Vì sao ông Erdogan phản ứng tiêu cực với Thỏa thuận ngừng bắn ở Libya?
Thỏa thuận ngừng bắn ở Libya được thông qua tại Geneva hôm 23/10 trùng với thời điểm chiến sự ở Nagorno-Karabakh đang diễn biến dữ dội với sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ cho một bên tham chiến, đồng thời thu hút đáng kể sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Tuy nhiên thỏa thuận đã được một loạt các quốc gia và tổ chức bao gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Arab Saudi, UAE, Đức, Liên minh Châu Âu (EU) và Liên đoàn Arab (LAS) hoan nghênh, đồng thời chúc mừng Liên Hiệp Quốc về thành tích đã tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này.
Là lãnh đạo thế giới đầu tiên bình luận về thỏa thuận, nhưng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tỏ ra khá tiêu cực khi hoài nghi về "khả năng thành công của thỏa thuận Geneva liên quan tới việc loại trừ lính đánh thuê, các cố vấn quân sự nước ngoài".
Ông Erdogan thậm chí còn nhấn mạnh rằng: "Phái đoàn của GNA (Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya) đại diện cho (Thủ tướng Fayez Mustafa) al-Sarraj, người đã từ chức!"
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bình luận về thỏa thuận Geneva (Nguồn: Twitter/Al Marsad).
Có thể giải thích thái độ tiêu cực của ông Erdogan bằng điều khoản thứ 2 của thỏa thuận Geneva quy định việc "đóng băng tất cả" các thỏa thuận về huấn luyện và hợp tác quân sự trong lãnh thổ Libya trước đó, cùng với đó là sự ra đi của các cố vấn quân sự nước ngoài.
Điều đáng chú ý là điều khoản này của thỏa thuận sẽ có hiệu lực ngay lập tức.
Đây là một trong những kết quả quan trọng nhất quá trình đàm phán và cũng là điều khiến Thổ Nhĩ Kỳ muốn bác bỏ thỏa thuận.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) hiện đang hiện diện quân sự tại các căn cứ và cảng ở miền tây Libya căn cứ vào các thỏa thuận quân sự mà họ đã ký với GNA vào tháng 11/2019.
Đối với nghi vấn về ông al-Sarraj, mặc dù sau hơn một tháng biểu tình nổ ra ở Tripoli, Thủ tướng GNA Fayez Mustafa al-Sarraj đã ra quyết định từ chức vào ngày 16/9, nhưng ông cũng đã tuyên bố rằng mình sẽ giữ cương vị này cho tới hết tháng 10/2020.
Tuyên bố này cho thấy ông al-Sarraj đã quyết tâm ở lại cương vị Thủ tướng GNA cho tới khi thỏa thuận thành công.
Điều khoản thứ hai (màu vàng) trong thỏa thuận Geneva về ngừng bắn ở Libya yêu cầu vô hiệu hóa các thỏa thuận huấn luyện quân sự và sự ra đi của các cố vấn nước ngoài.
Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị những người lính Libya giáng "đòn chí mạng"?
Nhằm trấn an Ankara, Bộ trưởng Quốc phòng GNA Salah El-Din al-Namroush cho rằng thỏa thuận này chỉ là "sơ bộ".
Người đứng đầu lực lượng quân sự thân Thổ ở miền tây Libya cho rằng sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài ở Libya sẽ là hợp pháp "nếu nó được các cơ quan hợp pháp yêu cầu".
Lập luận này ám chỉ rằng sự hiện diện của TAF ở miền tây Libya là hợp pháp và họ sẽ không bị trục xuất theo thỏa thuận.
Tuy nhiên, Cựu đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc Ghassan Salamé bình luận:
"Thời điểm của sự thật đã đến và những người phản đối thỏa thuận từ bên ngoài đất nước phải chấp nhận những gì mà chính người Libya đã chấp nhận. Người Libya phải dựa vào chính mình".
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã triển khai tại Tripoli, Misrata, căn cứ không quân Al-Watiya và có thể là cả Tarhuna và Bani Walid ở miền tây Libya.
Thiếu tướng Marajie al-Ammami, đại diện của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA) xác nhận rằng ông đã ký theo chỉ thị của Thống chế Khalifa Haftar, lãnh đạo LNA.
Còn Trưởng phái đoàn của GNA, Thiếu tướng Ahmed Abu Shahma cho biết rằng đoàn đàm phán của ông và của đối thủ Bộ Tổng tư lệnh LNA "đã hành động can đảm và yêu cầu các chính trị gia (của hai phía đối lập nhau) tuân theo".
Về phần mình, Quyền Đặc phái viên LHQ Stephanie Williams cảm ơn Thủ tướng GNA Fayez Mustafa Sarraj, Thống chế Haftar và Thủ tướng Chính phủ Tobruk Aguila Saleh đồng thời xác nhận rằng bên bảo đảm cho việc thực hiện thỏa thuận là Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA).
Hành động này cho thấy bà Williams đang hướng tới việc kêu gọi HĐBA sẽ ra một nghị quyết ủng hộ thỏa thuận Geneva, hành động mà các bên phản đối sẽ khó có thể đối địch.
Những người đứng đầu lực lượng vũ trang của hai phía tham chiến ở Libya đã đặt giới chính trị gia đối địch và Thổ Nhĩ Kỳ vào "sự đã rồi". (Ảnh minh họa: AP)