Giữ giá giữa bão lạm phát, máy chơi game thành 'sản phẩm tài chính' ở Nhật Bản

Bảo Nam | 05-08-2022 - 08:41 AM

(Tổ Quốc) - Sự suy yếu của đồng Yên đã dẫn đến sự tăng giá chung của các sản phẩm điện tử từ iPhone đến tủ lạnh tại Nhật Bản, nhưng có một ngành hàng là ngoại lệ: máy chơi trò chơi điện tử.

Đồng Yên đang giảm giá đồng nghĩa với việc một số công ty ở Nhật Bản đã tăng giá thành sản phẩm của họ. Mọi thứ từ iPhone cho tới tủ lạnh, TV... đều rục rịch thay đổi giá niêm yết. Nhưng ba gã khổng lồ trong lĩnh vực bán máy chơi game là Sony, Microsoft và Nintendo thì vẫn đang nói không.

Các công ty này trước nay luôn tuân thủ tỷ giá hối đoái 100 yên/1 USD, và bối cảnh mới hiện nay đã dẫn đến việc máy chơi game ở Nhật Bản đang rẻ hơn phần còn lại của thế giới khoảng 100 USD. Và ngay cả sau khi phát hành sản phẩm mới, cũng không có công ty nào sẵn sàng đi đầu trong việc phá vỡ quy tắc bất thành văn này. Họ không dám tăng giá, vì sợ rằng những hành động hấp tấp sẽ làm mất đi sự ủng hộ của người dùng tại Nhật và các nhà phát triển game ở nước này. Cả ba công ty nói trên đều tin rằng sự mất mát tại thị trường Nhật Bản hiện tại hoàn toàn có thể được bù đắp bằng việc bán phần mềm trên thị trường quốc tế.

Giữ giá giữa bão lạm phát, máy chơi game thành 'sản phẩm tài chính' ở Nhật Bản - Ảnh 1.

PlayStation 5.

Tuy nhiên, tình trạng này có thể sẽ dần thay đổi.

Theo các nhà phân tích, mô hình kinh doanh hiện tại của ba công ty sản xuất máy chơi game nói trên là không bền vững và tình hình đã vượt quá hạn để chịu đựng. Một phần của vấn đề là sự chênh lệch giá đang ngày càng trở nên lớn hơn, khiến những người trung gian đang mua máy chơi game từ Nhật Bản và bán chúng ra nước ngoài. Điều này sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn bởi các công ty vốn đã phải đối mặt với những thách thức về chuỗi cung ứng và hậu cần. Tại thị trường Nhật Bản, PlayStation 5 của Sony hiện được mệnh danh là một "sản phẩm tài chính", và nhiều người đang mua nó với mục đích bán lại với giá cao hơn chứ không thực sự dùng để chơi game.

“Người tiêu dùng Nhật Bản đã quen với việc giá cả hàng hóa tăng cao", nhà phân tích Kazunori Ito của công ty dịch vụ tài chính Morningstar cho biết. "Tôi không nghĩ họ sẽ tức giận nếu máy chơi game tăng giá theo."

Cũng ở hiện tại, tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất máy chơi game đang phải chịu áp lực lớn và doanh số bán phần mềm đã chậm lại do tình trạng thiếu phần cứng trong các cửa hàng truyền thống. Sony đã hạ dự báo lợi nhuận cả năm do doanh số bán trò chơi thấp hơn, trong khi Nintendo dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận giảm trong báo cáo hàng quý mới nhất.

Trong khi đó, các nhà sản xuất thiết bị điện tử khác, bao gồm Apple và Xiaomi, cũng đã tăng giá sản phẩm tại Nhật Bản để chống lại sự mất cân bằng tiền tệ. iPhone đã tăng giá tới 25%.

Biên lợi nhuận của tất cả các máy chơi game bán ra ở Nhật Bản đang giảm do đồng Yên suy yếu trong chi phí sản xuất được tính bằng USD. Để giá cuối cùng có thể phản ánh tình trạng hiện tại của thị trường, trước tiên các nhà sản xuất có thể cần phải thay đổi thị trường mua bán máy game cũ. Bởi việc đồng Yên giảm giá tới 21% trong năm qua đã thức đẩy các hoạt động tích trữ và đầu cơ.

