảm bảo tính khách quan khi đánh giá một công trình nghiên cứu, những người đánh giá sẽ không được biết tên của nhà khoa học. Trong cuộc sống, bạn cũng có thể áp dụng cách làm này một cách đơn giản. Ví dụ, nếu bạn đọc tin về một người mà bạn ủng hộ và cảm thấy đây là một tin tức tốt, hãy thử giả định nếu tin tức này đến từ một người khác mà bạn không ưa. Liệu bạn có còn thấy tin tức đó đáng tin nữa không?
4. Nói có sách, mách có chứng
Khi bạn tiếp nhận một tin tức, hãy nhìn vào nguồn cung cấp thông tin. Bạn có thể tìm thấy những nguồn được trích dẫn trong tin tức đó không? Những nguồn đó có đến từ nơi đáng tin cậy hay không? Và liệu những nhận xét, đánh giá hay bình luận mà thông tin đó đưa ra có dựa vào bất cứ dữ liệu thực tế nào không? Một cú click tìm kiếm trên Google có thể đưa cho bạn câu trả lời ngay lập tức. Vì thế, trước khi bạn quyết định chia sẻ một thông tin nào, hãy luôn kiểm tra thật cẩn thận nhé!
5. Hãy lắng nghe ý kiến từ nhiều phía
Ngoài việc ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận sự việc, cảm xúc còn ảnh hưởng đến cả cách chúng ta tìm kiếm thông tin. Điều này có nghĩa là ta có xu hướng chọn lọc những mẩu tin mà ta thấy phù hợp với những điều ta đang tin tưởng, và tránh đọc những ý kiến trái ngược với quan điểm của mình.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học loại bỏ điều này bằng cách không ngừng trao đổi với những đồng nghiệp có quan điểm khác với họ. Điều này giúp họ có cái nhìn đa chiều về vấn đề và tránh việc tư duy theo một lối mòn.
Bạn không cần phải tranh luận và phản biện đối với mỗi tin tức bạn nhận được. Đơn giản là hãy tương tác với những người bạn có quan điểm khác biệt. Bạn có thể không đồng tình với ý kiến của họ, nhưng việc cập nhật thêm những tin tức họ đưa ra sẽ giúp bạn có cái nhìn cân bằng và khách quan hơn.
6. Luôn cẩn trọng khi kết luận về mối quan hệ giữa các sự kiện
Trong những thập kỷ gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhận ra rằng tỉ lệ trẻ tự kỷ hoặc mắc các rối loạn nhận thức đang gia tăng nhanh chóng. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng tỉ lệ này có liên hệ với một số hiện tượng như việc sử dụng vắc xin, chơi điện tử hoặc tiêu thụ đồ ăn nhanh. Điều này nhanh chóng dẫn tới hàng loạt phong trào bài trừ vắc xin, hạn chế trẻ em chơi điện tử hoặc giảm tiêu thụ đồ ăn nhanh.
Thế nhưng, đến nay chưa có bất cứ một nghiên cứu nào chứng tỏ rằng những yếu tố trên là nguyên nhân gây ra sự gia tăng tỉ lệ bệnh tự kỷ! Trong khoa học, việc hai hay nhiều sự kiện có mối liên hệ với nhau không thể chứng minh điều này là nguyên nhân dẫn tới điều kia.
Trong cuộc sống, khi bạn đánh giá một vấn đề, hãy luôn ghi nhớ quy tắc này. Khi nhiều sự việc đồng loạt xảy ra trong mối liên hệ với nhau, đừng vội vàng kết luận về mối quan hệ nhân quả giữa chúng. Theo ngôn ngữ của các nhà khoa học: luôn có thể có một cách giải thích khác cho mỗi hiện tượng. Suy nghĩ thận trọng trước khi đưa ra kết luận sẽ không bao giờ là thừa cả bạn nhé!