Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với 'nhiệm kỳ đặc biệt' từ 10 năm trước

Q.L | 20-04-2021 - 13:22 PM

(Tổ Quốc) - GS Edmund Malesky – Trưởng nhóm nghiên cứu bộ Chỉ số PCI cấp tỉnh ở Việt Nam, chia sẻ sự ngạc nhiên của ông về thay đổi của các tỉnh thành Việt Nam từ những ngày đầu mới thành lập bộ chỉ số PCI 16 năm trước, cho đến thời điểm hiện tại.

Đến Việt Nam lần đầu năm 1997 khi chỉ là cậu sinh viên chưa tốt nghiệp và nhận học bổng từ tạp chí Time do Henry Luce sáng lập, ông Edmund Malesky nhận công việc đầu tiên là hỗ trợ các dự án nghiên cứu kinh tế tại Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội (NEU).

Năm đầu tại đây, ông Edmund giảng về marketing trong doanh nghiệp nhà nước – bộ môn mà chưa từng được dạy trước đó. Lĩnh vực mà ông dạy là thống kê, sau đó Edmund đã đi khắp Việt Nam để dạy các lớp học nhỏ về khảo sát dữ liệu, thống kê…

Rời Hà Nội, Edmund về North Carolina (Hoa Kỳ) để học tiến sỹ tại Đại học Duke. Sau đó, ông trở lại Việt Nam để viết luận án. Trong thời gian nghiên cứu luận án, ông bắt đầu nghiên cứu về điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam và cùng tham gia khởi xướng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng như Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 1.

Kết quả PCI 2020 vừa qua đã đúng với những kỳ vọng ngay từ ngày đầu ông chủ xướng xây dựng bộ chỉ số này?

Trên phương diện số liệu đã được đo lường, Việt Nam đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong 5 năm qua. Đặc biệt là những vấn đề mà từ khi tôi và ông Đậu Anh Tuấn (VCCI) bắt đầu với PCI cách đây nhiều năm. Vào thời điểm đó, chúng tôi rất quan tâm đến những yếu tố như: quy định, thời gian để doanh nghiệp bắt đầu đi vào hoạt động, hay các chi phí không chính thức.

Vẫn còn rất nhiều điều phải cải thiện trong các lĩnh vực trên, nhưng về cơ bản, đã có nhiều cải thiện vượt bậc. Cái tôi thấy thú vị là những thách thức Việt Nam đang đối mặt ở hình thức rất mới. Chúng ta không còn phải đối mặt với những vấn đề mà trước kia tôi từng nghĩ phải mất lâu hơn thế mới có thể giải quyết.

Cụ thể đó là những tiến bộ nào?

Với tôi, đó là việc tư nhân khởi nghiệp dễ dàng hơn rất nhiều trên phương diện hành chính. Ở một số tỉnh thành, bạn có thể làm các thủ tục giấy tờ đăng ký rất nhanh, thậm chí nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ trong một ngày.

Việc thị trường bất động sản đang hoạt động tương đối tốt, nhất là các hoạt động trao đổi, thế chấp và thủ tục về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày càng sôi động cũng là một bước tiến lớn so với vài năm trước đây.

Mặc dù vẫn còn nhiều tỉnh còn chưa theo kịp về cải cách, nhưng một số tỉnh lại đang làm rất tốt, như Quảng Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng.

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 2.

Quảng Ninh đứng vị trí dẫn đầu trong Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI). Đây có phải là một nguyên nhân giúp tỉnh này đứng đầu trong bộ chỉ số PCI năm nay?

Về căn bản thì PAPI và PCI rất khác nhau. PAPI là thước đo về trải nghiệm của người dân trong hoạt động quản trị ở cấp cơ sở. PCI lại là trải nghiệm của doanh nghiệp trong các hoạt động quản trị liên quan đến kinh tế.

Vậy nên sẽ có những chỉ số thành phần giữa hai bên mâu thuẫn với nhau. Chẳng hạn như người dân thiên hướng muốn có nhiều quy định và được bảo vệ tốt hơn, nhưng doanh nghiệp lại muốn ít quy định để bớt gánh nặng về các hoạt động kinh doanh hơn.

Hay như trong vấn đề đất đai, doanh nghiệp muốn việc chuyển đổi đất đai diễn ra nhanh chóng và liền mạch. Nhưng tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng bởi hầu hết sẽ là đất từ người dân. Điều này có nghĩa là Quảng Ninh đứng đầu PCI không bởi vì Quảng Ninh đứng đầu PAPI hay ngược lại.