Sự phổ biến rộng rãi của các ứng dụng "chợ trời" khác nhau đã góp phần vào việc này. Những người đầu cơ sẽ mua máy chơi game với giá rẻ tại thị trường Nhật Bản, nhưng họ thậm chí không thiết tha bán ngay mà sẽ kiên nhẫn chờ thời điểm tốt nhất, chẳng hạn như khi một game bom tấn ra mắt, rồi bán ra với giá cao hơn. Hành động này sẽ làm chậm chu kỳ luân chuyển giữa doanh số bán phần cứng và phần mềm của các công ty như Sony.

Katsuhiko Hayashi, phát ngôn viên của Tập đoàn Famitsu, một nhà xuất bản tạp chí trò chơi điện tử nổi tiếng, cho biết ngành công nghiệp này đang mất dần đi các khách hàng tiềm năng.

Các ảnh hưởng do tác động của đại dịch Covid-19 đối với chuỗi cung ứng điện tử và ngành hậu cần toàn cầu đã khiến thế hệ máy chơi game mới nhất như PS5 của Sony và Xbox Series của Microsoft gặp khó khăn trong việc đáp ứng chuỗi cung ứng từ cuối năm 2020. Giám đốc tài chính Sony Hiroki Totoki cho biết tình trạng thiếu linh kiện cũng đang kìm hãm năng lực sản xuất của Sony và những thách thức về hậu cần vẫn còn rất gay gắt. Ông từ chối cho biết liệu công ty có kế hoạch tăng giá ở Nhật Bản hay không.

Nintendo cho biết họ chưa sẵn sàng tăng giá Switch. Microsoft thì từ chối bình luận.

Giữ giá giữa bão lạm phát, máy chơi game thành 'sản phẩm tài chính' ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Nintendo Switch

“Kinh doanh chênh lệch giá là một chức năng lành mạnh của thị trường, cho thấy giá bán lẻ quá thấp so với nhu cầu cơ bản. Thị trường máy chơi game thứ cấp của Nhật Bản đã phát triển mạnh kể từ khi ra mắt PS5, nhu cầu lớn đến mức các mẫu máy console ban đầu được bán thông qua một hệ thống xổ số", nhà phân tích Hideki Yasuda của Toyo Securities cho biết. "Không tăng giá tại thị trường nội địa, Sony và Nintendo đang tạo ra không gian cho các nhà đầu cơ trong khi các cổ đông của họ đang mất dần lợi nhuận mà đáng ra họ nên có”.

Mẫu Nintendo Switch OLED có giá 350 USD ở Mỹ, nhưng có giá 37.980 Yên (chỉ khoảng 290 USD) ở Nhật Bản. Các đại lý phần cứng ở Tokyo hiện đang đề nghị mua chúng với giá hơn 40.000 yên một chiếc, sau đó bán lại để thu lợi nhuận chênh lệch. PS5 của Sony có giá khoảng 55.000 yên tại các cửa hàng chính hãng, nhưng có thể được bán lại ngay lập tức với giá 80.000 yên trở lên tại nhà bán lẻ Noah Trading ở Ikebukuro, Tokyo. Công ty này thậm chí tự hào tuyên bố trên trang web của mình rằng họ đã tạo ra doanh thu 10 tỷ yên vào năm 2020, từ việc bán hàng điện tử trong nước và cho các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Singapore và Mỹ.

Cho đến thời điểm hiện tại, Nintendo và Sony đã có thể bù đắp khoản lỗ phần cứng do đồng yên suy yếu bằng lợi nhuận tăng tương ứng từ việc bán phần mềm ở nước ngoài. Với hầu hết các chi phí phát triển game bằng tiền Nhật, Nintendo phần lớn không bị áp lực về giá. Các nhà sản xuất máy chơi game truyền thống như họ thường giảm giá máy chơi game khi chúng đã ra mắt quá lâu - chứ không phải ngược lại - vì sợ rằng việc tăng giá sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu hoặc bị đối thủ cướp thị phần.

“Kịch bản tốt nhất là nên đứng thứ hai, đợi người khác kiểm tra vùng biển mới trước", Atsushi Osanai, giáo sư tại Trường Kinh doanh Waseda ở Tokyo, nhận định. Ông cho biết điều tồi tệ nhất là trở thành người đi đầu nhưng lại không có ai theo sau. "Các công ty có xu hướng lựa chọn làm người thứ hai, và đứng đợi."

Tham khảo Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM