Giáo viên phải nghỉ việc, nhiều hiệu trưởng bị đòi nợ "khủng bố" dù không vay tiền

Ngọc Tú | 02-06-2022 - 09:41 AM

(Tổ Quốc) - Mặc dù không vay tiền nhưng nhiều lãnh đạo Phòng GD-ĐT, hiệu trưởng và một số giáo viên ở Nghệ An, Hà Tĩnh vẫn bị nhóm đối tượng gọi điện, nhắn tin đe dọa, "khủng bố".

Lãnh đạo phòng Giáo dục cũng bị "khủng bố"

Bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, đơn vị này đang yêu cầu các trường học trên địa bàn rà soát, lập danh sách các giáo viên bị đòi nợ theo kiểu "khủng bố" trong thời gian qua để phối hợp cùng Công an thành phố Vinh làm rõ sự việc.

Theo đó, thời gian qua rất nhiều giáo viên, hiệu trưởng, lãnh đạo các đơn vị bị một số nhóm đối tượng gọi điện, nhắn tin "khủng bố" để đòi nợ tiền.

Giáo viên phải nghỉ việc, nhiều hiệu trưởng bị đòi nợ khủng bố dù không vay tiền - Ảnh 1.

Các đối tượng cắt ghép ảnh người thân rồi đăng nội dung bôi nhọ uy tín lên các trang mạng xã hội nhằm uy hiếp trả tiền.

Nguyên nhân là một số giáo viên, nhân viên trong các đơn vị này có vay tiền của các tổ chức tín dụng. Không chỉ trực tiếp đòi các giáo viên mà nhóm đòi nợ này còn "khủng bố" các lãnh đạo để ép phải trả nợ cho họ.

Điều đáng nói hơn, nhiều người trong số đó không vay tiền hoặc đã trả nợ xong nhưng vẫn bị nhóm đối tượng này quấy rầy, "đòi nợ khống" khiến cuộc sống của một số giáo viên bị đảo lộn.

Bà Hoàng Thị Phương Thảo cho biết thêm, ngay chính bản thân bà cũng bị nhóm đối tượng đòi nợ này quấy rầy, khủng bố để ép các nhân viên phải trả nợ.

"Chúng gọi điện thoại liên tục, có khi xưng là người của công ty tài chính, có khi yêu cầu tôi phải chỉ đạo cô này, cô kia trả tiền nợ. Chúng còn bảo, nếu không làm được thì nghỉ việc đi", Trưởng phòng GD TP. Vinh chia sẻ.

Áp lực vì bị đòi nợ, nhiều giáo viên đã phải xin nghỉ việc. Thậm chí, có giáo viên còn nghĩ đến việc tự tử, may mắn sự việc được phát hiện kịp thời nên chưa xảy ra sự cố đáng tiếc nào.

Chị L.T.H. (giáo viên một trường mầm non trên địa bàn TP. Vinh) cho biết, năm 2014, chị vay tín chấp của một công ty tài chính thuộc một ngân hàng 15 triệu đồng để sửa nhà. Sau 12 tháng vay, chị H. đã trả xong toàn bộ khoản nợ này. Gọi điện đến tổng đài, chị H. cũng được xác nhận đã tất toán khoản nợ.

Tuy nhiên, đến năm 2017, chị H. bỗng dưng nhận được điện thoại thông báo chị vẫn còn nợ 6 triệu đồng.

Thấy quá vô lý, chị H. đề nghị những người này đến gặp chị để làm việc trực tiếp nhưng những người này không chịu đến. Kể từ đó, chị H. và người thân liên tục bị gọi điện đe dọa, "khủng bố" ép phải trả nợ khoản tiền khống này.

"Chúng gọi điện rất nhiều mỗi ngày nói tôi còn nợ 6 triệu đồng, rồi lên 10 triệu đồng. Chúng quấy phá tôi suốt 5 năm qua. Gần đây nhất, chúng thông báo khoản nợ của tôi đã lên 100 triệu đồng", chị H. nói.

Khi đòi nợ chị H. không được, nhóm này gọi điện, nhắn tin "khủng bố" người thân. Thậm chí, nhiều đồng nghiệp là giáo viên ở trường chị H. cũng bị quấy rầy để ép chị H. trả nợ.

Giáo viên phải nghỉ việc, nhiều hiệu trưởng bị đòi nợ khủng bố dù không vay tiền - Ảnh 2.

Các đối tượng còn cắt ghép ảnh bàn thờ chia sẻ lên các trang mạng xã hội gây phẫn nộ.

