Bạn đã từng nghe đến từ “luyện gà” chưa?
Những năm gần đây, từ ngữ này trở nên phổ biến trong giới nuôi dạy con. Thậm chí thời nay, nó còn trở thành một xu thế trong phương pháp giáo dục của phụ huynh Trung Quốc.
“Trẻ em gà”, chỉ những đứa trẻ được bố mẹ gắn với khát khao “cá chép hóa rồng, gà hóa phụng hoàng”, dùng phương pháp “tiêm máu gà” để giáo dục, không ngừng giao phó cho con trách nhiệm học tập nặng nề.
Đơn giản mà nói, đây chính là phiên bản mạnh mẽ hơn của niềm tin “không muốn con chịu thua ngay ở vạch xuất phát”.
Xét cho cùng, “những đứa trẻ gà con” là diễn biến tiếp theo của phương pháp giáo dục “những người mẹ hổ” - thực trạng dùng phương pháp mạnh bạo và cực đoan ép con học tập và nên người của phụ huynh Trung Quốc.
Theo số liệu “Điều tra cuộc sống tốt đẹp Trung Quốc” thể hiện, năm 2020, trong những loại khó khăn của các gia đình Trung Quốc đang phải đối mặt thì “giáo dục con cái” đứng vị trí thứ 3, chiếm 36,19%, cao nhất trong vòng 5 năm gần nhất.
Theo “Điều tra đầu tư giáo dục con cái gia đình năm 2019”, trong tổng số 7.090 hộ gia đình được lấy số liệu thì có đến 40% phụ huynh cho rằng con cái từ 2-7 tuổi là độ tuổi thích hợp để bắt đầu tiếp nhận giáo dục ngoài nhà trường. 78,3% phụ huynh cho rằng họ đã chuẩn bị sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự thành công của con.
"Luyện gà" - cách giáo dục theo kiểu chuyên chế quyền uy của ông bố bà mẹ muốn con "hóa phụng thành rồng"
5h chiều mỗi ngày ở một quán ăn trên đường Hoàng Trang thuộc quận Hải Điến (Bắc Kinh, Trung Quốc) là nơi tập hợp của một nhóm học sinh và phụ huynh.
Đồng phục học sinh không giống nhau, có em thì đứng, có em thì ngồi, mặt mũi không một chút biểu cảm. Phụ huynh, người chạy đi lấy đồ ăn, người thì vẫy tay gọi xe, người thì tận tình đút từng thìa cháo muỗng cơm cho con nhỏ đang làm bài tập hoặc xem điện thoại.
Nơi này được gọi là “Cao nguyên Thanh Tạng của giáo dục Trung Quốc” (ý chỉ nơi giáo dục được xem trọng và và diễn biến sắc nét nhất Trung Quốc) ở quận Hải Điến, Bắc Kinh. Mà khu Hoàng Trang của quận Hải Điến lại là “Trung tâm học thêm”, hay chính xác hơn là con đường tập trung nhiều “lò luyện thi” giỏi nhất Bắc Kinh.
Theo đó, những bà mẹ ở quận Hải Điến này lại “nức tiếng” với cách giáo dục “luyện gà”. Họ không ngừng “tiêm máu gà” cho con, liên tục sắp xếp những khóa học cho con. Đồng thời, những bà mẹ này cũng rất có lòng học hỏi, nhiệt tình trao đổi với nhau về bí quyết “luyện gà”, thậm chí còn lôi kéo thêm phụ huynh trước đó không hề có nhận thức về giáo dục luyện gà này.
Mẹ của cậu bé Phì Dương là “bà mẹ hổ” tiêu chuẩn của quận Hải Điến. Phì Dương 8 tuổi là học sinh của một trường tiểu học trọng điểm trong quận Hải Điến, thành tích học tập hiện tại đang nằm trong những học sinh đầu bảng so với bạn bè cùng trang lứa.
Mẹ của Phì Dương chia sẻ với tờ Xinhua rằng con nhỏ trong khoảng 3-6 tuổi là thời gian cần phải đầu tư học tập mạnh nhất.
“Thời gian này, tôi đã rèn luyện cho con trai thói quen sống và học tập tự chủ, cũng chuẩn bị các giáo trình, tài liệu cơ bản để con có thể đột phá ngưỡng nhận biết 6000 từ tiếng Anh, đọc sách bằng giáo trình Trung-Anh… Học hết giáo trình toán học 6 năm tiểu học, bắt đầu học toán Olympic. Piano học đến trình độ cấp 2, Taekwondo đai lục”.
