Các nhà đầu tư đang kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ và các NTHW trên toàn thế giới hành động mạnh mẽ hơn nữa để giải cứu kinh tế thế giới khỏi cuộc suy thoái vì dịch bệnh do virus corona gây ra. Thứ ba vừa qua, Fed đã khẩn cấp hạ lãi suất chuẩn 50 điểm cơ bản, nhưng các chỉ số cho thấy nhà đầu tư còn kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục làm như vậy sau cuộc họp vào ngày 17-18/3 tới. Công cụ CME FedWatch cho rằng khoảng 80% khả năng lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ giảm thêm 0,5%.
Hiện Fed đang đặt mức mục tiêu lãi suất nằm trong khoảng 1% - 1,25%.
Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế và chiến lược gia cho rằng các công cụ chính sách tiền tệ - chẳng hạn như lãi suất – có thể sẽ không giúp ích gì nhiều cho kinh tế toàn cầu trong việc đối phó với những cú sốc do dịch bệnh Covid-19 gây ra.
"Thị trường đã khắc sâu quan điểm rằng bất cứ khi nào kinh tế toàn cầu suy thoái nặng thì các NHTW sẽ nhanh chóng bước đến và giải cứu bằng những đợt giảm mạnh lãi suất", các chuyên gia của ngân hàng Nhật Bản Nomura viết trong báo cáo ngày 5/3. "Thị trường vẫn chờ đợi những chính sách tương tự mặc dù đợt suy thoái lần này khác hoàn toàn so với các lần trước".
Theo các nhà phân tích, lần suy thoái này không phải do những sự kiện tài chính như giá tài sản không cân xứng với các yếu tố vĩ mô căn bản gây nên. Thay vào đó, nó được kích hoạt bởi sự lây lan của 1 loại virus mới, vì thế "phản ứng tốt nhất, được ưu tiên hàng đầu" sẽ là "các chính sách đảm bảo an toàn y tế".
Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế trưởng của MUFG Union bank, cho rằng lãi suất hiện đã ở mức thấp nên chính sách cắt giảm thêm sẽ là không hiệu quả trong việc khuyến khích các công ty tăng chi tiêu và đầu tư. "Không phải họ thiếu thanh khoản mà là họ không muốn đi vay và đầu tư cho tương lai. Giống như họ đang đi xuống dốc", ông phát biểu trên chương trình Squawk Box Asia của CNBC.
"Vì thế tôi nghĩ rằng Fed nên chờ đợi thêm và xem xét đó có thực sự là 1 cuộc suy thoái khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng lên hay không. Thậm chí theo tôi Fed không nên hạ lãi suất tiếp, đó sẽ là 1 sai lầm lớn", ông bổ sung thêm.
Trong khi đó một số chuyên gia cho rằng các biện pháp tài khóa như tăng chi tiêu chính phủ nên đóng vai trò lớn hơn để đối phó với những tác động kinh tế do dịch bệnh gây ra.
Simon Baptist, chuyên gia kinh tế trưởng tại The Economist Intelligence Unit, nêu Hồng Kông và Singapore là những ví dụ về các nền kinh tế đã thông báo những biện pháp nhắm cụ thể vào các ngành và doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp. "Những biện pháp như trợ cấp cho công nhân hoặc hỗ trợ tiền lương cho các lĩnh vực như du lịch, khách sạn... sẽ tạo ra sự khác biệt", ông nói.
Nhưng ông cũng bổ sung thêm rằng không phải nền kinh tế nào cũng có đủ tiềm lực để làm điều tương tự, đặc biệt là những nền kinh tế châu Âu nơi dư địa để thực thi chính sách tài khóa hẹp hơn rất nhiều so với các nước châu Á.
Tuy vậy, các quan chức Fed và những đồng nghiệp của họ ở các NHTW lớn như ECB và BoJ dường như vẫn mở rộng cánh cửa hạ lãi suất sâu hơn nữa. Trong buổi họp báo vừa qua, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng mặc dù hạ lãi suất không thể giúp giảm số ca lây nhiễm nhưng động thái mới nhất của Fed sẽ "hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế".
Ngày hôm sau, chủ tịch Fed New York John Williams cũng đưa ra nhận định các NHTW đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với những hệ lụy kinh tế của dịch bệnh, và rằng Fed rất linh hoạt và sẵn sàng hạ lãi suất thêm nhiều lần nữa.