(Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim. Bạn lưu ý trước khi đọc.)
Tenet được xem là tác phẩm phức tạp nhất của Christopher Nolan khi khai thác chủ đề nghịch đảo thời gian mới lạ tại Hollywood. Không những thế, vị đạo diễn người Anh còn “quen tay” cài cắm thêm hàng loạt bí ẩn và nút thắt cốt truyện khiến nhiều khán giả không biết đường nào mà lần.
1. Nghịch đảo thời gian là gì?
Trong Tenet, công nghệ tương lai hàng trăm năm sau cho phép con người đảo ngược entropy. Đây là đơn vị dùng để đo mức độ hỗn loạn của một hệ hay vũ trụ. Nói đơn giản, entropy lý giải lý do vì sao con người già và chết đi chứ không thể trẻ lại, những mảnh vỡ không thể tự ghép thành chiếc bình hoàn chỉnh. Đồng thời, chúng ta cũng không thể du hành thời gian về quá khứ.
Tuy nhiên, với công nghệ mới này, viên đạn sẽ bay ngược vào nòng súng khi bóp cò, đồ vật hay con người có thể đi ngược dòng thời gian, kết quả sẽ tới trước nguyên nhân. Dĩ nhiên, những ai trong trạng thái nghịch đảo phải có hệ thống thở riêng khi oxy thông thường không thể đi vào phổi, và họ cũng không thể gặp bản thể bình thường của mình bởi nguyên tử nghịch đảo va chạm với nguyên tử xuôi dòng thời gian sẽ dẫn đến diệt vong.
2. Khái niệm về thuật toán?
Thuật toán do một nữ khoa học gia trong tương lai sáng tạo ra có thể đảo ngược entropy. Tuy nhiên, cô lo sợ rằng nó sẽ phá hủy thế giới nên chia làm chín đoạn gửi về quá khứ để che giấu trước khi tự sát. Chín đoạn mã được chín quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân cất giấu trong những căn hầm an toàn nhất thế giới.
3. Kế hoạch của Sator là gì?
Tay tài phiệt người Nga Andrei Sator (Kenneth Branagh) được một tổ chức bí ẩn ở tương lai liên hệ thông qua vụ nổ hạt nhân tại thành phố quê nhà. Theo đó, gã được giao nhiệm vụ tập hợp đủ chín đoạn của Thuật toán qua đó hủy diệt thế giới. Vì sắp chết vì ung thư tuyến tụy, gã dự định sẽ kéo theo toàn bộ nhân loại.
Sator quay lại thời điểm chuyến du lịch với Kat (Elizabeth Debicki) ở Việt Nam khi cả hai đang hạnh phúc nhất và dự định sẽ chết một cách thanh thản tại đây. Gã chôn Thuật toán cùng một quả bom ở thành phố quê nhà và tạo ra một thiết bị kích nổ khi tim mình ngừng đập.
4. Vì sao người ở tương lai muốn tiêu diệt chúng ta?
Ở tương lai, môi trường bị tàn phá đến mức không thể phục hồi. Họ cho rằng chúng ta, những kẻ sống trong quá khứ, buộc phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, việc đảo ngược entropy có thể ngăn cản biến đổi khí hậu. Không còn cách nào khác để sinh tồn, họ đành đánh liều tiêu diệt chính tổ tiên của mình bất chấp việc có thể tạo ra Nghịch lý Ông nội.
5. Sator và người ở tương lai liên hệ ra sao?
Sator và người ở tương lai liên lạc với nhau thông qua Dead Drop (Hộp thư chết). Đây phải là một địa điểm bí mật mà không bị người khác khám phá ra trong suốt hàng trăm năm. Qua đó, mọi thông tin của gã sẽ được bảo quản và rơi vào tay đúng người trong tương lai. Ở chiều ngược lại, người tương lai chỉ đơn giản là dùng vật chất nghịch đảo để liên lạc với Sator.
