Giải mã tuyệt kỹ “Xuyên tâm cước” của Chưởng môn phái “Võ đả hổ” trứ danh Việt Nam

Tiểu Mã (ghi chép) | 24-03-2020 - 09:14 AM

(Tổ Quốc) - Biết đối thủ ham đòn, võ sư Hồ Văn Lành triển màn trá tẩu, vờ quay lưng thoái lui. Mai Xe Ngựa rượt theo liền dính đòn đá ngược “Xuyên tâm cước” trúng vào chấn thủy rồi bất tỉnh…

Cố đại lão võ sư Hồ Văn Lành (tên khác là Từ Thiện), cố Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà giống như một tượng đài, là người có nhiều đóng góp cho nền võ thuật cổ truyền Việt Nam. 15 năm kể từ ngày mãi rời xa giới võ lâm đồng đạo, những giai thoại về ông vẫn còn đọng lại, trở thành niềm cảm hứng cho những thế hệ tiếp nối.

Chúng tôi xin được khắc họa lại một góc chân dung về cố võ sư Hồ Văn Lành, dựa theo lời kể của con trai ông, võ sư – tiến sĩ Hồ Tường, người đang kế thừa vai trò Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà.

Dùng cái uy quy phục giang hồ và đòn "xuyên tâm cước" vang danh vùng Đông Nam Bộ

Theo võ sư Hồ Tường thì thân phụ của ông – cố Chưởng môn Hồ Văn Lành lúc sinh thời từng đi đấu đài khắp các tỉnh thành phía Nam. Sau nhiều năm trời ròng rã khổ luyện, võ sư Hồ Văn Lành thượng đài lần đầu tiên vào năm 18 tuổi. 

Trong khoảng 2-3 năm đầu đài, ông đấu 7 trận với 7 vị cao thủ, lập chiến tích bất khả chiến bại nhờ vào hai đòn chỏ gối cực kỳ hiểm hóc. Uy danh Hồ Văn Lành vang dội khắp vùng Đông Nam Bộ.

Giải mã tuyệt kỹ “Xuyên tâm cước” của Chưởng môn phái “Võ đả hổ” trứ danh Việt Nam - Ảnh 1.

Chân dung cố đại lão võ sư Hồ Văn Lành - Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà.

Giai đoạn mà Hồ Văn Lành nổi danh nhất trong giới võ lâm miền Nam là kể từ những năm 1950, gắn với địa danh Cầu Muối - Cầu Ông Lãnh, nơi được coi là miền đất dữ tại Sài Gòn. Thời đó, chuyện cướp giật ở Cầu Muối xảy ra như cơm bữa, giới giang hồ nhiều không đếm xuể. Chuyện cai thầu địa bàn tại đây được cai quản bởi Minh Cầu Muối (một tay anh chị đương thời với Đại Cathay – trùm giang hồ tại Sài Gòn thời đó).

Minh Cầu Muối đen đúa, bậm trợn, vốn là dân ngoại thành Hóc Môn, đến lăn lộn ở Cầu Muối lâu dần mà thành tay anh chị. Đặc biệt, Minh Cầu Muối là người rất giỏi về môn Quyền Anh, từng nhiều lần đi thi đấu Quyền Anh cùng võ sư Hồng Cương – cũng là một tay anh chị nổi tiếng ở đất Sài Gòn.

Một bữa nọ, hay tin võ sư Hồ Văn Lành mở võ đường trên địa bàn Cầu Muối mà chưa hề "xin phép", Minh Cầu Muối mới dẫn đám đàn em tới để dằn mặt. 

Buổi xế chiều hôm ấy, võ sư Hồ Văn Lành đang dạy binh khí cho các nghệ sỹ thuộc hai đoàn cải lương Minh Tơ và Huỳnh Long (tại đình Nhơn Hòa hay đình Cầu Muối, số 27 Cô Giang, nay thuộc phường Cầu Ông Lãnh, Q1), bỗng dưng xuất hiện cả chục gã côn đồ do Minh Cầu Muối dẫn đầu. Tên nào tên nấy mặt mũi đều bặm trợn, tay lăm lăm cầm hung khí.

Thế nhưng, khi giáp mặt Hồ Văn Lành, Minh Cầu Muối chợt nhận ra đây chính là người thầy từng dẫn Từ Khánh (tên thật là Đào Văn Bình, còn gọi là Bảy Bình) thượng đài và thủ hòa với Huỳnh Sơn (vốn là một cao thủ võ thuật ở Tân Định, học trò của Huỳnh Tiền). Nể phục sự gan lì của Từ Khánh và tài đức của người thầy Hồ Văn Lành, Minh Cầu Muối chỉ kịp hỏi thăm dăm ba câu rồi cho đám côn đồ rút lui.