Xấu hổ vì đồng nghiệp, lãnh đạo trường bị ảnh hưởng, chị H. quyết định chuyển trường công tác. Tuy nhiên, ở trường mới chị H. vẫn bị nhóm đòi nợ này đeo bám quấy rầy.

Quá áp lực, hơn 1 tháng trước, chị H. đã quyết định xin nghỉ việc, đổi số điện thoại để tránh bị nhóm đòi nợ "khủng bố".

Một cán bộ Phòng GD-ĐT thành phố Vinh cho biết, qua rà soát,  thời gian qua đã có khoảng 20 giáo viên bị "khủng bố" đòi nợ.

Hiệu trưởng bị "khủng bố" do giáo viên từng vay nợ tiền

Cô Trần Thị Trâm Anh - Hiệu trường Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh) cho biết, bản thân cô không vay tiền, nhưng thời gian gần đây, cô và người thân liên tục bị kẻ xấu "khủng bố" tinh thần, dọa "xử" nếu không yêu cầu cấp dưới của mình trả tiền nợ.

"Chúng gọi điện, nhắn tin liên tục để ép một giáo viên trong trường trả nợ. Không chỉ bản thân tôi, cả gia đình, con đang học ở Hà Nội chúng cũng gọi điện thoại đến yêu cầu một giáo viên trả nợ", cô Trâm Anh nói và cho biết, khi cô làm việc với giáo viên bị đòi nợ thì cô này khẳng định không hề vay tiền của bất kỳ tổ chức nào.

Không chỉ giáo viên, nhiều người dân ở Nghệ An cũng bị đòi nợ theo hình thức tương tự. Thậm chí, các đối tượng này còn dọa mang cả vòng hoa, quan tài đến cơ quan đón về hoặc ghép ảnh ngồi trên bàn thờ chia sẻ trên các trang mạng xã hội để bôi nhọ uy tín.

Trước tình trạng trên, mới đây, Sở GD-ĐT Nghệ An đã có công văn yêu cầu các phòng giáo dục, đơn vị trực thuộc sở báo cáo danh sách cán bộ, giáo viên bị "khủng bố" đòi nợ về sở, để sở chuyển cho cơ quan công an điều tra, xử lý.

Sở GD-ĐT Nghệ An cũng yêu cầu các cán bộ, giáo viên, nhân viên không vay mượn tiền của các nhóm cho vay qua các trang mạng xã hội, các số điện thoại, tờ rơi, các app vay tiền không rõ nguồn gốc hay qua các đối tượng trung gian.

Trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên đã vay mượn tiền của các tổ chức, cá nhân (qua mạng hay các tổ chức tín dụng khác) đã trả nợ hoặc chưa trả đủ, bị đe dọa, khủng bố, cần báo cáo với lãnh đạo đơn vị để tìm giải pháp xử lý.

Giáo viên phải nghỉ việc, nhiều hiệu trưởng bị đòi nợ khủng bố dù không vay tiền - Ảnh 3.

Việc bị bội nhọ trên mạng xã hội khiến người dân, dư luận hết sức bất bình.

Tại Hà Tĩnh, nhiều giáo viên, hiệu trưởng cũng rơi vào cảnh tương tự bị nhóm đối tượng liên tục gọi điện, nhắn tin đòi nợ quấy rầy dù không vay nợ tiền.

Thầy Đặng Thái Mân - Hiệu trưởng trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết, hiện thầy Mân đã làm tờ trình gửi Sở TTTT, Công an huyện Hương Khê đề nghị giải quyết vấn đề thầy cùng nhiều giáo viên trong trường này bị xúc phạm trên mạng xã hội.

Nguyên nhân của vấn đề này là do 1 giáo viên trong trường có nợ tiền của một công ty tài chính nhưng chưa trả hết và nợ đã quá hạn. Sau khi gọi điện đòi nợ giáo viên này không được, nhóm đối tượng đã khủng bố thầy hiệu trường và các đồng nghiệp để ép trả tiền.

Không những thế, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh các thầy giáo trong trường THCS&THPT dân tộc nội trú Hà Tĩnh rồi viết nội dung vu khống chia sẻ trên các trang mạng xã hội nhằm bôi nhọ danh dự, uy tín của những người này.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Tết an vui với ưu đãi miễn phí bảo dưỡng từ Panasonic

Dịp cuối năm là thời điểm mỗi gia đình đều chú trọng tân trang cho ngôi nhà của mình cũng như quan tâm đến sức khỏe cho các thành viên. Hiểu được mong muốn đó, Panasonic triển khai chương trình chăm sóc khách hàng thường niên 2024 với nhiều ưu đãi hấp dẫn, giúp bạn và cả nhà chuẩn bị một mùa Tết khỏe mạnh và an lành.