Bà mẹ cho rằng bản thân cô rất thích hợp với quận Hải Điến này: “Đối với đa số phụ huynh như chúng tôi, nhà không có mỏ vàng, không có học thức chuyên môn, thì không thể đào tạo nên những đứa trẻ xuất chúng sao? Tôi không cho như vậy. Tôi cảm thấy con đường này càng thích hợp với người bình thường hơn”.
Trên thực tế, các ông bố bà mẹ quận Hải Điến đã vạch ra mục tiêu hướng con em mình thi vào các trường đại học “khủng” như Thanh Hoa và Bắc Đại.
Kế hoạch “luyện gà” của một bà mẹ Hải Điến được truyền tay rộng rãi như sau: 1 tuổi, bập bẹ nói song ngữ Trung - Anh; 3 tuổi có thể tự đọc văn bản tiếng Anh, thuộc 100 bài thơ cổ; 5 tuổi, học toán Olympic, rèn luyện tư duy logic; 10 tuổi, lấy giải nhất toán Olympic, chứng chỉ tiếng Anh PET. Và đây là trình độ của 5% học sinh xếp đầu bảng quận Hải Điến, 1% học sinh đầu bảng thành phố Bắc Kinh.
Giáo sư học viện giáo dục thuộc đại học Sư phạm Bắc Kinh - bà Tiết Hải Bình cùng đội ngũ chuyên gia làm một cuộc điều tra và phát hiện, phương pháp giáo dục của phụ huynh có thể được chia thành: kiểu chuyên chế, kiểu quyền uy, kiểu khoan dung, kiểu thờ ơ. Hiện tượng “luyện gà” chính là cách giáo dục theo kiểu chuyên chế hoặc quyền uy điển hình đang trở thành xu hướng của các ông bố bà mẹ Trung Quốc.
“Cũng có thể nói, phụ huynh đặc biệt quan tâm con cái, dành trọn thời gian của mình cho con. Cấp tốc bồi dưỡng, đột phá tài năng, tiến vào trường giỏi chính là con đường thực tế nhất của ‘luyện gà’”, bà Tiết Hải Bình chia sẻ với Xinhua.
Trong số liệu thống kê gia đình Trung Quốc (CFPS) và số liệu thống kê giáo dục Trung Quốc (CEPS) thể hiện:
Phản ứng dây chuyền tạo nên làn sóng giáo dục "luyện gà" trong tâm lý phụ huynh Trung Quốc
Trên thực tế, đa số ông bố bà mẹ vừa mới sinh con đều từng có khát vọng tốt đẹp rằng muốn con có một tuổi thơ đầy vui vẻ. Nhưng khi nhìn thấy con nhà người ta xuất chúng hơn, chứng kiến cách phụ huynh giáo dục và bồi dưỡng nên thế hệ đầy tiền đồ xán lạn, chiêm ngưỡng kế hoạch triển vọng mà nhiều phụ huynh vẽ ra, họ bắt đầu bất an.
Để tránh việc bản thân hối hận và và viễn cảnh con mình thua thiệt, họ bắt đầu “luyện gà”.
Từ đó, phụ huynh đổ dồn toàn bộ nỗi lo của mình lên con cái. Vòng tuần hoàn ác tính này hình thành nên một trạng thái gia đình Trung Quốc: Bố mẹ lo lắng con trẻ hoang mang.
Thế là phản ứng dây chuyền giữa các phụ huynh xảy ra. Cũng giống như một nhóm người đang xem diễn kịch dưới sân khấu. Ban đầu tất cả đều ngồi, chăm chú xem kịch. Nhưng đột nhiên, có một khán giả đứng dậy. Kết quả là người nào cũng đứng dậy theo, hoặc là bị chắn tầm nhìn, hoặc là hệ quả của phản ứng tâm lý đám đông.
Kế tiếp, người thì đứng hẳn lên ghế, người thì cố tìm chiếc ghế cao hơn. Mỗi người đều tranh đấu để được thưởng thức màn hay trên kia, nhưng cuối cùng lại bỏ lỡ hết tất cả.
Cũng giống như những ông bố bà mẹ với cách giáo dục con em theo kiểu luyện gà, không một ai dám dừng lại vì họ sợ con mình thua thiệt. Cũng có thể vì nhiều nguyên nhân khác như mất mặt gia đình, thậm chí nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến thể diện cá nhân mà quên đi cảm nhận của con cái.
Con đường “luyện gà” là hệ quả phát tác của đau khổ, bất cam, bất lực và lạc lối của các phụ huynh gia đình Trung Quốc.
Trong những “lò luyện gà”, mỗi giây mỗi phút của con trẻ bắt buộc phải tạo ra giá trị, không thể lãng phí. Mỗi cử chỉ hành động đều được cân đo đong đếm.