Về sau, Minh Cầu Muối thi thoảng cũng lui tới võ đường của võ sư Hồ Văn Lành để tập luyện đánh bao, dượt lại Quyền Anh. Minh Cầu Muối cũng từng chứng kiến những lần võ sư Hồ Văn Lành ra tay trừng trị nhiều tên cướp có máu mặt, kể cả bị chống trả bằng hung khí. 

Dần dần, Minh Cầu Muối tỏ ra thân thiện với võ sư Hồ Văn Lành và còn gọi ông là "Cậu Út", rồi gửi hai người con (một trai một gái) đến tập với võ sư Hồ Văn Lành. Từ đó, không một tên du đãng nào dám động đến võ đường của Hồ Văn Lành nữa.

Cũng chính nhờ vậy, võ sư Hồ Văn Lành đã trụ vững trên vùng đất dữ Câu Muối suốt hơn nửa thế kỷ, từ 1950 cho đến năm 2005 (khi ông qua đời). Cũng vì cái uy của võ sư Hồ Văn Lành mà suốt từ Bình Dương lên Cầu Muối, các môn đệ phái Tân Khánh Bà Trà đi học bao nhiêu năm trời vẫn an bình, không bị một tay anh chị nào kiếm chuyện.

Giải mã tuyệt kỹ “Xuyên tâm cước” của Chưởng môn phái “Võ đả hổ” trứ danh Việt Nam - Ảnh 2.

Võ sư Hồ Văn Lành là tên tuổi lớn, vang danh khắp các tỉnh thành phía Nam.

Theo võ sư Hồ Tường, sinh thời võ sư Hồ Văn Lành từng nhiều lần lên đài tỉ thí nhưng đáng nhớ nhất là lần ông chạm trán Mai Xe Ngựa, một võ sĩ rất nổi tiếng khắp khu vực Đông Nam Bộ (tên là Mai, thường chạy xe ngựa ở khu vực Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, nên được gọi là Mai Xe Ngựa).

Trận đấu với Mai Xe Ngựa diễn ra đầy ác liệt. Hơn hai hiệp đấu trôi qua, hai bên vẫn bất phân thắng bại. Đúng thời điểm cuối hiệp 3 khi thế trận còn ngang tài ngang sức, bỗng võ sư Hồ Văn Lành thi triển màn trá tẩu, vờ quay lưng thoái lui. Mai Xe Ngựa rượt theo liền bị Hồ Văn Lành phóng một đòn đá ngược "Xuyên tâm cước" trúng vào chấn thủy rồi bất tỉnh.

"Đòn Xuyên tâm cước là một trong những đòn sát thủ được thân phụ tôi luyện tập trong nhiều năm. Xuyên tâm cước là giả vờ lui rồi trả đòn, còn có một tên khác là Hồi Mã Cước, theo tích La Thành hay sử dụng quay ngựa vờ lui rồi đâm thương trở lại hạ đối thủ.

Đây cũng chính là đòn thế lợi hại bậc nhất mà thân phụ tôi truyền lại cho các đệ tử ở võ đường Từ Thiện. Nổi tiếng về đòn này về sau có Từ Thanh Phong, Từ Phi Khanh" – võ sư Hồ Tường kể lại.

Ba lần thọ giáo cao thủ Bạch Hạc Quyền và "Tứ tú" làng võ miền Nam

Võ sư Hồ Văn Lành (Từ Thiện) sinh năm Giáp Dần (1914), là con của một đông y sĩ nhãn khoa nổi tiếng dưới thới Pháp nhưng cha mất sớm khi ông mới 7, 8 tuổi. Ông sống với mẹ tại xã Tân Phước Khánh, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một (Bình Dương ngày nay).

Năm 14 tuổi, Hồ Văn Lành bắt đầu học Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà với thầy Bảy Phiên (tên thật Võ Văn Phiên, vốn là dượng của võ sư Hồ Văn Lành). Võ sư Hồ Văn Lành trở thành truyền nhân đời thứ ba của danh sư Hai Ất (Võ Văn Ất) – vị cao thủ từng hạ con cọp ở Bàu Lòng, nay thuộc địa phận của thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương (chính vì thế mà ngày nay nhiều người gọi môn phái Tân Khánh Bà Trà là môn phái "Võ đả hổ").

