Cách đây vài năm, thông tin một gia đình 14 người ở Tuyền Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc) có 8 người mắc ung thư khiến cộng đồng xôn xao. Trong 8 người này, người bố bị ung thư thực quản, 5 người con bị ung thư phổi, một cô con gái bị ung thư dạ dày, 1 người con gái khác cũng bị ung thư thực quản.
Thông tin này khiến nhiều người lo sợ, đặt nghi vấn liệu ung thư có khả năng lây lan giữa các thành viên sống trong cùng nhà hay không? Các chuyên gia sau đó lên tiếng trấn an, ung thư thực chất không có khả năng lây lan. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trong cùng gia đình có khả năng đến từ thói quen ăn uống.
Dưới đây là 4 nguồn gây ung thư trong nhà bếp, dễ tạo điều kiện cho tế bào ác tính sinh sôi, phát triển, khuyến cáo người dân cần chú ý:
1. Thịt muối, rau muối
Xúc xích, thịt muối, cá muối, thực phẩm ngâm chua... thường chứa rất nhiều muối. Không chỉ có hàm lượng muối cao, những thực phẩm này còn chứa nitrit, chất có liên quan mật thiết với bệnh ung thư.
Trên thực tế, bản thân nitrit không phải là chất gây ung thư và thường được tìm thấy trong thực phẩm. Tuy nhiên, trong dạ dày, nitrit có thể tổng hợp chất nitrosamine gây ung thư với các amin thứ cấp (một chất chuyển hóa protein) trong cơ thể con người. Việc tiêu thụ nhiều nitrosamine hoặc nitrit trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Các nghiên cứu lâm sàng phát hiện, nguy cơ mắc các bệnh ung thư như ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư tuyến tụy, ung thư đại trực tràng và ung thư não có liên quan đến lượng nitrosamine cao.
Để giảm tác động của nitrit và nitrosamine đối với sức khỏe, mọi người nên ăn ít hoặc không ăn đồ muối chua càng tốt, chẳng hạn như thịt muối và dưa chua.
2. Thực phẩm bị mốc
Aflatoxin là chất gây ung thư rất mạnh. Nó có khả năng gây ung thư cao gấp 75 lần so với subnitrosamine. Đây là mầm mống gây ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư thực quản...
Nó thường được tìm thấy trong đậu phộng, ngô, hạt bông, lúa mì, đậu và các thực phẩm khác bị mốc. Vì vậy, để tránh bị nhiễm aflatoxin, bạn nên:
- Kiểm tra tủ bảo quản nhà bếp thường xuyên và xử lý kịp thời những hạt dưa, đậu phộng, ngô, đậu... bị mốc.
- Các loại hạt và thực phẩm ngũ cốc cần được bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
- Chú ý vệ sinh nhà bếp để tránh đọng nước, ẩm ướt khiến thực phẩm bị mốc.
3. Khói dầu
Dầu ăn tạo ra khói ở nhiệt độ cao, chứa nhiều chất gây kích ứng và có hại, bao gồm benzopyrene, nitrosamine dễ bay hơi, amin dị vòng, các chất gây ung thư cao khác.
Theo báo cáo, nhiều người bị bệnh ung thư phổi có liên quan chặt chẽ đến khói bếp. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư phổi ở phụ nữ ở một số vùng trên cả nước cao hơn nhiều so với nam giới. Ở những phụ nữ trung niên và lớn tuổi tiếp xúc lâu dài với khói bếp nhiệt độ cao, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, ung thư vú tăng gấp 2 đến 3 lần.
Ngoài nguy cơ ung thư, việc tiếp xúc lâu dài với khói dầu sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa da. Hít phải khói dầu lâu ngày có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, mạch máu não và hô hấp.
Vì vậy, nếu bạn nấu ăn hàng ngày và làm việc tại bếp trong thời gian dài, hãy nhớ:
- Khi nấu ăn, hãy bật máy hút mùi và đảm bảo bếp được thông gió tốt sau khi nấu.
- Để máy hút mùi tiếp tục hoạt động 3-5 phút, đảm bảo rằng các khí độc hại được thải ra hoàn toàn.
- Làm sạch máy hút mùi ít nhất 6 tháng một lần.
- Luôn chọn phương pháp nấu ít dầu hơn khi nấu, cho ít dầu hơn khi chiên, rán...
4. Rượu
Nhiều nhà luôn có những chai rượu được đặt ở bếp. Nhưng nghiên cứu cho thấy, rượu có mối quan hệ quan trọng với nhiều loại ung thư.
Các bệnh ung thư liên quan đến uống rượu chủ yếu là ung thư thực quản, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đường ruột… Uống rượu quá mức có thể thúc đẩy việc kích hoạt các chất gây ung thư, cũng như sự di căn của tế bào ung thư. Nếu hút thuốc và uống rượu cùng nhau thì tình hình sẽ còn tệ hơn.
Để tránh ung thư do uống rượu ngay tại nhà, mọi người nên nhớ:
- Đàn ông không nên uống quá 25ml rượu và phụ nữ không nên uống quá 15ml mỗi ngày.
- Không uống nhiều loại rượu cùng nhau.
- Không uống khi bụng đói.
- Không hút thuốc sau khi uống rượu.
Các chuyên gia lưu ý, có rất nhiều yếu tố gây ung thư trong cuộc sống. Phòng ngừa ung thư không thể chỉ dựa vào một loại thực phẩm hoặc thuốc. Hãy xem xét có bất kỳ chất gây ung thư nào trong nhà bếp của bạn không, sau đó hãy loại bỏ chúng càng nhiều càng tốt nhé!