Gặp đội lân của những đứa trẻ mồ côi, trẻ lang thang giữa Sài Gòn

Văn Tiên - Clip: Lan Anh | 24-08-2022 - 08:00 AM

(Tổ Quốc) - Không cha mẹ, không nhà cửa, có đứa bị bỏ rơi dưới gầm cầu, đứa tìm đến đội lân như một cứu cánh cuối cùng của cuộc đời. Ròng rã suốt 12 năm, Long Nhi Đường đã trở thành mái nhà chung cho những đứa trẻ kém may mắn có cơ hội được học tập, bắt đầu một cuộc sống mới bên đoàn lân sư.

Khi đoàn lân là nhà

Gặp lại đoàn lân Long Nhi Đường - Nơi cưu mang nhiều trẻ em không nhà

16h chiều, tiếng trống dồn dập, những đôi chân của những đứa trẻ trong đội lân Long Nhi Đường cũng bắt đầu nhảy múa, luyện tập cùng con lân. Sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi hoạt động văn nghệ bị đình trệ, Tết Trung thu năm nay, những đứa trẻ Long Nhi Đường đã phấn khởi hơn khi có thể được nhảy múa, tập luyện.

Đội lân của những đứa trẻ lang thang, mồ côi cha mẹ giữa Sài Gòn - Ảnh 2.

Sau 2 năm dịch bệnh, đoàn lân đang tích cực tập luyện để đón một mùa Trung thu trọn vẹn nhất

Mỗi đứa trẻ đảm nhiệm một công việc khác nhau, cùng nhau tập luyện, phát triển Long Nhi Đường

Hướng mắt về phía những đứa trẻ đang tập luyện, anh Lê Văn Nam (quản lý đoàn lân) cho biết hơn 12 năm qua, điều mà anh cảm thấy tự hào nhất là Long Nhi Đường vẫn tồn tại, ngày một phát triển để cưu mang, giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, không nơi nương tựa.

Từng là một đứa trẻ thiếu thốn tình thương của cha, hoàn cảnh gia đình lại gặp nhiều khó khăn, anh Nam hiểu rất rõ cảm giác của những đứa trẻ phải lăn lê cả ngày ngoài đầu đường xó chợ để kiếm được cơm ngày ba bữa. Thiếu định hướng về tương lai, chẳng biết lấy một con chữ nên khi gặp tụi nhỏ, anh cùng một người bạn mới nảy ra ý tưởng thành lập đội lân.

Đội lân của những đứa trẻ lang thang, mồ côi cha mẹ giữa Sài Gòn - Ảnh 4.

Anh Nam là người cha, người mẹ của rất nhiều đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ bén duyên với đoàn lân

"Lúc nhỏ anh cũng phải đi lượm bọc, bán vé số, cũng may được mọi người giới thiệu để anh vào nhà tình thương, có được cơm ăn, lại được dạy chữ. Nên khi thấy mấy đứa nhỏ thiếu tình thương, anh nghĩ đến bản thân mình trước kia. Mà muốn tập hợp tụi nhỏ thì cần phải có gì đó thu hút chúng, anh mới nghĩ ra múa lân, vì trẻ con thì thích lân. Anh mới đi học lén, rồi học dần dần trên mạng…, sau này mới ra Long Nhi Đường", anh Nam tâm sự.

Trải qua không biết bao nhiêu khổ cực với hơn 200 con người ra vô liên tục, dù ai đến, ai rời đi, anh Nam cũng tự nhủ bản thân mình cần phải ở lại, ở cái nơi được coi là nhà của những đứa trẻ kém may mắn.

Vẻ đáng yêu, tinh nghịch của Long Nhi Đường khi khởi động trước phần tập nhảy múa

"Nhiều lúc anh nghĩ mình phải buông bỏ để đi tìm hạnh phúc riêng, nhưng rồi nói mãi chứ có bao giờ làm được đâu. Nhìn mấy đứa nhỏ như thế này, anh không đành lòng, lúc nào cũng muốn ở bên để chăm sóc chúng nên người. Hồi trước anh cứ nghĩ khi tụi nhỏ lớn thì mình sẽ đỡ cực, nhưng không, lớn thì anh lại phải chăm lo nhiều hơn, phải định hướng được con đường cho các em sao để trở thành người tốt, người có ích cho xã hội", anh Nam chia sẻ.

