Làm mẹ là một hành trình dài thiêng liêng và đầy hạnh phúc. Từng ngày con lớn lên trong bụng là khoảnh khắc kỳ diệu mà mẹ tò mò không biết con yêu đã phát triển tới đâu, có khoẻ mạnh hay không?... Trên thực tế, các bào thai đều trải qua quá trình thay đổi mỗi ngày nhưng mẹ khó mà nhận ra điều đó.
Mẹ có bao giờ thắc mắc 5 giác quan của bé phát triển như thế nào trong thai kỳ? Cụ thể thị giác, khứu giác, thính giác, xúc giác và vị giác của thai nhi sẽ hình thành vào tuần thứ bao nhiêu và mẹ cần làm điều gì để con có được sự phát triển tốt nhất? Mẹ hãy cùng tham khảo một số thông tin sau nhé.
Xúc giác
Giác quan này sẽ bắt đầu hình thành vào tuần thứ 8 của thai kỳ. Mẹ sẽ cảm thấy thật kỳ diệu nếu được chứng kiến thai nhi tự sờ vào mặt, mũi, thậm chí là mút ngón tay. Lúc này, con đã có thể cảm nhận được các bộ phận trên cơ thể và quan sát cách cơ thể mình chuyển động trong bụng mẹ.
Khi mẹ đi siêu âm có nhận thấy rằng em bé lúc nào cũng chuyển động không, tay con sẽ cử động khắp mọi nơi, lúc thì thấy con đặt trên má, lúc lại thấy con giơ tay lên như muốn vẫy chào mẹ. Thực chất, trong môi trường bào thai đầy chất lỏng của túi nước ôi, con sẽ sử dụng xúc giác để khám phá và tìm tòi mọi thứ trong không gian đầy mới mẻ này.
Không biết có mẹ nào hay thử cảm nhận của con bằng cách chạm nhẹ vào bụng bầu không? Có những em bé sẽ đáp lại ngay bằng một cú đạp hoặc huých thật mạnh. Nhiều mẹ hay đùa rằng, có thể con đang trò chuyện lại với họ. Tuy nhiên, đây chính là phản ứng cho thấy bé đang phát triển xúc giác một cách mạnh mẽ.
Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng các hoạt động của mẹ trong ngày ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi. Khi mẹ đột ngột đứng dậy, uống một hụm nước lạnh, hay cười khanh khách thì con cũng có thể cảm nhận được và đáp trả bằng những cú đạp nhẹ đó.
Mẹ cần làm gì trong giai đoạn này: Mẹ hãy trang bị cho mình một sức khỏe thật tốt, thường xuyên vận động nhẹ nhàng, hạn chế ngồi im một chỗ quá lâu gây tê mỏi cơ thể.
Khứu giác
Sau xúc giác, khứu giác của bé được hình thành và phát triển vào khoảng tuần thứ 11. Theo nghiên cứu, hệ thống mũi bao gồm ít nhất bốn hệ thống phụ, và nước ối xung quanh bào thai có thể tràn qua khoang miệng và mũi của bé làm cho bé ngửi được những mùi vị có trong nước ối.
Mẹ bầu nên làm gì: Các mẹ có thể cảm thấy cơ thể nhạy cảm hơn với những mùi lạ, thậm chí với các mùi đã từng thích cũng có thể khiến mẹ cảm thấy khó chịu. Tốt nhất, mẹ bầu nên tiếp xúc với các mùi khiến mẹ cảm thấy dễ chịu, không gây kích ứng.
Vị giác
Từ tuần 13 đến 15 là lúc giác quan này của bé phát triển. Thực tế cho thấy dù con mới chỉ là một bào thai nhỏ xíu nhưng vị giác của bé đã hoàn thiện y như người trưởng thành. Bé có thể ngửi được mùi thức ăn có vị nồng như hành, tỏi từ thực phẩm mẹ nạp vào cơ thể.
Đừng nghĩ vị giác của thai nhi trong giai đoạn này không quan trọng nhé, thực chất là có liên quan mật thiết đến chế độ ăn của mẹ bầu đấy. Nhiều mẹ chia sẻ bản thân không thích ăn món gì trong thời kỳ bầu bí thì con sinh ra cũng có xu hướng như vậy. Thế nên, mẹ càng ăn đa dạng thực phẩm thì sau này khi bé lớn lên sẽ càng dễ dàng chấp nhận hương vị của các món ăn hơn những em bé khác.
