Ghé thăm ngôi trường 10.000m2 tại Nam Từ Liêm: Nơi học sinh ví như TRÁI TÁO, ngay bài học đầu tiên các em được dạy 1 điều cực quan trọng

ĐX, Gia Đoàn | 04-05-2022 - 07:53 AM

(Tổ Quốc) - Hiện tại Olympia không phải là trường duy nhất tại Việt Nam đạt chuẩn kiểm định của WASC, nhưng là trường duy nhất đạt chuẩn khắt khe này ngay từ lần đầu tiên và hiện tại đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm.

- Trường phổ thông liên cấp Olympia là một ngôi trường tại Việt Nam có mô hình hoạt động và quản lý theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ.

- Địa chỉ tại khu đô thị mới Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, bố trí khá thuận lợi khi cách trung tâm thành phố không xa.

- Triết lý giáo dục của trường lấy học sinh làm trung tâm, học sinh được tôn trọng sự khác biệt, khuyến khích đặt câu hỏi và được khích lệ khám phá ưu điểm của bản thân.

- Nghĩ đến Olympia School em nghĩ tới điều gì?

- Với em Olympia là trái táo.

- Ồ, tại sao là trái táo?

- Vì trái táo ăn vừa ngon lại vừa healthy.

Đây là một trong những đoạn hội thoại ở buổi khảo sát của WASC với học sinh Olympia lớp 3 trước khi công bố Olympia school đạt chuẩn kiểm định toàn diện. Đoạn phỏng vấn này chính thầy cô cũng bất ngờ và xúc động dù chỉ được nghe lại.

Triết lý học tập hạnh phúc đặc biệt ở "trường học con nhà giàu"  10.000m2 tại Nam Từ Liêm: Học trò định nghĩa như trái táo "vì healthy" - Ảnh 2.

Trường học lấy học sinh làm trung tâm, bài học đầu tiên là tôn trọng sự đa dạng của các cá nhân

Câu chuyện được trao đổi với ban lãnh đạo nhà trường và những gì chúng tôi nhìn thấy có sự tương đồng ở ngôi trường với triết lý tiên tiến "lấy học sinh làm trung tâm, coi trọng an toàn và hạnh phúc của học sinh".

Triết lý học tập hạnh phúc đặc biệt ở "trường học con nhà giàu"  10.000m2 tại Nam Từ Liêm: Học trò định nghĩa như trái táo "vì healthy" - Ảnh 3.

Nhìn tổng thể ngôi trường này có tông màu chủ đạo là trắng và tím, nằm ở khu vực trung tâm quận Nam Từ Liêm. Với 10.000m2 đủ không gian thoáng đãng để cho trẻ một không gian học tập lý tưởng với thiết kế chỉn chu trong từng chi tiết. Dường như không có góc không gian nào là thừa, chúng đều được tính toán kỹ lưỡng và tận dụng hợp lý. Mặc dù là trường "nằm trong phố" ở khu dân cư có mật độ cao, nhưng trường có đủ độ xanh che phủ nhờ góc sân vườn, góc thể thao ngoài trời, sân chơi, hàng rào cúc tần Ấn xanh mướt buông rủ.

Khi bước vào bên trong, sự an toàn có thể được tìm thấy ngay ở những chi tiết nhỏ như chiếc cầu thang rộng rãi được thiết kế và sử dụng chất liệu an toàn chống trơn trượt để trẻ tiểu học có thể di chuyển dễ dàng và an toàn. Các lớp học có 2 không gian hành lang rộng rãi. Một hành lang bên ngoài để lấy không khí và ánh sáng tự nhiên; hành lang bên trong cũng đủ độ rộng để tạo sự kết nối và di chuyển bên trong các khu vực trường học.

Chính vì thế, dù nằm trong khu vực dân cư đông đúc, nhưng trường lại khá riêng biệt và kín đáo. Bên trong không có cảm giác khó thở vì những khoảng xanh và ánh sáng tự nhiên từ những ô cửa và hành lang mang lại sự cân bằng.

Quan sát thực tế một buổi học Toán của lớp 2, tôi thấy một không khí học sôi động và hào hứng. Không phải là cách "nghe giảng" một chiều mà sự tương tác được chú trọng. Ở đây các thầy cô thường đặt câu hỏi mở và gợi ý cho học trò tư duy nhiều chiều. Các thầy cô luôn linh hoạt trong việc đưa ra chủ đề và thu hút sự quan tâm của học trò, chứ không phải là những bài học khô cứng thiếu tính ứng dụng trong thực tế. Khi học về Toán biểu đồ, cô giáo đã dùng số liệu thực tế về số bạn tham dự buổi dã ngoại ngoài trời từ nhà trường, kéo các con đến gần hơn đến bài giảng và cho các con hướng nhìn đến tính ứng dụng thực tế của nó.

Khối học sinh tiểu học trước khi bắt đầu tả về cái cây sẽ được xuống khoảng sân vườn của nhà trường và cô giáo sẽ hỏi những điều con quan sát được, các câu hỏi đặt ra. Lũ trẻ sẽ thi nhau phát biểu: Sao cái cây có lá to, lá bé?; Sao có cành thẳng đứng, cành thì cong?... Và cuối cùng sự tò mò háo hức chuyển sang con trẻ và các cô tự nhận mình chỉ là người hướng dẫn để kích hoạt tư duy sáng tạo của trẻ.

An toàn thực phẩm và bữa ăn bán trú cũng là điều nhiều phụ huynh quan tâm, thì ở Olympia bữa trưa được coi là sự tự hào của nhà trường vì tính đa dạng của nó. Bữa trưa ở đây thường có 3 lựa chọn đồ Âu, đồ Á và đồ chay đa dạng, ngon miệng. Toàn bộ nguyên liệu chế biến được nhập từ các nhà cung cấp uy tín nhất và được kiểm soát quy trình chế biến nghiêm ngặt.

Một điểm khá nhân văn và tích cực ở trong triết lý giáo dục của trường đó chính là bài học đầu tiên các thầy cô nói với học trò của mình không phải là học thuộc kỷ luật của nhà trường, mà là: "Ai cũng có ưu nhược điểm, mỗi người là 1 cá thể riêng biệt và chúng ta cần tôn trọng sự đa dạng ấy. Các em cần biết chung sống hòa bình, tôn trọng sự khác biệt, biết giúp đỡ nhau cùng phát triển". Cũng từ tư duy này mà nhà trường định nghĩa về tài năng như thế này "mỗi cá nhân mang trong mình một năng lực đặc biệt".

Dù triết lý giáo dục là phần nghe có vẻ lý thuyết, nhưng thực tế đây chính là kim chỉ nam để "dẫn đường" giúp toàn bộ những hành động của thầy và trò đi đúng hướng.

Không có kỷ luật thép chỉ có tinh thần biết tự chịu trách nhiệm

Ở Olympia, nhà trường đã tạo được một tinh thần tôn trọng 2 chiều. Tại đây học trò được thoải mái nêu ý kiến, phát biểu suy nghĩ, nhưng trong một lớp học chỉ có sôi động chứ không "vỡ trận".

Triết lý học tập hạnh phúc đặc biệt ở "trường học con nhà giàu"  10.000m2 tại Nam Từ Liêm: Học trò định nghĩa như trái táo "vì healthy" - Ảnh 6.

Gần đây khi liên tiếp có những vụ việc đau lòng xảy ra khi có những đứa trẻ chọn chấm dứt cuộc sống và áp lực học hành được cho là nguyên nhân. Tuy nhiên, ở Olympia 4 từ "áp lực học hành" không có chỗ xuất hiện, 2 từ cân bằng cũng không được nhắc tới, vì đó là một trong những điều cơ bản được hình thành ngay từ khi ngôi trường này hình thành.

Phía nhà trường biến áp lực thành khả năng tự chịu trách nhiệm. Sẽ không bao giờ có câu hỏi "Con học hành kiểu gì mà điểm số thấp thế này" mà là "Con đã biết con sai chỗ nào chưa? Con đã đọc kĩ đề bài chưa, con sẽ sửa như thế nào... ", "Con đừng ngại sai, con muốn làm và dám làm sẽ có các thầy cô hỗ trợ các con hết sức có thể".

Ngay trong những bài kiểm tra định kỳ nhà trường cũng có những cách đánh giá đa dạng, qua bài tập dự án, bài test, bài thuyết trình... khung đánh giá rộng để khuyến khích học trò cố gắng chứ không tạo áp lực. Theo cô Nguyễn Thị Hằng, Phó hiệu trưởng nhà trường thì: "Ở đây chúng tôi thường quan tâm bằng những câu hỏi: Con đã nỗ lực và cố gắng hết mình chưa, con đã cố gắng với chính bản thân con như thế nào? Con đã cải thiện những điểm yếu của mình ra sao? Chúng tôi thường xuyên nói với các con về việc biết lập kế hoạch và tự chịu trách nhiệm với bản thân mình".

Chính vì vậy, nhà trường đã "đầu tư" từ ban đầu bằng phương pháp học tập thu hút sự chú ý. Mô hình lớp học đảo ngược cũng được nhắc tới như một phương pháp học tập gây hứng thú khi hướng học sinh tới khả năng tự nghiên cứu bằng cách đọc, tìm hiểu và đặt câu hỏi trước những bài học triển khai vào hôm sau.

Cô Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Bản thân các môn học không có lỗi, kiến thức là cần thiết và nếu tạo thành áp lực một cách thái quá thường do cách thức của thầy cô triển khai khi giảng dạy chưa đúng, chưa hợp lý. Các môn học chỉ nên coi là công cụ phát triển năng lực, mượn kiến thức đó để phát triển năng lực tư duy".

Trường học đặc biệt quan tâm sức khỏe tâm thần cho học sinh

Phải nói rằng dù Olympia có cơ sở vật chất xịn sò, có bữa ăn trưa nổi tiếng (đồ Âu, đồ Á, đồ chay) đa dạng, có những lớp học cải tiến và đổi mới, có tinh thần học tập hướng tới những đứa trẻ tự lập và biết chịu trách nhiệm... Nhưng có một điểm nhấn khác cũng cần được nhắc tới: Quan tâm sức khỏe tinh thần cho học sinh một cách đặc biệt. Ở Olympia dường như đây là điều nhà trường đã xác định rõ mục tiêu ngay từ khi hình thành để trở thành một ngôi trường hạnh phúc.

Triết lý học tập hạnh phúc đặc biệt ở "trường học con nhà giàu"  10.000m2 tại Nam Từ Liêm: Học trò định nghĩa như trái táo "vì healthy" - Ảnh 8.

Trường có bảng "check in cảm xúc" để trò được bày tỏ cảm xúc một cách công khai trên bảng giúp thầy cô nhìn vào tấm bảng này để biết có những dấu hiệu bất thường ngay. Ngoài ra, hoạt động đầu một ngày ở khối tiểu học lúc nào cũng bắt đầu bằng một game vui nhộn, bằng những câu hỏi về cảm xúc đầu ngày, cuối ngày.

Ở Olympia các thầy cô sẽ nói với học trò của mình như thế này: "Khi tới trường con hãy bỏ mọi buồn phiền lúc bước vào cánh cổng trường. Trước khi về nhà con hãy bỏ buồn phiền ở lại cổng trường để trở về nhà thật vui. Con hãy nói lời cảm ơn một điều gì tới một ai đó".

Nhưng nói như thế không có nghĩa là nỗi buồn sẽ tự dưng mà "rơi rụng" đi, nhà trường luôn có một đôi ngũ chuyên gia tâm lý học đường không kiêm nhiệm để con đang có cảm xúc gì, con cần hỗ trợ gì đều có quyền được nói ra.

Triết lý học tập hạnh phúc đặc biệt ở "trường học con nhà giàu"  10.000m2 tại Nam Từ Liêm: Học trò định nghĩa như trái táo "vì healthy" - Ảnh 9.

Như bài học đầu tiên nhà trường nói với trẻ về việc tôn trọng sự đa dạng của những cá thể khác nhau, về mỗi con người cất giấu trong mình một năng lực đặc biệt thì các em cũng được nói về việc được tôn trọng cảm xúc cá nhân, rằng không có hành động đúng sai, chỉ có hành vi chưa đúng. Vì vậy, trường sẽ không có chê trách, chỉ trích, nói xấu, kỷ luật, kết tội. Giữa chính học sinh khi được thấm nhuần điều này sẽ biết sống dung hòa và tôn trọng tính cá nhân hơn.

Còn ngay cả với đội ngũ tài xế, bảo vệ, lao công... cũng được nói về nguyên tắc tôn trọng tính cá nhân của trẻ, về những việc như chụp hình, động chạm là tuyệt đối cần tránh. Chính vì từ những chi tiết nhỏ như vậy mà trẻ hiểu ở môi trường này chúng được tôn trọng và được quyền thấu hiểu. Vì vậy, trẻ cũng không ngại ngần để bày tỏ cảm xúc và tìm sự hỗ trợ từ đội ngũ giáo viên, từ các chuyên gia tâm lý trong nhà trường.

Với các trẻ cấp độ THCS ở tuổi teen nhiều vấn đề nhạy cảm hơn, các em có quyền book chuyên gia tư vấn tâm lý 1-1. Theo tiết lộ từ phía nhà trường, vấn đề nhiều nhất các em gặp phải thường liên quan áp lực gia đình, không tìm được tiếng nói chung giữa cha mẹ và lúc này nhà trường sẽ có trách nhiệm là cầu nối với "đối tác giáo dục" là phụ huynh. Chính vì việc tạo ra một môi trường được tôn trọng sự khác biệt, được quyền nói ra tiếng nói của chính mình, được lắng nghe và chia sẻ nên biến những vấn đề lớn thành nhỏ, vấn đề nhỏ thành không có gì.

Vì chủ trương của nhà trường là không có đúng sai, trẻ luôn được khuyến khích đặt câu hỏi và chia sẻ nên tư duy được khai mở, những buồn bực ẩn ức nếu có được giải quyết ngay lập tức mà ngôi trường này chỉ còn hạnh phúc ở lại.

So với thu nhập bình quân của nhiều phụ huynh, học phí của trường Olympia tương đối cao. Mức phí theo năm học là 125 - 165 triệu đồng/năm, tùy cấp học.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM

Marketing - ngành học chưa bao giờ hạ nhiệt

Trong nền kinh tế hội nhập, doanh nghiệp nào cũng cần đến bộ phận Marketing để định vị chỗ đứng trên thị trường kinh doanh và kết nối khách hàng rộng rãi. Một nhãn hàng mỹ phẩm mới ra mắt hay một thương hiệu trà sữa muốn giới thiệu món uống mới thành công đều cần từng bước phân tích đến xây dựng chiến lược khéo léo, sáng tạo.