Đây cũng là cách là nhân vật chính (David John Washington) cứu Kat (Elizabeth Debicki) ở cuối phim khi đưa cho cô chiếc điện thoại và dặn là sử dụng mỗi khi thấy khả nghi. Qua đó, thông tin trong điện thoại sẽ được lưu giữ và đến tay nhân vật chính trong tương lai. Lúc này, anh chỉ việc đi ngược thời gian đến đúng địa điểm để cứu Kat.
6. Chiến thuật “đánh gọng kìm thời gian” là gì?
Nhờ sở hữu công nghệ nghịch đảo, Sator và cuối phim là Ives (Aaron Taylor-Johnson) có thể dùng chiến thuật “đánh gọng kìm thời gian” với đội hình chia làm đôi, một nửa tấn công thuận dòng, số còn lại ngược dòng thời gian với thông tin do cả hai ghép lại. Chiến thuật này nhằm chắc chắn chiến thắng trong tầm tay khi mọi thứ thực tế “đã xảy ra”.
7. Con người nghịch đảo thời gian bằng cách nào?
Nhờ công nghệ tương lai, Sator có thể tạo ra những “cửa thời gian” để đi vào trạng thái nghịch đảo. Một cánh cửa xuất hiện tại cảng tự do ở Oslo khi Nhân vật chính và Neil tìm cách đánh cắp bức tranh mà Sator dùng để khống chế Kat. Lúc đó, hai nhân vật đeo mặt nạ bí ẩn xuất hiện tấn công họ mà sau này Priya (Dimple Kapadia) giải thích rằng chỉ là một người đi qua “cửa thời gian”.
8. Vì sao vết thương của Kat không lành?
Sau khi tấn công đoàn xe hộ tống, Nhân vật chính và Neil bị Sator trong trạng thái nghịch đảo ép phải đưa đoạn mã của Thuật toán bằng cách đe dọa tính mạng Kat. Gã sau đó bắn chính vợ mình bằng viên đạn nghịch đảo. Vì ở trong trạng thái nghịch đảo, vết thương của cô sẽ ngày càng nghiêm trọng thay vì lành lại theo lẽ thường.
Do đó, cả nhóm buộc phải đến một “cửa thời gian” khác tại Oslo mà họ khám phá ra trước đó. Bằng cách đi qua đây, họ sẽ trở về trạng thái thuận dòng thời gian bình thường. Cả nhóm buộc phải đi ngược dòng thời gian để lợi dụng sự kiện đâm máy bay mà họ tạo ra trước đó. Trong lúc đi qua “cửa thời gian”, Nhân vật chính trở thành kẻ đeo mặt nạ bí ẩn mà anh cùng Neil đối đầu trước đó.
9. Thân phận thật của Neil là gì?
Trong căn hầm chứa Thuật toán, Nhân vật chính và Ives gặp phải một cánh cổng bị khóa. Ở phía bên kia, họ nhìn thấy xác của một người lính đeo mặt nạ. Tên tay sai của Sator định bắn Nhân vật chính, nhưng người đàn ông đeo mặt nạ bỗng sống dậy, đỡ lấy viên đạn và mở khóa cánh cổng để họ chạy qua. Sau đó, anh ta đi ngược về phía đường hầm.
Cảnh phim sau đó hé lộ sợi dây đỏ trên ba lô của xác chết chính là của Neil. Anh chính là người sau đó quay lại căn hầm trong trạng thái nghịch đảo để mở cửa rồi hy sinh thân mình cứu đồng đội. Ngoài ra, Neil cũng tiết lộ rằng chính Nhân vật chính là người tuyển mộ anh trong tương lai. Neil cũng là người cứu Nhân vật chính bằng đạn nghịch đảo trong cuộc đột kích tại Kiev đầu phim.
10. Nhân vật chính là người đứng sau tất cả?
Cuối phim, sau khi cứu Kat, Nhân vật chính mới tiết lộ với Priyah rằng anh là người đứng sau tất cả và lập nên tổ chức Tenet. Cả Priyah lẫn Neil đều làm việc cho anh. Đồng thời, hành động của Neil ở đầu phim chính là một trận “đánh gọng kìm thời gian” do chính Nhân vật chính vạch ra để chắc chắn rằng Sator không thể thành công.
Tenet hiện đang chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Nguồn ảnh: Tổng hợp