pH của nước là một khái niệm rất được nhiều nhóm “thần y mạng” sử dụng gần đây. Họ dùng khái niệm này để phân loại “nước kiềm” (pH cao hơn 7) và “nước acid” (thấp hơn 7), rồi gán cho “nước kiềm” các khả năng làm sạch cơ thể để phòng và chữa bệnh nghe như thần thoại. Qua đó, họ gạ bán các thiết bị tạo ra nước kiềm với giá cao ngất trời mây.
Đáng buồn cho đội quân này là còn có… các nhà khoa học!
pH là gì?
Nước ở dạng tinh khiết nhất có độ pH bằng 7, nằm chính giữa thang đo pH từ 0 – 14. Độ pH của nước thay đổi tuỳ thuộc vào thành phần có trong nó (chủ yếu là các hạt ion hydro H ). Hầu hết nước mà chúng ta đang sử dụng có độ pH trong khoảng 6,5 đến 8,5.
Độ pH của nước có thể thay đổi tùy thuộc vào các thành phần có trong nước. Nguồn: Thông điệp bảo vệ nguồn nước.
Trong hóa học, pH của một dung dịch là chỉ số biểu thị nồng độ ion hydro (H ). Độ pH thấp khi có nhiều ion hydro, và ngược lại, độ pH cao khi dung dịch chứa ít ion hydro.
Nói một cách dễ hiểu, thang đo pH có giới hạn từ 1 đến 14 được dùng để đo lường tính axit hoặc tính kiềm của dung dịch. Dung dịch có độ pH = 7 là nước cất (trung tính). Dung dịch có độ pH < 7 là axit, pH > 7 là kiềm (hay còn gọi là bazơ).
Ví dụ, giấm có tính axit mạnh với độ pH khoảng bằng 2. Ngược lại, chất tẩy rửa có tính kiềm cao với độ pH khoảng 13,5.
Điều quan trọng, thang đo này chỉ áp dụng cho những dung dịch có gốc nước.
Độ pH ảnh hưởng đến nước như thế nào?
pH là một tính chất quan trọng của dung dịch. Độ pH có thể làm cho một số chất có trong dung dịch như chất khoáng và kim loại được hấp thu vào cơ thể nhiều hay ít. Kim loại nặng chứa trong nước có độ pH thấp có thể độc hại hơn, vì chúng được hấp thu nhiều hơn. Độ pH cao sẽ làm cho kim loại nặng ít được hấp thu, và do đó ít độc hơn.
Độ pH cũng có thể là dấu hiệu của nước bị nhiễm vi khuẩn hoặc các chất ô nhiễm khác. Tóm lại, nước có độ pH rất cao hoặc rất thấp có thể không sử dụng được trong một số trường hợp.
Ví dụ, nước cứng là thuật ngữ chung để chỉ nước có nhiều khoáng chất. Các khoáng chất này làm cho nước có tính kiềm rất cao. Khi nước đi qua các đường ống và máy móc, chẳng hạn như máy rửa bát hoặc vòi hoa sen, các khoáng chất này dính lại với nhau và dính vào đường ống, dẫn đến tích tụ khoáng chất. Sự tích tụ này có thể gây ra nhiều vấn đề đối với nước sinh hoạt trong gia đình. Chẳng hạn như làm cho các chất tẩy rửa và xà phòng kém hiệu quả hơn hoặc làm giảm áp lực nước, thậm chí gây tắc nghẽn dòng chảy.
Mặt khác, nước có độ pH thấp có thể ăn mòn các đường ống kim loại. Sự ăn mòn này làm nước bị nhiễm các ion kim loại từ đường ống nước, gây hại cho người dùng khi uống hoặc sinh hoạt hằng ngày.
Thông thường, nước dùng để uống và sinh hoạt có độ pH trung bình (khoảng bằng 7). Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) khuyến cáo nên uống nước có độ pH trong khoảng 6,5 - 8,5.
Giải mã huyền thoại "nước kiềm chữa hết bệnh nan y"
Nước và các đồ uống có độ pH khác nhau ảnh hưởng khác nhau đến sức khoẻ.
Nước có độ pH kiềm và các sản phẩm có tính kiềm ngày càng phổ biến và trở thành một xu hướng mới trong những năm gần đây. Những người ủng hộ đồ uống có tính kiềm cho rằng môi trường axit trong cơ thể gây ra một số bệnh mãn tính nhưng sẽ được chữa khỏi trong môi trường kiềm. Do đó, nhiều người tin rằng uống nước kiềm sẽ làm cơ thể tự kiềm hoá, giúp điều trị một số bệnh, trong đó có ung thư.
Tuy nhiên, có rất ít bằng chứng để chứng minh hiệu quả của quan niệm này. Mặc dù uống nước kiềm có thể tạm thời ảnh hưởng đến độ pH của miệng hoặc nước tiểu, nhưng không có bằng chứng khoa học nào cho thấy uống nước kiềm sẽ làm thay đổi pH của cơ thể.
Độ pH trong cơ thể được điều chỉnh một cách nghiêm ngặt. Những thay đổi về pH trong cơ thể như pH máu đồng nghĩa với sự xuất hiện một số vấn đề nghiêm trọng ở các cơ quan và mô. Vì vậy, nếu thay đổi độ pH của cơ thể bằng cách sử dụng thức ăn và đồ uống sẽ rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, nước kiềm vẫn có thể có ích đối với một số người trong một số trường hợp nhất định. Nước kiềm chứa nhiều khoáng chất và điện giải giúp cân bằng các chất này sau khi tập thể dục hoặc khi bị ốm, qua đó ngăn ngừa tình trạng mất nước.
Ngoài ra, một nghiên cứu đã gợi ý rằng uống nước có độ pH = 8,8 có thể mang lại lợi ích cho những người bị trào ngược dạ dày thực quản. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng nước có tính kiềm dường như vô hiệu hóa vĩnh viễn một loại enzyme gây ra triệu chứng ợ nóng , qua đó làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Kết quả từ một số nghiên cứu cũng cho thấy rằng những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) (triệu chứng thường gặp là tiêu chảy) sau khi uống nước có độ pH từ 8,5 đến 10 có điểm chất lượng cuộc sống cao hơn những người khác.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nghiên cứu nhỏ và cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để đưa ra nhiều bằng chứng hơn. Vì vậy, uống nước kiềm chưa được khuyến cáo đề điều trị bất kỳ bệnh nào.
Cách kiểm tra độ pH
Các phòng thí nghiệm thường sử dụng máy pH điện tử để đo pH một cách chính xác. Tuy nhiên, có thể ước tính sơ bộ pH bằng cách sử dụng giấy quỳ tím.
Quỳ tím là một loại giấy rất nhạy với pH, nó sẽ hiển thị các màu khác nhau khi tiếp xúc với những dung dịch có độ pH khác nhau. Tuy nhiên, đây chỉ là ước tính sơ bộ và độ pH thực tế có thể khác với độ pH trên giấy quỳ.
Độ pH sẽ thay đổi tùy thuộc vào thành phần có trong dung dịch. Thậm chí, 2 loại nước giống nhau có thể có độ pH khác nhau. Dưới đây là chỉ số pH của một số loại dung dịch.
Đồ uống và độ pH của chúng
Độ pH của nước uống hoặc nước dùng trong sinh hoạt đóng vai trò rất quan trọng. Nước quá kiềm hoặc quá axit có thể làm hỏng đường ống và các thiết bị gia dụng. Thậm chí, uống những loại nước này cũng không tốt cho sức khỏe.
pH của nước tự nhiên dao động trong khoảng 6,5 đến 8,5 và đây là chỉ số bình thường. Uống nước có độ pH nằm ngoài ngưỡng này có thể không an toàn.
Nước kiềm với độ pH > 8,5 có thể có lợi cho người mắc các bệnh về đường tiêu hóa, chẳng hạn như hội chứng ruột kích thích nhưng chứng cứ vẫn còn chưa thuyết phục. Cần có các nghiên cứu lớn hơn, tốt hơn để chứng minh lợi ích của nước kiềm trước khi khuyến cáo rộng rãi.
(Nguồn MedicalNewsToday)