Tại một ngôi làng nhỏ cách trung tâm Bắc Kinh 50km, có một ngôi nhà "độc nhất vô nhị". Bề ngoài, ngôi nhà này chẳng khác gì những ngôi nhà xung quanh. Thế nhưng, ngay sau khi cánh cổng được mở ra, không gian bên trong khiến ai nấy đều kinh ngạc
Thứ đầu tiên đập vào mắt chính là khoảng sân nhỏ hình tròn. Bao quanh nó là một bức tường kính, tạo thành một thiết kế độc đáo "ngoại phương nội viên" (ngoài vuông trong tròn), hay còn gọi là mãn cung tiểu viện.
Chủ nhà là Nhậm Quân Hạo, từng làm giám đốc hậu cần cho một hãng hàng không nước ngoài nên thu nhập khá tốt. Khi đứa con thứ ba ra đời, anh quyết định từ bỏ công việc đã gắn bó với mình suốt 17 năm để dành nhiều thời gian ở nhà hơn với con.
Gia đình vợ chồng Quân Hạo
Kể từ đó, cả gia đình liên tục chuyển nhà để tìm không gian sống phù hợp hơn. Họ yêu thích thiên nhiên nên chọn ngoại ô Bắc Kinh làm nơi an cư lạc nghiệp.
Sau khi đi khảo sát nhiều nơi, cuối cùng Quân Hạo và vợ tìm thấy một ngôi nhà cấp bốn đổ nát. Họ thuê khu đất này, rồi nhờ một người bạn là kiến trúc sư thiết kế tổ ấm mới với chi phí 1,5 triệu NDT (5,2 tỷ VNĐ).
Ngôi nhà rộng 300m2 này là một bức tranh thể hiện sự hòa hợp giữa con người và tự nhiên.
Nhờ bức tường kính bao phủ quanh sân, ranh giới giữa thiên nhiên bên ngoài và không gian bên trong đã bị xóa nhòa. Mặt trời cung cấp ánh sáng cho ngôi nhà cả ngày, biến nơi đây thành một chiếc đồng hồ khổng lồ. Góc nắng chiếu cho phép mọi người cảm nhận rõ sự thay đổi của thời gian và thời tiết.
Ở cổng, Quân Hạo trồng một hàng trúc làm bình phong, đồng thời xây dựng hệ thống nước mô phỏng theo dòng suối. Trên bãi cỏ, anh đặt một bàn trà làm từ kính cường lực, bên cạnh trồng một cây phong đỏ. Ngoài ra, trong vườn còn có hai cây bạch quả khá, tán lá to và rậm rạp.
Trên những tấm gỗ, Quân Hạo trồng đủ loại cây và xương rồng. Ở cuối sân, theo chiều kim đồng hồ, là một chiếc cầu thang xoắn ốc để đi lên sân thượng. Tại đây, anh trồng các loại rau theo mùa như củ cải, bắp cải, bí ngô…. Do đó, cả nhà luôn có sẵn rau tươi để ăn, khách ghé chơi cũng có rau đem mang về.
Ngôi nhà gồm 2 tầng, với 14 phòng khác nhau, là nơi sinh sống của vợ chồng Quân Hạo, mẹ vợ và 3 đứa con. Do nhà có thiết kế hình tròn, những đứa trẻ có thể nhìn thấy cha mẹ từ bất kỳ góc nào.
Bước vào trong nhà là khu vực tiền sảnh, có phòng để áo khoác và tủ đựng giày. Đi sâu thêm chút nữa là phòng khách, ngồi ở đây có thể ngắm sân vườn, nhìn sự thay đổi của các mùa trong năm.
Bên cạnh phòng khách là không gian trải chiếu tatami kiểu Nhật. Ban đầu, nơi này được sử dụng làm phòng trà, sau đó Quân Hạo đã cải tạo lại để làm khu vui chơi cho con gái. Anh đặt nhiều chiếc ghế có độ cao khác nhau, thỉnh thoảng con sẽ chơi trốn tìm ở đó.
Phòng ăn cũng là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình. Quân Hạo lắp lò sưởi âm tường nên không lo bị rét vào mùa đông. Vì toàn bộ tầng một là không gian mở nên bếp được đóng kín để tránh khói bụi tỏa ra khắp nhà.
