Giám đốc Metub Hà Nội: "Các nhà sáng tạo nội dung nên đi đăng ký bản quyền ngay từ khi còn là ý tưởng"

Tiên Yên | 29-09-2022 - 14:51 PM

(Tổ Quốc) - "Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được quan tâm đúng mức, nhất là doanh nghiệp", ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ bày tỏ.

Cơ hội và thách thức "song hành"

Việt Nam có tốc độ phát triển người dùng Internet hàng đầu thế giới với 72 triệu người tham gia không gian mạng, chiếm tới 75% dân số. Năm 2021, GDP mảng này chiếm 8,2% của quốc gia. Dự báo đến năm 2025, con số này có thể đạt đến 57 tỷ USD doanh thu và tăng gấp 3 lần trong năm 2021. Sự phát triển này bộc lộ rõ nét ở tốc độ phát triển của các MXH khi Facebook đạt hơn 70 triệu người tham gia, 60 triệu người xem YouTube và 40 triệu người xem TikTok.

Nền kinh tế Internet mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị, nằm trong top đầu của thế giới, như các sản phẩm GameFi, game blockchain hay các sản phẩm giải trí như phim hoạt hình, âm nhạc, nội dung giải trí phát hành trên các nền tảng trực tuyến.

Bên cạnh đó, mỗi nhà sáng tạo trên YouTube đều có cơ hội, sẵn sàng xuất bản các nội dung số có thể có hàng triệu người xem. Người tham gia nền tảng Internet có thể trở thành người tiếp thị bán hàng một cách dễ dàng. Các xu hướng này đã làm thay đổi các tư duy kinh tế của các nhà sản xuất cũng như thay đổi mô hình, phương thức kinh doanh, hành vi của người tiêu dùng.

Trong toạ đàm "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số" do Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức vừa qua, các doanh nghiệp nội dung số đã có cơ hội được nói về cả những cơ hội và thách thức trên môi trường số để từ đó kết nối các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và thị trường để có những cơ chế, chính sách dẫn dắt và thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển.

Giám đốc Metub Hà Nội: "Các nhà sáng tạo nội dung nên đi đăng ký bản quyền ngay từ khi còn là ý tưởng" - Ảnh 1.

Ngoài những cơ hội rộng mở, cũng tồn tại nhiều thách thức thực tế trên nền tảng Internet như thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng, rất khó áp dụng cho các nền tảng xuyên biên giới. Có thể lấy ví dụ trong vụ kiện gần đây khi giành "tiếng nói" cho nhân vật hoạt hình Wolfoo, doanh nghiệp Việt Sconnect còn khá nhỏ so với sự cạnh tranh không lành mạnh từ đối thủ mạnh của Anh.

Ông Nguyễn Ngọc Hân, CEO Thủ đô MultiMedia, cũng chia sẻ khó khăn ban đầu: "Là đơn vị đầu tiên nhận kinh doanh lĩnh vực phát thanh truyền hình tại Việt Nam, thời gian đầu, chúng tôi gặp thách thức lớn nhất là các đối thủ thường cạnh tranh về giá, tìm mọi cách dìm giá xuống. Khi chúng ta đưa ra giá thấp hơn, ngay lập tức bị khiếu nại liên quan đến cạnh tranh về giá. Doanh nghiệp chưa đến tầm để bị cạnh tranh về sở hữu trí tuệ nhưng bị kẹt ở ngưỡng nâng giá lên gặp khó, hạ giá xuống cũng gặp khó."

Giám đốc Metub Hà Nội: "Các nhà sáng tạo nội dung nên đi đăng ký bản quyền ngay từ khi còn là ý tưởng" - Ảnh 2.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Quốc Khánh, Giám đốc đào tạo Ant Group, không quên kể về một thách thức hiện tại: "Thực tế, Ant Group sản xuất nội dung về âm nhạc, sau đó một đơn vị khác lấy bản quyền, đăng ký giai điệu bài hát. Vì chúng tôi chưa có giấy tờ pháp lý trên nền tảng YouTube nên bị mất vấn đề bản quyền và không thể sản xuất nội dung về bài hát đó. Công ty đang gửi giấy phép cho YouTube nhưng YouTube yêu cầu phải có đơn vị pháp lý ở Việt Nam chấp nhận vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, lúc đó mới có thể xử lý được toàn bộ vấn đề."

Vậy đâu là giải pháp?

Đề cập đến thực trạng bức xúc trên, các công ty sản xuất nội dung số Việt Nam đã làm ra những sản phẩm tốt, mang doanh thu kiều hối từ nước ngoài về nhưng khi gặp khó khăn khi xuất khẩu ra nước ngoài, hay bị tranh chấp bản quyền, bị cạnh tranh bởi những doanh nghiệp mạnh có tiềm lực ở nước ngoài, lại không biết dựa vào đâu, không biết cơ quan nào có thể đứng ra đồng hành cùng doanh nghiệp.

Nhận định bản quyền vi phạm tại Việt Nam là một bài toán tương đối nhức nhối từ trước đến nay, ông Võ Thanh Hải, CEO Viettel Media, bày tỏ quan điểm: "Các doanh nghiệp, đặc biệt là startup, nguồn lực thực hiện chưa đủ, trong khi kinh phí lớn, nếu không có sự chung tay của cơ quan quản lý sẽ rất khó giải quyết bài toán này. Trang web này đóng, nội dung sẽ được đưa lên trang khác.

Về mặt giải pháp, tôi nghĩ không phải khó. Ngoài việc phát hiện thủ công, chúng ta có giải pháp phát hiện bằng máy rất nhanh. Song, việc chặn domain, website lậu chưa có cơ chế thật chặt chẽ và nhanh chóng, hiệu quả để thực thi được. Nếu chặn được những đối tượng này một cách hiệu quả, môi trường về mặt kinh doanh tại Việt Nam sẽ được cải thiện rất nhiều, giúp cho nền kinh tế nói chung."

Ông Huy Phạm, Giám đốc Văn phòng MeTub tại Hà Nội nêu quan điểm: "Các nhà sáng tạo nội dung nên có ý thức đi đăng ký bản quyền ngay từ khi còn là ý tưởng, thậm chí đăng ký ngay ở quốc tế. Bởi YouTube chỉ từ chối khi chưa đưa ra các bằng chứng xác thực. Nếu nhận được trát của toà án quốc tế thì lúc đó YouTube sẽ gỡ chặn để hai bên giải quyết. Chúng tôi khuyên các bạn đã mất công đầu tư và sản xuất thì nên tới các đơn vị của Việt Nam để đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ."

Để các doanh nghiệp Việt còn non trẻ khi hội nhập vào nền kinh tế Internet, rất cần có vai trò "bệ đỡ' của các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, hội quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là các vướng mắc về pháp lý liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm sáng tạo.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM