Trong khi người Việt thường chọn gà luộc hoặc canh măng dâng cúng trong mâm lễ của Tết Thanh Minh, người Trung Quốc lại có truyền thống ăn bánh nếp ngải cứu. Ngải cứu là một nguyên liệu phổ biến trong ẩm thực Trung Quốc, được ưa chuộng bởi những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.
Theo Medicalnewstoday và Verywellhealth, ngải cứu được sử dụng để giảm căng thẳng, tăng cường năng lượng, điều hoà kinh nguyệt, thúc đẩy tuần hoàn máu và giảm đau cơ bắp. Người Trung Quốc còn tin rằng ngải cứu cũng có tác dụng làm ấm bụng và xua đuổi khí lạnh. Vì vậy, bánh nếp ngải cứu là món ăn truyền thống được ưa chuộng trong ngày lễ tảo mộ của Tết Thanh Minh.
Bánh nếp lá ngải - Hương vị của mùa xuân
Bánh nếp lá ngải, còn gọi là Qingtuan, là món ăn nhẹ truyền thống của người dân nhiều vùng ở Trung Quốc. Chẳng hạn, người dân Tô Châu, lấy nước ép từ lá ngải trộn cùng bột mì và bột gạo nếp nhào thành lớp vỏ xanh. Phần nhân thường là đậu xanh cà nhuyễn. Bánh nếp lá ngải màu xanh ngọc bích, mùi thơm thoang thoảng, đó chính là hương vị mùa xuân.
Người dân Ninh Ba lại thích ăn loại bánh mochi xanh, thành phần chính được làm từ gạo nếp và ngải cứu. Gạo nếp được phủ một lớp bột ngải xanh, cắt nhỏ và hấp chín. Khi ăn thường chấm với đường trắng hoặc đường nâu. Trong tiếng địa phương Ninh Ba, mochi đồng âm với nghĩa sự an toàn, nên thường được dùng làm lễ vật dâng cúng trong ngày tảo mộ.
Bánh nếp lá ngải cũng có vị ngọt và mặn. Nếu bạn thích ăn ngọt thì dùng nhân đậu đỏ, vị mặn có thể thêm củ cải bào sợi, dưa chua, thịt bằm.
Tùy mỗi vùng miền, người dân lại thêm các nguyên liệu khác nhau để món bánh nếp lá ngải có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe tốt hơn. Do ở Quảng Đông độ ẩm thường cao, người Hakka dùng bánh nếp lá ngải để tiếp thêm năng lượng, làm ấm người.
Ngải cứu lấy nước cốt trộn với bột gạo nếp. Sau đó thêm lạc, vừng, đường nâu và các loại nhân khác vào. Ấn dẹt xuống và cho vào xửng hấp chín. So với bánh nếp lá ngải Qingtuan thì có màu xanh nhạt hơn nhưng vị ngải lại đậm hơn.
Ở Giang Tây, món ăn được dùng nhiều trong Tết Thanh Minh cũng là bánh lá ngải. Tuy nhiên, không phải dáng bánh tròn như viên ngọc xanh mà bánh ngải ở nơi này có dáng như bánh gối của ta. Bánh Qingming của Giang Tây có hai loại nhân mặn và ngọt. Người Giang Tây thích dùng dưa cải, măng mùa xuân, đậu phụ khô, lạp xưởng để làm nhân, đặc biệt là rau củ ngâm chua thái hạt lựu.
Bánh Aiba của người dân Quảng Tây vào dịp Tết Thanh Minh được làm từ lá ngải cắt nhỏ, rồi trộn với bột nếp để làm nhân. Bánh nếp lá ngải cũng có hai loại nhân ngọt và mặn. Nhân phổ biến là vừng lạc và đường.
Bánh nếp lá ngải Aiba thường được bọc bằng lá chuối hoặc lá dong. Sau khi nước sôi, cho vào hấp chín trên lửa lớn.
Người Phúc Kiến thường ăn bánh trôi xanh gọi là "pinbo hueh", còn gọi là bánh dứa. Loại bánh này không dùng lá ngải mà dùng cỏ dứa, giống với rau khúc ở ta. Dùng nước cốt cỏ dứa thêm vào bột gạo nếp, nhào thành viên tròn. Nhân có thể là đậu hoặc củ cải bào sợi, nhân táo đỏ. Hấp chín thành phẩm có màu xanh nhạt, hương vị đa dạng. Cỏ dứa (rau khúc) có độ dẻo cao nên bánh mềm, hương vị thơm ngon.
Haozi Baba là món ăn nhẹ trong Tết Thanh Minh của người An Huy. Chúng thường được làm từ nước ép rau ngải, bột gạo và thịt xông khói (lạp xưởng). Trộn lẫn vào nhau, thành những chiếc bánh dẹt và tròn. Chúng được hấp hoặc chiên theo sở thích và có mùi vị thơm ngon.
Người Việt có ăn bánh ngải vào dịp Tết Thanh Minh không?
Mặc dù vào dịp Thanh Minh, người Việt ta thường không ăn bánh nếp lá ngải. Tuy nhiên, đồng bào người Tày ở Lạng Sơn đã chế biến từ xưa. Người Tày, Lạng Sơn thường làm bánh ngải vào ngày Tết truyền thống. Bánh ngải Lạng Sơn được làm từ gạo nếp nương dẻo thơm và rau ngải, nhân vừng đen và đường, có thêm cả lạc và đậu xanh cho thêm đậm đà.
Ngày nay, không cứ vào ngày Tết, bánh ngải Lạng Sơn vẫn được làm để bày bán với những ai có nhu cầu.