Điều gì khiến Quảng Ninh 4 năm liền dẫn đần bảng chỉ số PCI?

Những năm trước 2010, Quảng Ninh không phải là tỉnh nằm trong nhóm top về chỉ số PCI ở Việt Nam. Khoàng từ năm 2010, họ bắt đầu thực hiện một loạt những thay đổi lớn về hành chính. Đầu tiên là việc tỉnh này đã rất coi trọng các chỉ số hiệu suất.

Lãnh đạo tỉnh cũng trao đổi với chúng tôi rằng, tỉnh rất quan tâm đến PCI và PAPI. Rồi họ bắt đầu cải cách cơ cấu, xây dựng trung tâm xúc tiến đầu tư để đặt một loạt các hoạt động kinh doanh vào một nơi nhằm giảm bớt gánh nặng về thủ tục hành chính. Những tỉnh khác cũng làm điều này, nhưng Quảng Ninh là tỉnh đi đầu.

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 3.

Sau đó thì Quảng Ninh còn đi xa hơn thế nữa. Họ bắt đầu tạo ra chỉ số của riêng mình, gọi là DDCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở và cấp huyện). Trước đó, họ có hỏi chúng tôi về các tạo ra chỉ số, lập bảng xếp hạng và các phương pháp luận. Nhưng sau đó, họ đã tạo ra một bộ máy vận hành riêng và yêu cầu các sở và chính quyền cấp huyện chịu trách nhiệm dựa trên thứ hạng của mình.

Năm đầu tiên Quảng Ninh nhận vị trí đứng đầu PCI, cả Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh cùng lên nhận giải, trong khi các tỉnh khác thường là Chủ tịch. Thời điểm đó là khoảng 10 năm tôi làm báo cáo PCI, nhưng tôi chưa bao giờ thấy việc này, thường chỉ có một trong hai người lên thôi.

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 4.

Vì sao trong báo cáo PCI có đề cập đến cơ sở hạ tầng, nhưng chỉ số này lại không nằm trong thành phần của PCI?

Thế mà, nhiều người thậm chí vẫn còn hỏi tôi: Sao lại đưa chỉ số cơ sở hạ tầng vào, và tôi phải giải thích mãi là tôi có đưa đâu (cười). Chúng tôi không tính chỉ số cơ sở hạ tầng vào PCI bởi 3 lý do quan trọng.

Đầu tiên là vấn đề ảnh hưởng của di sản. Có những tỉnh thuộc trung tâm có lợi thế hơn khi kế thừa cơ sở hạ tầng tốt hơn từ rất lâu rồi. Nếu đưa chỉ số cơ sở hạ tầng vào sẽ trở thành cái cớ lớn khi các tỉnh này không tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Do vậy, PCI không bao gồm chỉ số cơ sở hạ tầng để các tỉnh đều cần cải thiện môi trường kinh doanh, ngay cả khi họ không đủ nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, mục tiêu của PCI là khuyến khích lãnh đạo tỉnh thực hiện thay đổi trong ngắn hạn và trung hạn, còn phát triển cơ sở hạ tầng thì lại cần trong dài hạn.

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 5.

Ảnh: Việt Hùng

Lý do thứ hai là đôi khi, rất khó để phân biệt giữa cơ sở hạ tầng là sáng kiến của tỉnh và cơ sở hạ tầng từ chính quyền trung ương. Giả sử như Lào Cai may mắn có đường quốc lộ nối với tỉnh mình, liệu chúng ta có nên xếp tỉnh này tốt hơn các tỉnh khác không? Bởi những tuyến đường liên tỉnh thường do quyết định của Chính phủ, mà mục đích của PCI lại là khuyến khích lãnh đạo địa phương đưa ra những sáng kiến riêng.

Lý do thứ ba và cũng là lý do quan trọng nhất, đó là chúng tôi tin rằng các dự án cơ sở hạ tầng phải là các dự án chung, cần có sự phối hợp giữa các địa phương chứ không phải cạnh tranh.

Như vài năm qua, tỉnh nào cũng muốn có sân bay riêng. Tỉnh nào cũng muốn có cảng riêng. Điều này rất vô nghĩa. Không phải mọi nơi đều có đủ lưu lượng giao thông để làm điều này.

