Sắm Tết cho gia đình, lên kế hoạch chi tiêu sao cho "vừa đủ" là bài toán hóc búa khiến nhiều người đau đầu trong thời điểm này. Chỉ hơn 1 tháng hơn nữa Tết Nguyên đán đã đến cùng với sự bận rộn cuối năm, nhiều người bắt đầu lập ngân sách chi tiêu và sắm sửa ngay từ bây giờ.
Lên kế hoạch chi tiêu Tết cụ thể
Gia đình Thanh Bình (26 tuổi) ở Hà Nội dự tính sẽ chi khoảng 25 triệu đồng cho Tết năm nay. Trong đó, khoản chi nhiều nhất là biếu bố mẹ 2 bên 15 triệu đồng, quần áo mới cho cả gia đình là 2 triệu, bánh kẹo đồ ăn Tết khoảng 2-3 triệu và lì xì Tết tầm 5-6 triệu.
Thanh Bình chia sẻ rằng khoản chi tiêu trong Tết tăng 50% so với các tháng thông thường. So với những năm trước, gia đình cô đã chi tiêu nhiều hơn trong dịp này. Song chỉ có khoản mục tiền biếu bố mẹ là tăng, Thanh Bình quyết định giảm bớt mua quần áo mới, và bánh kẹo.
"Nếu trừ khoản tiền biếu bố mẹ, chi phí năm nay tương tự so với năm ngoái. Bởi vì gia đình mình năm nào cũng sắm giống nhau. Mình luôn lên kế hoạch trước, ít khi mua vượt ngân sách hay dự tính đưa ra trước, do vậy qua từng năm, khoản chi không mấy thay đổi".
Tiêu chí khi mua sắm Tết của Thanh Bình sẽ thay đổi theo từng hạng mục. Đối với quần áo mới mặc Tết, cô ưu tiên mua đồ cho các con trước mới đến vợ chồng. Nếu quần áo mặc thường ngày vẫn còn mới, màu sắc tươi tắn đủ để chơi Tết, có thể Thanh Bình sẽ không mua trang phục mới nữa. "Vợ chồng mình thường không mua quần mới cho Tết vì trang phục năm ngoái vẫn còn khá mới. Có những bộ quần áo mua mỗi năm chỉ mặc 1 lần. Mình chỉ sắm cho các con vì năm nay lớn hơn quần áo năm ngoái không mặc vừa nữa".
Bên cạnh đó, thông thường bố mẹ gia đình Thanh Bình thường được cơ quan, đồng nghiệp biếu, cô cũng có gói quà Tết ở công ty, do vậy gần Tết thấy thiếu loại nào sẽ mua mới.
"Trong câu chuyện trang trí nhà cửa ngày Tết, mình nghĩ thật sự cần thiết mới nên mua và sắm sửa. Như nhà mình không có điều kiện lắm, cũng không cảm thấy cần thiết trang trí, treo đèn biển ngày Tết nên chẳng sắm gì. Mua đào quất cũng toàn bố mình thích, đi dạo phố phường rồi mua về''.
Hối hận vì sắm Tết sớm
Năm nay, Thanh Bình cảm thấy khá tiếc nuối vì mua quần áo và giày Tết cho con sớm quá. "Mình vừa đặt áo dài và giày cho bé lớn, mấy hôm sau đã được tặng cho 1 bộ và đôi giày mới tinh. Còn năm ngoài, mình đặt mua đồ ăn ngày Tết như giò hay bánh kẹo sớm. Đến gần Tết được cho lại thừa nhiều đồ ăn, vì vậy năm nay mình không những thực phẩm này sớm nữa".
Theo Thanh Bình, có nhiều sản phẩm Tết nào cũng cần nhưng dễ bị hết hàng nên mua sớm, vì như vậy cũng sẽ tiết kiệm hơn, để càng gần Tết càng ít hàng, giá sẽ cao hơn. Còn lại, tuỳ thuộc vào tình huống của mỗi gia đình, chẳng hạn nếu hay được tặng biếu đồ vào Tết, có thể hạn chế sắm sửa những khoản mục đó để không bị lãng phí.
Quan điểm của Thanh Bình trong câu chuyện sắm sửa năm mới đó là Tết có thể chi tiêu thoải mái chút. Bởi vì cả năm mới có 1 lần Tết. Hơn thế nữa, cô cũng có thêm thưởng Tết, do vậy thoải mái hơn trong câu chuyện tài chính. Tuy nhiên, hãy thoải mái trong "khuôn khổ" vì giờ mọi sản phẩm hay dịch vụ đều tăng giá. Cô vẫn muốn tiết kiệm một khoản tiền để ra Tết gửi tiết kiệm, dùng tiền đó vào nhiều dự định khác trong năm mới sẽ tốt hơn.
"Mình nghĩ các gia đình hãy lên kế hoạch cụ thể từng khoản dự định chi cho Tết 1 cách chi tiết nhất, ưu tiên các khoản cần thiết như tiền để lì xì, biếu bố mẹ. Tết không phải dịp duy nhất để "sắm sửa". Do vậy, nếu Tết chưa kịp sắm, sau đó mình cũng có thể mua dần", lời khuyên của Thanh Bình trong câu chuyện chi tiêu ngày Tết.