Giải mã thứ bậc xã hội qua trang phục trong Đại Đường Minh Nguyệt

Quang Vũ | 05-03-2021 - 07:47 AM

(Tổ Quốc) - Lấy bối cảnh triều đại thịnh trị bậc nhất Trung Hoa, Đại Đường Minh Nguyệt được khán giả đánh giá cao vì sự tỉ mỉ trong việc tái hiện quá khứ, nhất là trong khâu phục trang.

Đại Đường Minh Nguyệt là bộ phim lấy bối cảnh thời Đường, xoay quanh câu chuyện tình yêu của mỹ nhân có tài may vá Khố Địch Lưu Ly (Cổ Lực Na Trát) và chính nhân quân tử văn võ song toàn Bùi Hành Kiệm (Hứa Ngụy Châu) giữa vòng xoáy tranh đấu nơi cung đình. Ngoài câu chuyện riêng của đôi trai tài gái sắc, bộ phim còn mở ra một góc nhìn thú vị về cuộc sống thời Đường, thông qua sự đầu tư khâu phục trang. Thế nhưng, chi tiết này liệu đã sát với các ghi chép trong quá khứ?

Giải mã thứ bậc xã hội qua trang phục trong Đại Đường Minh Nguyệt - Ảnh 1.

Váy áo càng cầu kỳ, địa vị càng cao quý

Vào thời nhà Đường, Trung Hoa đạt đến đỉnh cao của sự thịnh vượng. Văn hóa cũng theo đó cực kỳ phát triển. Điều này phần nào thể hiện qua lối ăn vận, phục sức đương thời được ghi chép lại qua nhiều bức họa còn được bảo tồn. Bất kể trong chất liệu, kiểu dáng hay hoa văn, trang phục thời Đường đều đạt đến độ hoàn mỹ chưa từng thấy so với các triều đại trước đó.

Giải mã thứ bậc xã hội qua trang phục trong Đại Đường Minh Nguyệt - Ảnh 2.

Phụ nữ thời Đường trong bức họa Nội Nhân Song Lục Đồ của họa sĩ Châu Phưởng, Trung Quốc

Nữ giới thời kỳ này được cho là có tư tưởng khoáng đạt, vượt ra khỏi các tiêu chuẩn khắt khe của Nho giáo. Tiêu chuẩn cái đẹp thời Đường trọng sự nở nang nên trang phục có xu hướng rộng rãi. Kiểu dáng váy áo của phụ nữ trung lưu và quý tộc thời Đường khá thoải mái, không cố gắng che đi mà "tích cực" nhấn nhá các đường nét quyến rũ.

Trong Đại Đường Minh Nguyệt, Khố Địch Lưu Ly và hầu hết phụ nữ trung lưu đều xuất hiện với kiểu trang phục váy dài chạm đất, áo mỏng, khoác hờ khăn lụa trên cánh tay. Tất cả đều được chọn may bằng loại vải lụa satin tơ tằm mềm rũ, có màu sắc tươi tắn, đa dạng. Chi tiết này cũng chính xác so với ghi chép trong lịch sử, phụ nữ thời bấy giờ yêu thích màu sắc rực rỡ, nhất là sắc đỏ lộng lẫy được nhuộm từ hoa lựu.

Giải mã thứ bậc xã hội qua trang phục trong Đại Đường Minh Nguyệt - Ảnh 3.

Đối với các phi tần, chi tiết gần như làm nên "đặc quyền" của trang phục cung đình là các chi tiết thêu. Địa vị người mặc càng tôn quý, váy áo sẽ được thêu càng tỉ mỉ và dày đặc. Có thể thấy trong phim Đại Đường Minh Nguyệt, bộ cát phục mà Võ Mị Nương (Thi Thi) mặc khi tuyển tú chỉ thêu một cành đào cùng vài câu thơ Đào yêu. Thế nhưng, khi cô được phong quý phi, các chi tiết thêu trên váy áo cũng vì thế mà tăng lên gấp bội.