Giải mã tuyệt kỹ “Xuyên tâm cước” của Chưởng môn phái “Võ đả hổ” trứ danh Việt Nam - Ảnh 3.

Cố đại lão võ sư Hồ Văn Lành từng 3 lần tới xin làm đệ tử của võ sư Huỳnh Bá Phước - một cao thủ phái Bạch Hạc Quyền.

Sau nhiều năm trời rèn luyện công phu và tham gia đấu đài, đến năm 1939 (25 tuổi), ông bắt đầu mở võ đường. Vài năm sau, ông còn thọ giáo, xin nhận làm đệ tử của võ sư, bậc cao thủ phái Bạch Hạc Quyền là Huỳnh Bá Phước (thầy Năm) trên đất Tân Khánh. Nhận thấy thầy Năm có nhiều kỹ thuật độc đáo, võ sư Hồ Văn Lành phải phải đến xin học tới ba lần, giống như Lưu Bị ba lần đến tìm Khổng Minh "tam cố thảo lư" vậy.

Hai lần đầu, thầy Năm đều từ chối và nói rằng: "Nghề võ của tôi không bằng lá mít, còn thầy Út (tức võ sư Hồ Văn Lành, hay Út Lành) đã đấu đài biết bao nhiêu trận, rồi cũng dạy võ, tôi có gì để thầy học nữa đâu". Thế nhưng với quyết tâm và thành tâm của Hồ Văn Lành, cuối cùng thầy Năm cũng nhận lời.

"Chính nhờ thế mà kỹ thuật chiến đấu, kinh nghiệm chiến trường và nhất là số lượng bài bản chuyên môn võ thuật của thân phụ tôi mới nâng lên tới con số 200 bài quyền và bài binh khí để sau này truyền lại cho tôi và các môn đệ ở phái Tân Khánh Bà Trà" – võ sư Hồ Tường khẳng định.

Sau khi chuyển tới khu vực Cầu Muối, võ sư Hồ Văn Lành lấy biệt danh Từ Thiện. Suốt hơn nửa thế kỷ sống và dạy võ tại vùng đất dữ này, bằng tài năng và đức độ, võ sư Từ Thiện đã khiến những tay giang hồ khét tiếng nhất cũng phải nể phục.

Năm 1959, võ sư Từ Thiện chính thức gia nhập Tổng cuộc Quyền thuật, bắt đầu đào tạo võ sĩ thi đấu võ đài, ông còn trao đổi thêm kỹ thuật môn quyền Anh cùng những đồng đạo thân thiết như Lư Hòa Phát, Denis Minh…

Võ đường Từ Thiện do võ sư Hồ Văn Lành sáng lập và trực tiếp giảng dạy trở thành một trong bốn võ đường (cùng với võ đường Trần Xil, Xuân Bình, Lý Huỳnh) đào tạo võ sinh, võ sĩ nhiều nhất miền Nam giai đoạn 1965-1975. 

Võ sư Hồ Văn Lành cùng với ba võ sư Xuân Bình, Trần Xil và Lý Huỳnh được liệt vào hàng "Tứ tú" ((bốn ngôi sao sáng) của làng võ miền Nam, nối tiếp thế hệ của những huyền thoại làng võ cổ truyền Việt Nam gồm "Tam nhật" (Hàn Bái, Ba Cát, Bảy Mùa) và "Tam nguyệt" (Trương Thanh Đăng, Quách Văn Kế, Vũ Bá Oai).

Giải mã tuyệt kỹ “Xuyên tâm cước” của Chưởng môn phái “Võ đả hổ” trứ danh Việt Nam - Ảnh 4.

Võ sư Hồ Văn Lành được liệt vào nhóm "Tứ tú" của làng võ miền Nam.

Sau nhiều thập kỷ dạy võ, cống hiến cho sự nghiệp võ thuật, đến ngày 27/10 âm lịch năm 2005, võ sư Hồ Văn Lành mãi mãi rời xa giới võ lâm đồng đạo để trở về với cát bụi, hưởng thọ 91 tuổi. Một ngôi sao sáng vụt tắt. Làng võ miền Nam mất đi một cây đạo thụ, một nhân cách lớn…

(Bài viết được ghi chép lại qua lời kể của võ sư – tiến sĩ Hồ Tường, Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà).

Giải mã tuyệt kỹ “Xuyên tâm cước” của Chưởng môn phái “Võ đả hổ” trứ danh Việt Nam - Ảnh 5.

Võ sư Hồ Tường là người kế thừa cố võ sư Hồ Văn Lành, đảm nhận vai trò Chưởng môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM