“Cú đỡ” cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng
Trao đổi với chúng tôi, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, việc Bộ tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn về việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở là một tín hiệu tốt đối với thị trường BĐS Việt Nam ngay đầu năm 2020, đặc biệt dành cho các đơn vị đầu tư trong lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng.
“Nếu văn bản hướng dẫn này được chính thức triển khai sẽ là cú đỡ, là đòn bẩy rất lớn cho BĐS nghỉ dưỡng, nhất là trong bối cảnh thị trường đang bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19”, ông Khương nhấn mạnh.
Vị chuyên gia Savills phân tích, động thái có văn bản hướng dẫn là hữu ích, còn thực thi là câu chuyện nói sau. Ở thời điểm này, ít nhiều xoa dịu được tâm lý của CĐT lẫn người mua. Ông Khương lấy ví dụ, lâu nay mua bán BĐS chỉ là hợp đồng góp vốn/hợp đồng mua bán, chuyện gì sẽ xảy ra nếu công ty phá sản?. Khi đó, hợp đồng góp vốn/mua bán không có ý nghĩa gì. Ngược lại, khi có sổ đỏ thì đó là tài sản được xác lập quyền sở hữu của cơ quan chức năng nhà nước, quyền lợi của người mua được bảo vệ. Chưa kể, khi người mua cầm sổ đỏ đi vay ngân hàng vào mục đích khác nhau thì sẽ được vay. Đây là câu chuyện liên quan đến thanh khoản của thị trường.
Theo ông Khương, về cơ bản các doanh nghiệp BĐS nghỉ dưỡng hoạt động dựa trên 2 nguồn thu nhâp chính, một là bán biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng, hai là từ các hoạt động dịch vụ giải trí ở hotel, resort trong các dự án này. Trong thời điểm này khi doanh thu của dịch vụ nghỉ dưỡng đang sụt giảm mạnh mẽ do dịch bệnh thì chủ đầu tư sẽ tranh thủ tận dụng lợi thế từ việc người mua được quyền sở hữu sổ đỏ, sổ hồng trên tài sản sở hữu, từ đó kích thích nhu cầu của người mua, bảo toàn được số vốn đầu tư ban đầu.
Đối với các NĐT nhỏ lẻ, đây cũng được coi là một động thái tích cực trong bối cảnh thị trường BĐS tại các TP lớn như Hà Nội và Tp.HCM đang gặp nhiều vướng mắc về pháp lý hay hạn chế về nguồn cung. Họ cũng yên tâm hơn trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách sở hữu 1 loại hình tài sản mới như biệt thự secondhome, condotel hay officetel…
“Giải quyết được khó khăn về pháp lý là chúng ta đang giúp cho doanh nghiệp BĐS rất lớn. Có phản biện cho rằng, doanh nghiệp BĐS “lời ăn lỗ chịu” là không đúng. Họ chính là nguồn lực thu hút nguồn vốn từ dân, làm ra lợi nhuận đóng thuế cho nhà nước. Ngoài ra, ngành BĐS còn liên quan đến 50 ngành nghề khác nhau, ảnh hưởng đến bộ phận nền kinh tế. Chưa tính đến việc nếu khó khăn, đối với những doanh nghiệp BĐS sử dụng đòn bẩy tài chính nguy cơ trở thành “cục máu đông” cho ngân hàng….”, ông Khương cho hay.
Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, rõ ràng trong ngắn hạn, BĐS nghỉ dưỡng sẽ gặp khó khăn bởi phải đối mặt với dịch bệnh Covid-19. Nhưng cũng ngay ở thời điểm này giữa dịch bệnh, chúng ta có động thái cấp sổ đỏ cho loại hình này, nếu kết hợp cả 2 yếu tố này thị trường BĐS vẫn phát triển bình ổn. Nếu trong thời gian tới, khi dịch bệnh toàn cầu hạn chế, việc rà soát các dự án của chúng ta nhanh chóng thì đối với những dự án chưa triển khai thì đây sẽ là cơ hội rất lớn để họ phải làm sao đủ điều kiện mở bán xong, hoàn công xong là có sổ đỏ luôn.