Cầu thang dẫn lên tầng hai được thiết kế theo dạng xoắn ốc, sử dụng dây cáp thép làm lan can. Kiểu thiết kế này khiến chiếc cầu thang mềm mại, cá tính nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ trong nhà.
Ngay cạnh cầu thang là phòng giải trí của gia đình, nơi có 4 chiếc bàn với chiều cao khác nhau, thỏa mãn cùng lúc sở thích của mỗi thành viên. Quân Hạo thường cùng con trai lớn viết thư pháp, dạy hai con gái nhỏ vẽ tranh.
Phòng ngủ chính được chi làm ba gian. Trong cùng là phòng thiền, nơi Quân Hạo ngồi tĩnh tâm mỗi ngày. Gian giữa là phòng ngủ tương đối riêng tư, có một cửa hình mái vòm thông với phòng của con gái để cha mẹ tiện chăm sóc.
Ở đầu cầu thang bên kia là phòng học kiêm phòng đọc sách của gia đình. Bên cạnh đó là phòng trò chơi, nơi đặt một túp lều nhỏ cho lũ trẻ chơi đùa. Quân Hảo còn dựng một bức tường phủ sơn bảng đen để các con có thể vẽ nguệch ngoạc lên tường mà không lo bẩn.
Kể từ khi chuyển đến đây vào tháng 4/2016, gia đình Quân Hạo đã có một cuộc sống thuần chất thôn dã. Họ không mua đồ xa xỉ, cũng thôi dùng đồ nhựa. Nhờ vườn rau trên sân thượng, hai vợ chồng tiết kiệm được không ít chi phí sinh hoạt, thậm chí còn thừa nông sản phải đem biếu hàng xóm.
Lũ trẻ cũng chẳng còn bị phụ thuộc vào đồ điện tử như hồi còn ở thành phố. Đồ chơi của chúng có thể là bất cứ thứ gì chúng gặp trên đường như một cành cây, vài viên sỏi,... Nhờ đó, trí tưởng tượng của lũ trẻ càng bay xa hơn.
"Nhiều người nghĩ rằng chúng tôi phải giàu lắm mới có thể nghỉ hưu sớm nhờ vào tài sản tích lũy từ những năm trước. Tất nhiên, muốn làm điều này cũng phải có nền tảng kinh tế nhất định", anh chia sẻ.
Trước đây, dù công việc của Quân Hạo ở Bắc Kinh mang lại thu nhập không tệ nhưng anh luôn cảm thấy lạc lõng. Anh đã thử tự mình đạp xe lên Tây Tạng, thậm chí sang châu Phi để về với lối sống nguyên thủy, tìm lại bản thân mình. Mãi đến vài năm gần đây, sống trong ngôi nhà thân thiện với thiên nhiên này, anh mới dần ổn định lại tinh thần.
Tuy nhiên, sống như vậy không có nghĩa là ăn không ngồi rồi. Hai vợ chồng Quân Hạo kiếm thêm tiền từ việc xây dựng nội dung trên mạng xã hội, đồng thời bắt đầu kinh doanh thực phẩm.
"Chúng tôi vẫn đang kinh doanh bằng các kênh khác nhau. Sống ở nông thôn không có nghĩa là tách rời khỏi thế giới", vị cựu giám đốc cho biết.
"Dù vẫn ham làm kinh tế, chúng tôi đặt mục tiêu là theo đuổi sự ổn định về tinh thần. Tránh xa thành phố, sống gần thiên nhiên là món quà tốt nhất chúng tôi muốn đem đến cho các con."
Vợ chồng Quân Hạo hy vọng rằng cuộc sống ở nông thôn sẽ nuôi dưỡng những đứa con của họ thành người tốt, hiểu rõ về bản thân, biết mình thích làm gì.
"Bạn không cần phải có thu nhập cao. Bạn không cần phải kiếm quá nhiều tiền. Chỉ cần được thoải mái làm những gì mình muốn, bạn đã sống một cuộc đời hạnh phúc rồi. Chúng tôi cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống hiện tại."
(Theo Zhihu)