Phong Hân, một bà mẹ ở Quảng Đông, đã lập một nhóm chat giao lưu giữa các phụ huynh trên khắp cả nước Trung Quốc, dùng để thảo luận về phương pháp giáo dục “luyện gà”, đề cử những lớp học có ích và hướng đi phát triển đầy tiềm năng cho con em.
“Con nhà tôi không chỉ thi Ngữ văn đứng nhất, mà Toán học cũng đứng đầu, 99 điểm. Xin phép các anh chị để tôi được cười một chút. Đây là niềm tự hào của một người mẹ như tôi đấy!”. Lời nhắn của bà mẹ này đã nhận về không ít lượt thích. Đứng trước tình hình này, Phong Hân hứa với lòng sẽ cố gắng hơn trong cách “luyện gà”.
Bà mẹ 2 con này đã chia sẻ với Xinhua về cơ duyên đến với “luyện gà”. Đó là trong thời gian dịch bệnh hoành hành, con nhỏ phải học online tại nhà. Giáo viên yêu cầu nộp bài tập. Cô phát hiện những em học sinh khác đều biết kể chuyện, biết làm toán.
“Tại sao tôi cảm giác con nhà mình thua kém mấy đứa trẻ khác rất nhiều vậy nhỉ!”, Phong Hân nhất thời hoang mang, tức tốc nghiên cứu phương pháp “luyện gà”.
Sự so sánh lẫn nhau giữa các phụ huynh gây ra nỗi lo và bất an.
Song, Thẩm Dịch Phỉ, một bà mẹ ở Sơn Đông chia sẻ với Xinhua rằng, phía sau nỗi lo của phụ huynh có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một lý do lớn nhất xuất phát từ việc phụ huynh từng chịu tổn thương:
“Ví dụ như ông bố bà mẹ thuở nhỏ học không tốt. Họ phát hiện thành tích học tập gây ra rất nhiều vấn đề. Vậy nên họ quyết tâm dành nhiều tâm huyết cho con cái để chúng có tương lai tốt đẹp hơn, không như họ lúc trước. Thế nhưng họ không hề nhận ra rằng cách này đã khiến con trẻ không thể tự bước theo con đường chúng lựa chọn”.
"Những chú gà công nghiệp" trốn chạy khỏi quá trình "thành phụng"
Học tập, đặc biệt là những bộ môn nghệ thuật đòi hỏi phải có năng khiếu. Đương nhiên, nỗ lực học hỏi cũng có thể bù đắp được phần nào, nhưng bị chèn ép với áp lực lớn sẽ phản tác dụng.
Một thực trạng không thể chối cãi là những đứa trẻ được giáo dục bởi phương pháp “luyện gà” đều không hoàn toàn cảm thấy vui vẻ, thậm chí mắc vấn đề tâm lý nghiêm trọng.
Bà Lý Mai Cẩn - giáo sư tâm lý tội phạm trường đại học Cảnh sát Nhân dân Trung Quốc từng đưa ra một ví dụ trong một hội đàm công khai:
Một cô gái con nhà giàu ở Sơn Tây sống trong môi trường “luyện gà” đúng nghĩa. Mỗi ngày thức dậy, cô đều phải đối mặt với những lớp học phụ đạo không hồi kết. Từ 8h sáng đến 9h tối, 8 giáo viên luân phiên giảng dạy. Cuối cùng vì không thể chịu đựng nổi áp lực này, cô gái đã gieo mình từ sân thượng…
Thảm kịch xảy ra, mẹ của cô gái khóc nghẹn: “Trái tim tôi tan nát. Rốt cuộc thì vấn đề xảy ra ở đâu? Tôi tốt với con bé như thế… Nó không cần phải lo ăn lo mặc… Vì sao…”.
Những năm trở lại đây, Trung Quốc xuất hiện vô số trường hợp trẻ em mắc những vấn đề tâm lý từ hệ lụy của giáo dục “luyện gà”, thậm chí tin tức trẻ vị thành niên quyên sinh nhiều đến mức báo động.
Theo báo cáo tâm lý sức khỏe năm 2020 của Trung Quốc thể hiện: Trung Quốc có hơn 30 triệu thanh thiếu niên mắc chứng trầm cảm.
Ông Đinh Diên Khánh - phó giáo sư học viện giáo dục của đại học Bắc Kinh cho biết:
Có thể nói, luyện gà đã mang lại ảnh hưởng vô cùng xấu đối với con trẻ.
