Vì lý do công việc, Bích Phương và chồng vốn đang sống tại Hà Nội quyết định chuyển vào TP.HCM. Bên cạnh việc thuê nhà sao cho hợp lý, thì câu chuyện bữa cơm hàng ngày như nào cũng là vấn đề giúp cặp vợ chồng trẻ tiết kiệm một khoản tiền mỗi tháng.
Tự nấu cơm nhà vì… không quen ăn đồ miền Nam
Vốn là người Hà Nội nên khi chuyển vào TP.HCM, hai vợ chồng Phương có phần không hợp khẩu vị đồ ăn. Phương chia sẻ: “Đồ ăn ở Sài Gòn rất đa dạng và phong phú. Nếu như mình đến đây đi du lịch vài ngày thì mình sẽ thử các món ăn và thấy ngon. Nhưng khi phải ăn hàng ngày thì mình nhận thấy rằng đồ ăn ở đây có phần hơi ngọt so với khẩu vị của mình.”
Ở TP.HCM các hàng ăn ở khắp mọi nơi và mọi khung giờ, kể ra 12h đêm bước ra ngoài đường vẫn có rất nhiều hàng ăn đêm mở. Mức giá đồ ăn cũng vô cùng đa dạng, nếu như ăn những món như cơm tấm, cơm gà hay hủ tiếu thì chỉ 30-35k là cũng đã ngon và đủ no.
Khi mới chuyển vào TP.HCM sống, Phương và chồng cũng thử ra ngoài ăn thay vì nấu cơm, một phần vì căn nhà thuê khi đó cũng không tiện nấu nướng. Sau khoảng 1 tháng, cả hai vợ chồng cảm thấy có phần hơi “khủng hoảng” vì đồ ăn không hợp khẩu vị và mỗi lần nghĩ ăn ở quán nào cũng thấy mất nhiều thời gian.
Đồ ăn bình dân ở TP.HCM có giá rẻ nhưng lại hơi thiếu rau xanh. Ví dụ như suất cơm gà và cơm tấm này có giá dao động khoảng 45.000 - 55.000VNĐ.
Vì thế, hai vợ chồng Phương đã quyết định chuyển sang thuê một căn nhà khác có khu vực bếp thuận tiện cho việc nấu nướng. Và Phương cũng chọn việc nấu ăn mỗi ngày.
Mỗi tháng tiết kiệm vài triệu đồng mà lại đảm bảo ngon và đầy đủ dinh dưỡng
Phương cho biết, chi phí để nấu một bữa cơm tối cho 2 vợ chồng sẽ rơi vào khoảng 60.000 - 80.000 VNĐ tùy vào nguyên liệu. Tất nhiên nếu đi ăn ở ngoài thì vẫn có thể ăn những món bình dân với giá chỉ 40.000 - 55.000 VNĐ như cơm tấm, cơm gà, hủ tíu… Nhưng những món ăn này thì sẽ không đa dạng về thực phẩm. Ví dụ như một phần cơm gà chỉ có đơn giản cơm và gà cùng một vài đồ chua cơ bản, như vậy sẽ rất thiếu rau xanh.
“Đúng là sẽ luôn có rất nhiều hàng quán bình dân với giá cả hợp lý, nhưng đó cũng sẽ thường là những món quen thuộc kiểu cơm tấm, bún bò, cơm gà, hủ tiếu… Nhưng bọn mình sẽ không thể ăn mãi những món đó được, chưa kể là còn không hợp khẩu vị nữa. Nếu xác định đi ăn ở ngoài thì cũng phải ăn uống cho đầy đủ, đủ chất chứ không thể ăn qua loa cho xong bữa được.
Cũng phải nói thật là việc nghĩ món mỗi khi đi ăn ngoài cũng mệt, chưa kể nhiều lúc ăn phải món không hợp không vị thì cũng không vui. Thế nên mình chọn phương án tự nấu ở nhà.” - Phương kể.
Bữa cơm bên trái: Cá kho 30.000VNĐ, đậu rán 15.000VNĐ, rau muống xào 10.000VNĐ, tổng 55.000VNĐ. Bữa cơm bên phải: Đậu rán 15.000VNĐ, canh cua mồng tơi 25.000VNĐ, thịt luộc 30.000VNĐ, tổng 70.000VNĐ.
Nếu tính trung bình mỗi bữa ăn tối ở nhà Phương là 60.000 - 80.000 VNĐ/bữa (cho 2 người), tuần nấu 5 bữa thì trung bình mỗi tháng nhà Phương tiêu khoảng 1.320.000 - 1.760.000 VNĐ cho việc ăn tối. Còn nếu đi ăn ở ngoài thì con số đó tăng lên khoảng gấp rưỡi, tức là trung bình khoảng 120.000 - 140.000 VNĐ/bữa (cho 2 người), như vậy mỗi tháng hết khoảng 2.640.00 - 3.080.000 VNĐ, như vậy tiết kiệm được khoảng 1-2 triệu đồng mỗi tháng.
Ngoài ra bữa sáng thì Phương cũng chọn phương án tự chuẩn bị ở nhà. Thường Phương sẽ làm những món ăn sáng như bánh mì, bún, miến, mì hay trứng vịt lộn, bánh giò và bánh bao mua sẵn. Mỗi bữa sáng như vậy chỉ hết khoảng 20.000 VNĐ/người. Với việc ăn sáng ở nhà như vậy Phương cũng tiết kiệm được khoảng hơn 1 triệu mỗi tháng.
Những bữa cơm nhà chỉ từ 60.000 - 80.000VNĐ nhưng không chỉ ngon mà còn đủ dinh dưỡng của hai vợ chồng.
Quan trọng là cả hai vợ chồng thoải mái với lựa chọn của mình
“Mình thấy rằng ở trong TP.HCM việc ăn ở ngoài có phần phổ biến hơn Hà Nội. Nên khi thấy mình nấu cơm mỗi ngày như thế bạn bè mình cũng hỏi như thế có mệt hay vất vả không. Mình thì thấy rằng bữa cơm mỗi ngày rất quan trọng, mình cũng thích nấu nướng và chồng mình cũng thích ăn cơm nhà. Khi mình nấu cơm, thì chồng mình sẽ rửa bát. Nên mọi chuyện đều rất thoải mái.” - Phương chia sẻ.
Ngoài nấu cơm tối, Phương còn chuẩn bị cả bữa sáng.
Cuối tuần hai vợ chồng Phương vẫn thường ra ngoài ăn để thay đổi không khí. Phương cho biết thêm: “Những ngày Thứ 7, Chủ nhật, bọn mình thường đi ăn những món mà ở nhà không nấu được như kiểu đồ nướng, đồ Hàn, đồ Nhật… hay các món lẩu miền Nam chẳng hạn. Nói chung mình cũng không nấu cơm ngày tất cả các bữa. Ăn như vậy thì cũng ngán lắm.”
Căn nhà hai vợ chồng Phương thuê lại nằm trong khu dân cư nên xung quanh có đầy đủ chợ và siêu thị. Cuối tuần Phương sẽ đi chợ và đi siêu thị để mua sẵn một số thức ăn, trong tuần khi đi làm về Phương cũng thường ghé chợ để mua rau cho tươi.
Phương chia sẻ: “Thật ra việc nấu cơm nhà có tiết kiệm được nhiều hay không cũng dựa vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như chọn nguyên liệu ra sao, tính toán nấu sao cho vừa đủ… Ví dụ như thay vì cố gắng mua những nguyên liệu theo kiểu miền Bắc thì mình chọn những nguyên liệu phổ biến ở miền Nam và nấu theo khẩu vị của mình.
Mỗi tháng tiết kiệm đôi ba triệu cũng không quá nhiều, quan trọng là bọn mình cảm thấy thoải mái với lựa chọn của mình. Nhưng tính ra vào thời buổi kinh tế khó khăn, tiết kiệm được thì vẫn hơn đúng không?”
Kinh nghiệm giúp tiết kiệm chi phí nấu cơm nhà của Phương
- Chọn mua những nguyên liệu có giá cả hợp lý theo vùng miền. Ví dụ như các loại cá biển, trái cây miền Nam như cam, dừa...
- Đặt mua đồ qua app của các siêu thị sẽ dễ dàng theo dõi các chương trình khuyến mãi hơn.
- Khi mua đồ trực tiếp tại siêu thị cũng có thể canh các khung giờ giảm giá.
- Chọn dùng những dòng thẻ tín dụng có hoàn tiền khi đi siêu thị hoặc thanh toán trên các sàn thương mại điện tử.