Thay vào đó, chúng ta chỉ cần cảng và sân bay có hệ thống kết nối tốt, ví dụ như ở Đà Nẵng, từ đó các tỉnh xung quanh có thể cùng sử dụng. Nếu PCI khuyến khích các tỉnh tạo ra cơ sở hạ tầng riêng, điều này sẽ trở nên rất lãng phí.

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 6.

Những thành phần nào cao nhất trong nhóm 10 chỉ số tạo nên điểm PCI của Quảng Ninh?

Quảng Ninh nằm trong top 3 về chỉ số chính sách lao động: tuyển dụng lao động có trình độ và tay nghề tại đây đơn giản hơn so với khu vực khác. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng được xếp hạng cao trong các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ số này hiểu đơn giản là địa phương đã tích cực trong tổ chức hội chợ thương mại, đào tạo kỹ thuật cho doanh nghiệp muốn nâng cấp công nghệ, tạo liên kết giữa doanh nghiệp và các đối tác tiềm năng…

Các địa phương từng là tâm dịch trong năm vừa qua lại có vị trí rất cao trong bảng xếp hạng PCI, điển hình như Quảng Ninh hay Đà Nẵng. Vì sao vậy?

Thực chất, các tỉnh như Quảng Ninh và Đà Nẵng đã được xếp hạng PCI cao trong một thời gian dài. Năm 2005, Đà Nẵng đứng đầu và Quảng Ninh cũng nằm trong top 10 từ năm 2011.

Tôi nghĩ là Quảng Ninh và Đà Nẵng đều là những nơi có nhiều doanh nghiệp FDI cũng như phát triển mạnh ngành du lịch, dẫn đến khả năng lây lan cao hơn. Đương nhiên thì sau đó họ đã cải thiện thêm về môi trường kinh doanh trong địa phương mình.

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 7.

Ảnh: Việt Hùng

Vậy còn những tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng như Bắc Kạn, Đắk Nông, Hà Giang?

Đúng là một số tỉnh có điều kiện bất lợi và cơ sở hạ tầng yếu kém. Tuy nhiên, với mỗi tỉnh đó, tôi nghĩ về một tỉnh tương tự nhưng thay đổi được tình hình. Lấy ví dụ như Bắc Kạn, Lạng Sơn hay Hà Giang, tại sao họ gặp nhiều khó khăn như vậy trong khi Tuyên Quang, Yên Bái hay Lào Cai, những địa phương có vị trí không quá khác nhau lại đang làm tốt hơn. Tại sao Kiên Giang đáng quan ngại, nhưng Tiền Giang lại có những tiến bộ đáng kể. Tại sao Bạc Liêu xếp hạng thấp, nhưng Trà Vinh thì không?

Hay như tỉnh đứng thứ 2 năm nay là Đồng Tháp, điều gì làm cho Đồng Tháp khác biệt so với Kiên Giang? Tôi cho rằng đó là sự cam kết của ban lãnh đạo nhằm tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp phát triển hơn nữa: như giảm bớt những cuộc thanh tra không cần thiết, đảm bảo những cuộc thanh tra có chất lượng để khảo sát doanh nghiệp về thuế và các vấn đề liên quan…

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 8.

Trên phương diện là "cha đẻ" của bộ chỉ số PCI, ông thấy vấn đề vĩ mô cần ưu tiên giải quyết hiện nay của Việt Nam là gì?

Với tôi, vấn đề cấp bách nhất là tinh giản hệ thống thuế và cải thiện tính minh bạch. Thủ tục xuất khẩu và thủ tục hải quan thực chất vẫn còn phức tạp. Và đó là một vấn đề lớn bởi xuất khẩu vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng của Việt Nam.

Ngoài ra, tôi cho rằng Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong lĩnh vực thực thi hợp đồng kinh doanh. Thú thật thì rất nhiều doanh nghiệp lo ngại khi hợp tác với một đối tác họ không quen biết, vì sợ tranh chấp pháp lý. Một nền kinh tế phát triển nhanh là khi các doanh nghiệp hợp tác với nhau mạnh mẽ hơn.

Đó cũng là lý do Việt Nam có các trung tâm trọng tài thương mại như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nhưng tôi nghĩ chức năng các trung tâm này vẫn chưa được khai thác triệt để. Chúng ta cần phải có quyền đặt ra các câu hỏi, đưa ra các giải pháp để cải các mạnh mẽ hơn nữa dựa vào thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế cũng như kinh nghiệm của các quốc gia đi trước.