Mẹ bầu nên làm gì trong thời kỳ này: Với các lý do trên, các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên mẹ bầu cố gắng ăn uống đầy đủ chất trong thai kỳ, để thai nhi được trải nghiệm và tiếp xúc với các mùi vị khác nhau. Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm dồi dào cũng giúp bé phát triển và nhận nhiều dinh dưỡng hơn từ mẹ.
Thính giác
Từ khoảng tuần thứ 18, giác quan này của con bắt đầu hình thành, và nó phải mất đến 6 tuần trong bụng mẹ để hoàn thiện. Trong thời gian này, xương tai trong và đầu mút thần kinh não đã phát triển đầy đủ để bé có thể nghe thấy mọi âm thanh như tiếng tim mẹ đập nhịp nhàng hay tiếng máu chảy đều đặn qua cuống rốn.
Vào tuần thứ 26, thai nhi có thể đáp lại âm thanh và rung động từ bụng mẹ. Từ 30-32 tuần, bé nghe được tiếng nói hoặc âm nhạc, thậm chí mẹ cũng có thể thấy con giật mình vì tiếng động bất ngờ.
Mẹ có thể không tin nhưng lúc này thai nhi còn quen với nhịp tim của mẹ, sự trao đổi máu qua các mạch máu, tiếng ầm ĩ của dạ dày, âm thanh được lọc qua các mô, xương và nước ối. Trong giai đoạn này, bé có thể ghi nhớ giai điệu thân quen của một bản nhạc hay âm thanh nào đó. Dĩ nhiên bé sẽ không thể hiểu hết nhưng sau khi ra đời, con có khuynh hướng thích thú và cảm thấy thân quen với âm điệu đó hơn.
Mẹ nên làm gì trong giai đoạn này: Thai giáo là một cách để mẹ giúp con phát triển ngay từ trong bụng. Âm nhạc và giọng nói của mẹ hay bố có thể tác động sâu sắc đến bé. Mẹ có thể cho con nghe nhạc theo sở thích của bản thân, mỗi ngày nghe một chút với âm lượng vừa phải sẽ khiến bé cảm thấy dễ chịu hơn nhiều.
Thị giác
Đây là giác quan phát triển muộn nhất, bắt đầu từ tuần thai thứ 26. Khi mẹ đi siêu âm ở những tuần thai trước có thể dễ dàng nhận thấy mắt con luôn nhắm chặt. Lý do là bởi bé đang chờ để võng mạc phát triển đầy đủ. Sau giai đoạn này, mắt bé mới mở ra và thậm chí còn bắt đầu biết chớp mắt! Lúc mới sinh, bé có thể nhìn tốt trong phạm vi từ 20-30 cm.
Thực tế, thai nhi trong giai đoạn này không nhìn thấy nhiều. Đến khoảng 25 tuần, thai nhi có biểu hiện phản ứng trước ánh sáng. Mắt của con có nhiều chuyển động và khu vực não bộ chi phối khả năng nhìn cũng không ngừng phát triển.
Với các bé sinh non, việc ra đời quá sớm khiến não bộ không kịp chuẩn bị cho các tín hiệu từ mắt truyền vào các thuỳ trán của não. Do đó, các con phải nhìn quá sớm. Nhiều nhà khoa học lý giải điều này dẫn đến sự sai lệch trong bước phát triển của não, làm giảm khả năng chú ý của các bé trong tương lai.
Vậy là các mẹ đã biết các giác quan của con yêu phát triển qua từng tuần như thế nào rồi phải không. Thai nhi trong bụng mẹ phát triển từng ngày qua ngoại hình, các giác quan và rất nhiều điều kỳ diệu khác. Sau 9 tháng 10 ngày, thiên thần đáng yêu, khỏe mạnh sẽ ra đời. Giai đoạn mang thai rất quan trọng nên mẹ hãy chú ý giữ gìn sức khoẻ, đọc nhiều sách để có thêm kiến thức trang bị cho hành trình làm mẹ nhé.