Ông Lê Xuân Hiếu là Giám đốc dự án, thuộc tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam. Ông đã đồng hành cùng CARE suốt 11 năm, thực hiện nhiều dự án giúp nâng cao ý thức của người Việt về bình đẳng giới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.
Là diễn giả của chương trình TEDxTrangthiSt 2020 với chủ đề “Danh tính”, ông đưa ra câu hỏi gợi mở: “Danh tính của một người là gì?”
Theo quan điểm của ông Hiếu, danh tính được hình thành bởi 2 yếu tố, bao gồm “hardware” và “software”. Trong đó, “hardware” (phần cứng) chính là ngoại hình bên ngoài như cao hay thấp, tóc ngắn hay dài..., còn “software” hàm ý chỉ tính cách, trí tuệ, nhận thức, đạo đức và quan niệm của họ về cuộc sống.
Vậy, những quan niệm của con người về xã hội, về nam và nữ có thay đổi theo dòng lịch sử hay không?
Ông Lê Xuân Hiếu - Giám đốc dự án, thuộc tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam
Bắt đầu từ thời nguyên thủy, con người sống bầy đàn, ăn hang ở lỗ, sinh sống bằng săn bắn và hái lượm. Khi đó, người đàn ông chủ yếu chịu trách nhiệm săn bắn, tìm thức ăn, còn phụ nữ ở nhà nấu nướng, sinh con đẻ cái. Từ đó, mọi người nhìn thấy vai trò quan trọng của nam giới, vì thế đấng mày râu cũng tự hình thành quan điểm rằng “mình có quyền”.
Đến giai đoạn phong kiến, nữ giới sau khi kết hôn sẽ về ở và hoàn toàn phụ thuộc vào nhà chồng, gần như tay trắng. Vô hình trung, người phụ nữ không có quyền, mọi quyền lực đều nằm trong tay đàn ông. Nói cách khác, “lấy chồng thì phải theo nhà chồng”, “sống làm người, chết làm ma nhà chồng”.
Theo ông Hiếu, đến nay, xã hội đã phát triển ở mức cao và tiến bộ hơn, phụ nữ được học hành và có trí tuệ, thành công không kém gì nam giới. Ấy vậy mà: “Tại sao vợ phải quần quật làm còn chồng gác chân lên bàn, xem tivi?”, “Tại sao người chồng có thể cho tiền bố mẹ còn vợ thì lại không được?”, “Tại sao chồng về nhà phàn nàn cơm không ngon mà không vào bếp nấu?”.
Vị diễn giả thường nói với các đồng nghiệp, nhân viên tại CARE rằng đừng nghĩ mình là đàn ông, phụ nữ hay giới tính thứ ba. Bởi khi nghĩ mình là đàn ông, chúng ta tự cho mình rất nhiều quyền, đồng thời cũng tự gánh lên vai trách nhiệm nặng nề, từ những việc nhỏ như trả tiền ăn khi hẹn hò đến chuyện làm trụ cột gia đình.
Nhiều người cho rằng điều này chủ yếu do văn hóa từ lâu đời đã hằn sâu trong tư duy và hiệu ứng số đông.
“Rất xin lỗi cánh đàn ông nhưng tôi phải nói thật, khoảng 90% đàn ông Việt hiện nay đang sống với cái đầu của 50 năm về trước, từ thời người phụ nữ không có quyền gì cả. Họ dùng cái đầu của thời kỳ trước để sống ở thời điểm hiện tại”.
Qua đó, ông nhắn nhủ các bạn trẻ: “Các bạn nam hãy dũng cảm nói “Không!” khi các bạn nữ có những đòi hỏi không thích đáng, ví dụ như đàn ông phải mua nhà hay làm trụ cột, lo cho gia đình. Ngược lại, các bạn nữ hãy dũng cảm thay đổi vị thế của chính mình.”
Dù đây là một tiến trình rất dài, không thể thay đổi trong một sớm một chiều nhưng các bạn trẻ hãy sống là chính mình, đừng tự áp cho bản thân những gánh nặng chỉ vì giới tính nam hay nữ.