Cô gái sinh năm 2000 tên Phùng Thư Kỳ ở Thiên Tân (Trung Quốc) tốt nghiệp đại học Toronto và lấy bằng thạc sĩ ở trường Kinh doanh Schulich ở Canada.
Chia sẻ với The Paper, cô gái nhận xét bản thân chính là một con gà công nghiệp - thành phẩm của giáo dục “luyện gà” từ thuở bé cho đến đại học.
Lúc nhỏ, Phùng thi được 95/100 điểm, nhưng cô không dám mang kết quả về nhà vì sợ bị bà đánh khi không thể đạt con số tối đa.
Thời điểm năm 15 tuổi là khoảng thời gian áp lực nhất đối với Phùng. Bà của cô là giáo sư đại học, mẹ là quản lý trong ngành tài chính. Cả hai đều đưa ra yêu cầu rất cao với Phùng.
Vui vẻ ở trường, nhưng khi về đến nhà, đối mặt với bà và mẹ, Phùng chỉ có thể chịu đựng trở thành một đứa trẻ chăm chỉ, chỉ biết học và học.
Kỳ thi lên cấp 3, Phùng lần đầu phát sinh mâu thuẫn với mẹ và người nhà. Phùng muốn đi du học vì chỉ có cách này mới giúp cô thoát khỏi phương pháp giáo dục cực đoan của gia đình.
Quả nhiên, sống trong môi trường phương Tây, Phùng trở thành một con người khác. Cô tự tin và dũng cảm bộc lộ cảm xúc hơn rất nhiều. Cô gái nói với The Paper rằng đây mới chính là con người thật của cô, còn hình ảnh khi ở quê nhà chỉ là cố diễn cho gia đình xem.
Là người trải qua tuổi thơ không mấy vui vẻ trong chuyện học hành, Phùng muốn đóng góp nhiều hơn trong công tác giáo dục để các em nhỏ được sống trong môi trường học tập đầy hứng thú và đúng với năng khiếu hơn.
Bắt đầu từ năm 2020, dịch bệnh Covid-19 hoành hành, Phùng trở về Trung Quốc. Thời gian này, cô gái giao tiếp với người nhà nhiều hơn, cùng mẹ làm những việc mà trước đây hai người chưa từng thử như xem phim, mua sắm…
Củng cố niềm tin của con trẻ với tương lai cũng là một phương pháp giáo dục
Tương lai của con em là gì? Điều này mới là vấn đề của các bậc phụ huynh nên suy xét nhất.
Cuối tuần leo núi 4-5km, đến công viên vẽ tranh, làm đồ thủ công mỹ nghệ… Đây là những việc mà bà mẹ tên Vu Thuần ở Hàng Châu cùng làm với con trai 4 tuổi.
“Chúng tôi đều là lần đầu tiên làm bố mẹ. Chặng đường nuôi con đương nhiên chẳng phải chuyện dễ dàng. Tôi cho rằng nuôi con là một quá trình hình xoắn ốc”, Vu Thuần chia sẻ với Xinhua.
Ban đầu, cô cố gắng nhồi nhét tiếng Anh vào đầu con trai hết sức có thể. “Một tuổi bắt đầu luyện nghe tiếng Anh, xem truyện tranh thiếu nhi bằng tiếng Anh. Nhưng đến hai tuổi, thằng bé không muốn nghe nữa. Thế là tôi đã bỏ cuộc”.
Bà mẹ Vu Thuần nói với Xinhua rằng:
Củng cố niềm tin và cảm giác an toàn của con trẻ đối với tương lai mới là việc làm của bậc phụ huynh nên phấn đấu.
1. Tìm thấy sở trường
Học tập là một quá trình tổng hợp, không chỉ chứng minh thành tích bằng những cuộc thi, mà còn tìm thấy kỹ năng sở trường của mình. Và phương pháp giáo dục “luyện gà” đã thiếu đi điều này!
Nói cho cùng, mục đích “luyện gà” của các ông bố bà mẹ thật ra là muốn con cái của mình trở nên ưu tú hơn. Nhưng đóng khuôn tư duy và tương lai của con theo sắp đặt của mình thật sự không cần thiết.
2. Trưởng thành một cách có quy luật
Sự trưởng thành của trẻ nhỏ đều có quy luật của riêng nó. Không tôn trọng quy luật tự nhiên mà chỉ biết sử dụng đặc quyền làm cha mẹ để nuôi dưỡng con cái thì đến cùng sẽ mất hết tất cả.
Trung Quốc cổ đại đã xuất hiện những đứa trẻ lớn lên bởi cách “luyện gà” của bố mẹ.