Áo quần nam giới tương đồng về kiểu dáng, hơn nhau ở màu sắc

Trang phục nam giới thời Đường cũng dựa vào địa vị quân - thần, quý - tiện để phân chia. Ngoài phong cách ngoại lai từ khu vực Trung Á du nhập đến Trung Hoa qua con đường tơ lụa, áo quần của đàn ông thời bấy giờ thường thấy nhất là mặc loại vạt áo dài, cổ tròn và tay chẽn, đầu đội khăn đường cân dệt bởi sợi cây ngô đồng hoặc sợi gai, chân đi giày da bít mũi. trắng, đen và nâu là màu sắc dành cho quần áo của dân thường.

Giải mã thứ bậc xã hội qua trang phục trong Đại Đường Minh Nguyệt - Ảnh 4.

Một phần bức họa Hàn Hi Tái Dạ Yến Đồ của danh họa Cố Hoành Trung, mô tả bữa tiệc của giới quan lại thời Đường, Trung Quốc

Trong khi đó, trang phục thiết triều của quan lại là loại áo cổ tròn, ống tay rộng, chủ yếu dựa vào màu sắc để phân biệt phẩm trật. Màu tím dành cho quan viên tam phẩm, màu đỏ của hàm tứ phẩm, ngũ phẩm dùng màu hồng, lục sẫm thuộc về lục phẩm, quan thất phẩm dùng màu lục nhạt, xanh lam là màu của hàm bát phẩm và cửu phẩm. Vàng chính sắc là màu chỉ dành riêng cho hoàng đế.

Giải mã thứ bậc xã hội qua trang phục trong Đại Đường Minh Nguyệt - Ảnh 5.

Trong phim, trang phục của Bùi Hành Kiệm qua từng tập thể hiện rất rõ sự biến đổi về địa vị trong xã hội. Khi còn theo học tại trường Tứ Môn Học, Bùi Hành Kiệm và các bạn đồng môn chủ yếu mặc áo viên lĩnh (cổ tròn) màu trắng. Về sau khi địa vị đã khác, Hành Kiệm bắt đầu chuyển sang mặc màu xanh cốm, rồi đỏ tươi. Đó là quá trình thăng cấp của anh chàng từ một dân thường lên quan tam phẩm.

Giải mã thứ bậc xã hội qua trang phục trong Đại Đường Minh Nguyệt - Ảnh 6.

Từ tất cả các chi tiết trên cho thấy, khâu phục trang của các nhân vật trong phim được tổ đạo cụ nghiên cứu rất cẩn thận. Nhờ thế, ngoài chuyện tình bi thương nhưng ngọt ngào của Bùi Hành Kiệm và Khố Địch Lưu Ly, khán giả còn có cơ hội được chiêm ngưỡng một góc tái hiện thành công về triều đại thịnh thế nhất Trung Quốc này.

Bộ phim Đại Đường Minh Nguyệt (tên gốc: Phong Khởi Nghê Thường) được phát sóng sớm tại Việt Nam trên mục Phim truyện và ứng dụng Foxy của Truyền hình FPT, song song với Trung Quốc. Bộ phim gồm 40 tập, lên sóng hằng ngày với lựa chọn thuyết minh và phụ đề.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Khám phá "Thế giới trang sức" lộng lẫy của Lộc Phúc tại triển lãm Jewelry Fair 2024

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Triển lãm Jewelry Fair 2024 với chủ đề "Tôn vinh phụ nữ - Tỏa sáng vẻ đẹp vượt thời gian" đã chính thức khép lại vào ngày 07/11/2024 tại Aeon Mall Tân Phú. Sự kiện do Lộc Phúc Fine Jewelry phối hợp cùng các đối tác uy tín tổ chức đã thực sự mang đến một không gian trang sức đầy màu sắc,