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 9.

Ảnh: Việt Hùng

Sự kiện nào đã khiến ông tham gia và cùng khởi xướng bộ chỉ số PCI?

Khi tôi còn làm việc tại Đại học Kinh tế Quốc dân và có chút kinh nghiệm dạy các lớp nhỏ với doanh nghiệp nhà nước, tôi đã có cơ hội đi qua rất nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Tôi cảm nhận được sự khác biệt về môi trường kinh doanh mỗi nơi, và suy nghĩ rất nhiều về điều này.

Tại sao một số nơi lại phát triển và có nhiều đầu tư hơn những nơi khác, dù chất lượng hạ tầng hay vị trí địa lý không quá khác biệt nhau? Tôi còn nhớ khi các hoạt động tham gia Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư nước ngoài những năm 2000, Quỹ châu Á (The Asia Foundation) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có hàng loạt hội thảo về đối thoại giữa khu vực công và tư nhân. Rồi ông Đậu Anh Tuấn (hiện là Trưởng ban Pháp chế VCCI) và tôi từ Quỹ châu Á được yêu cầu là người ghi chép tại sự kiện đó.

Chúng tôi ngồi đằng sau sâu khấu và liên tục nghe những vấn đề lớn được đưa ra, như là mặc dù luật đất đai phù hợp, nhưng các tỉnh không thực hiện, hay như luật doanh nghiệp rất hay, nhưng lãnh đạo tỉnh tôi không hiểu, hoặc thậm chí luật thanh tra không quá tệ, nhưng tỉnh tôi vẫn theo luật cũ.

Các chuyên gia từ VCCI và Quỹ châu Á lúc ấy đã bàn về những vấn đề để làm sao có một bộ chỉ số để các tỉnh làm chưa tốt bắt kịp với những tỉnh làm tốt hơn. Ý tưởng lúc ban đầu đó là, quy mô của khu vực kinh doanh và chất lượng quản trị là hai vấn đề khác nhau.

Giáo sư Mỹ tiết lộ cội nguồn cải cách ở Quảng Ninh với nhiệm kỳ đặc biệt từ 10 năm trước - Ảnh 10.

Ông đã ở Việt Nam lâu như vậy, điều gì đã thay đổi mà ông cảm thấy đặc biệt nhất tại đây?

Điều làm tôi không bao giờ hết ngạc nhiên đó là tốc độ thay đổi nơi đây. Ý tôi là, tôi trải nghiệm Việt Nam trên phương diện đến và sống ở đây khoảng 1 năm, rồi lại quay về North Carolina, rồi lại trở về Việt Nam. Cho nên mỗi lần tôi về là một lần trải nghiệm những cái mới.

Tôi nhớ năm 1997, tôi từng sống ở đường Nguyễn Du, và ở góc đường hồi ấy có một quán phở nhỏ. Sau một năm tôi đi và quay trở lại, nó đã trở thành một cửa hàng quần áo, rồi một năm sau đó lại là studio chụp ảnh, một năm sau đó lại cửa hàng di động. Tôi có thể nhìn thấy Việt Nam đã phát triển nhanh như thế nào, có thể cảm nhận được mức tăng trưởng trung bình 6,3% ngay trước mắt.

Hay như lần đầu tôi đi xe từ sân bay Nội Bài vào Hà Nội, chỉ có một làn đường và xe của tôi phải dừng lại rất nhiều lần vì chờ cho đàn trâu đi qua. Bạn có tưởng tưởng được không? Bây giờ thì có những 6 làn (cười).

Quỳnh Lê
Hương Xuân
Việt Hùng
Theo Trí Thức Trẻ20/04/2021

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Đa dạng lựa chọn TV Samsung 98 inch: Màn hình cực đại cho trải nghiệm Tết cực đỉnh

Đón đầu xu hướng TV màn hình siêu lớn, Samsung với vị thế là thương hiệu TV đứng hàng đầu thế giới 18 năm liên tiếp đã nhanh chóng xác lập thị phần áp đảo ở phân khúc sản phẩm trên 90 inch, đặc biệt là 98 inch. Những thiết bị nghe nhìn đẳng cấp này chính là khởi đầu lý tưởng cho trải nghiệm Tết đỉnh năm nay.