Cần quyết liệt về thủ tục pháp lý để “sau cơn mưa trời lại sáng”
Theo ông Khương, văn bản đã có còn thực thi là câu chuyện cần được đẩy nhanh để thị trường phát triển ổn định. Trong đó, liên quan đến việc rà soát các dự án đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận, theo vị chuyên gia này, cần có động thái tích cực hơn, đừng để doanh nghiệp phải đợi quá lâu. Việc rà soát phụ thuộc vào cơ quan chức năng của từng tỉnh, thành rất cần ý chí quyết liệt. Nếu chúng ta đã đồng ý để cấp sổ cho BĐS nghỉ dưỡng thì cần xúc tiến nhanh.
“Bởi vì, doanh nghiệp càng chờ lâu càng khó khăn cho họ. Hoặc người mua BĐS nghỉ dưỡng muốn bán cũng dễ dàng hơn nếu có sổ”, ông Khương nhấn mạnh.
Theo ông Khương, nút thắt của doanh nghiệp hiện nay là pháp lý. Nếu đã chúng ta đã đồng ý để cấp sổ cho BĐS nghỉ dưỡng thì cần xúc tiến nhanh, quyết liệt
Khi được hỏi, niềm tin nào cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam trong thời gian tới gắn với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, ông Sử Ngọc Khương chỉ ra: Với dịch bệnh Corona thiệt hại là có, nhưng hầu hết các dịch bệnh toàn cầu đều là câu chuyện mang tính ngắn hạn vì khoa học giải quyết được. Tuy nhiên, trong ngắn hạn khi bị tác động thì bù lại, BĐS nghỉ dưỡng có 2 điểm nhấn được xem là niềm tin cho thị trường trong dài hạn.
Thứ nhất, chúng ta đang có động thái cấp sổ đỏ cho loại hình BĐS nghỉ dưỡng. Như tôi nói, động thái này là cú đỡ rất lớn cho thị trường BĐS nghỉ dưỡng trong thời gian tới.
Thứ hai, trong tâm lý của người Việt Nam khi đầu tư BĐS nghỉ dưỡng là câu chuyện dài hơi. 3 năm, 5 năm, thậm chí 10 năm. Do vậy, tôi tin rằng, câu chuyện BĐS nghỉ dưỡng vẫn tốt. Chính trong khó khăn như vậy thì NĐT lâu dài họ sẽ mua vào và để đó. Vì khó khăn nên giá cả sẽ mềm hơn, cơ hội lựa chọn sản phẩm sẽ tốt hơn…
Theo ông Khương, những người mua căn hộ nghỉ dưỡng khác những người mua căn hộ bán. Mua BĐS nghỉ dưỡng với họ ngoài lợi nhuận, đó còn thể hiện phong cách sống (nghỉ ngơi cuối tuần), thường họ là những người có tiền bạc rủng rỉnh, thể hiện thương hiệu cá nhân. Việc bỏ ra 3 tỉ đồng để mua condotel, hàng năm họ thu về 7-8% thực ra so với các kiểu đầu tư khác vẫn khá tốt. Với những đối tượng này, ở thời điểm này đây là cơ hội cho những NĐT có tầm nhìn dài hạn, còn những NĐT lướt sóng thì BĐS nghỉ dưỡng không phải là kênh để họ “nhảy vào, nhảy ra”.
Thực tế thì, nếu bỏ qua dịch bệnh toàn cầu Corona, trong thời gian qua BĐS nghỉ dưỡng làm ăn khá tốt, các NĐT BĐS tham gia nhiều, lượng khách du lịch tăng trưởng nhanh. Việt Nam là quốc gia duy nhất có 2.500km bờ biển, khí hậu ôn hòa, đó là lợi thế rất lớn của BĐS du lịch trong dài hạn.
“Câu chuyện cần tháo gỡ lớn nhất ở thời điểm này cho doanh nghiệp là pháp lý. Nên quyết tâm, tập trung để giải quyết vấn đề này thì thị trường BĐS sẽ tươi sáng trở lại. Câu chuyện pháp lý không còn là gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nữa mà đó là giải quyết vấn đề an sinh xã hội, chỗ ở cho người dân”, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhấn mạnh.