Các cuộc thi Hương, Hội, Đình tuyển tú tài, bậc cao nhất là Trạng nguyên. Con nhà giàu có, quyền quý thời xưa cũng phải chịu áp lực không kém từ bố mẹ và gia đình. Càng quyền cao chức trọng thì họ càng đòi hỏi con cái phái xuất chúng. Có tri thức, đậu thứ hạng cao trong kỳ thi Trạng nguyên thì tiền đồ làm quan trong triều cũng rộng mở hơn.
Ở thời kỳ Xuân Thu Chiến Quốc, nhà giáo dục vĩ đại - Khổng Tử đã đề ra các quan điểm giáo dục như “Dạy học theo năng khiếu”, “ Ôn cái cũ, học cái mới’...
Một, “Dạy học theo năng khiếu”: Dựa vào trình độ học tập, năng lực, sở thích, tố chất không giống nhau của mỗi đứa trẻ, giáo viên và phụ huynh chọn ra phương pháp dạy học thích hợp với con.
Bố mẹ là người thấu hiểu con trẻ nhất. Con cái là cá thể độc lập sở hữu thế mạnh riêng. Phụ huynh chỉ cần bồi dưỡng và phát triển trên cơ sở thế mạnh của con là đủ. Áp lực học tập quá độ sẽ khiến con trẻ cảm thấy mệt mỏi, dễ hình thành loại cảm xúc chán học.
Hai, “Ôn cái cũ, học cái mới”: Ôn luyện những kiến thức đã học có thể ngộ ra nhiều điều mới.
Con trẻ cần một quá trình để hấp thu và tiêu hóa kiến thức mới. Bố mẹ lại đăng ký càng nhiều càng tốt những lớp học phụ đạo, năng khiếu. Một khi con cái không thể tiếp thu nổi thì công sức và tiền bạc cũng tiêu tan. Chi bằng hãy nắm vững khiến thức đã học, có lẽ còn hiểu ra những tri thức mới, từ đó nâng cao thành tích học tập.
Thay vì "luyện gà" cho con, chi bằng "luyện gà" cho mình
“Luyện gà”, hay đó chính là chấp niệm không muốn con thua kém ngay ở vạch xuất phát. Bố mẹ toàn tâm toàn lực giáo dục con thành tài. Sau một quá trình dài, phụ huynh và con cái đều mệt mỏi. Đó là còn chưa kể đến những hậu quả cực đoan khác.
Thay vì “luyện gà” cho con thì hãy áp dụng phương pháp này cho mình. Cách trưởng thành của bố mẹ chính là tấm gương phản chiếu lên quá trình trưởng thành của con cái. Bố mẹ cố gắng thực hiện mục tiêu và ước mơ của mình là bước đệm tốt nhất dành cho tương lai của con.
Một số phụ huynh có thể nói thế này: “Tôi đã như vậy rồi. Cuộc đời và sự nghiệp đều đã được định hình, cần gì phải trưởng thành nữa?”.
Nhưng đây chỉ là lý do của sự lười biếng và trốn tránh. Cuộc đời là quá trình không ngừng trưởng thành. Làm cha làm mẹ, phụ huynh còn rất nhiều cách để hoàn thiện bản thân, trở thành tấm gương tốt trên con đường lớn khôn của con nhỏ.
Phụ huynh nên:
1. Học thêm chuyên ngành như ngoại ngữ, tâm lý, xã hội…
2. Hoàn thiện và nâng cao học lực. Bản thân phụ huynh muốn giáo dục con theo kiểu luyện gà thì đương nhiên điều kiện kinh tế không hề đơn giản vì các lớp phụ đạo không hề rẻ. Vậy nên, hoàn thành cấp bậc giáo dục phổ thông cũng là lựa chọn nên làm của những ông bố bà mẹ khi xưa chưa thể hoàn thành.
3. Bồi dưỡng sở thích. Có thể cùng con phát triển sở thích là chuyện vô cùng quan trọng và ý nghĩa. Đánh cầu lông, bóng bàn, bơi lội, cùng con leo núi… Học chơi một nhạc cụ cũng là lựa chọn lý tưởng. Bố mẹ có tâm hồn đẹp thì con cái cũng phát triển lành mạnh.
Khi muốn giáo dục con theo kiểu luyện gà, hãy tự hỏi xem liệu bản thân có thể làm được hay không?
Bố mẹ nào cũng muốn con hạnh phúc, có tương lai xán lạn. Dành trọn cuộc đời để nuôi con, cho con ăn học đủ đầy. Biết ép con học thì cũng phải biết dừng lại hỏi: Con có vui không hay con có mệt mỏi với cuộc sống hiện tại không?
(Nguồn: 163, Sohu, Xinhuanet, Thepaper)