Hiện tại, Long Nhi Đường có khoảng 40 thành viên, trong đó 26 em đang sinh sống, học tập tại đoàn lân. Những thành viên khác chỉ đến tập luyện, tham gia hoạt động nhảy múa cùng mọi người, thành viên lớn nhất đoàn cũng đã 24-25 tuổi, em nhỏ nhất cũng đã lên 8. Trong đó, có 3 em nhỏ mới đến đoàn lân sau khi mất đi cha mẹ trong đại dịch Covid-19.

Đội lân của những đứa trẻ lang thang, mồ côi cha mẹ giữa Sài Gòn - Ảnh 6.

Những đứa trẻ ở Long Nhi Đường đều luôn giúp đỡ, hỗ trợ nhau tập luyện

Nhớ lại khoảng thời gian 2 năm không thể tham gia múa lân vì đại dịch, anh Nam cho biết đoàn lân đã phải chuyển hướng sang bán nhu yếu phẩm để kiếm sống, chăm lo cho các em. Nhờ có sự yêu thương của tất cả mọi người nên Long Nhi Đường cũng vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, mùa Trung thu năm nay càng trở nên đặc biệt hơn khi những đứa trẻ ngày một trưởng thành, biết san sẻ nỗi lo cùng anh Nam.

Con nhớ cha mẹ nhiều lắm!

Cố gắng cong người xuống theo sự hướng dẫn của các anh lớn, Gia Phát (11 tuổi) và Gia Phúc (9 tuổi) cần mẫn luyện tập từng động tác một cách nhuần nhuyễn. Suốt 5 năm nay, hai đứa trẻ đã xem Long Nhi Đường là ngôi nhà đặc biệt của mình khi các em chẳng còn cha mẹ ở bên.

Đội lân của những đứa trẻ lang thang, mồ côi cha mẹ giữa Sài Gòn - Ảnh 7.

Gia Phát - Gia Phúc rất nhớ cha mẹ, người đã bỏ rơi 2 đứa trẻ 5 năm trước

5 năm trước, sau một lần theo mẹ đến dưới chân cầu Chà Và (quận 5) xem đoàn lân biểu diễn, người mẹ đã gửi 2 đứa trẻ cho đoàn lân để đi mua sữa. Tuy nhiên sau đó, người mẹ đã bỏ đi không quay trở lại, đội lân chờ đến 23h khuya thì trình báo chính quyền địa phương. Dù đăng tải thông tin trên báo đài nhưng cha mẹ ruột của 2 đứa trẻ cũng biệt tích, anh Nam đành làm thủ tục nhận con nuôi, từ đó Phát và Phúc cũng trở thành một phần không thể thiếu của đoàn lân sư.

Ngồi cạnh anh Hưng, 2 đứa trẻ Phát - Phúc hồn nhiên cười đùa cho biết ở đoàn lân 2 em rất vui, được mọi người yêu thương, sinh hoạt cùng các anh em trong đoàn.

"Con năm nay 11 tuổi, con ở đoàn lân lâu rồi, con không biết cha mẹ là ai nhưng con muốn gặp lại cha mẹ", Gia Phát thỏ thẻ nói.

Hai anh em Phúc xem đoàn lân là mái nhà thứ 2 của mình, tại đây cả 2 được thỏa sức theo đuổi đam mê

Cũng giống như Gia Phát – Gia Phúc, Thắng (11 tuổi) cũng chẳng còn cha mẹ bên cạnh. Sau khi mẹ qua đời, em trở thành đứa trẻ lang thang, được người quen gửi gắm vào Long Nhi Đường. Đến nay cũng đã tròn 3 năm Thắng ở đoàn lân.

Ban ngày, Thắng được đi học, chiều tối lại được tập lân, đánh trống cùng các anh em. Tất cả những đứa trẻ đều coi nhau như một gia đình, đứa lớn giúp đứa bé, bảo ban dạy dỗ nhau, cùng nhau cố gắng cho ngôi nhà thứ 2 của mình.

Đội lân của những đứa trẻ lang thang, mồ côi cha mẹ giữa Sài Gòn - Ảnh 9.

Những buổi tập luyện đầy vất vả của những đứa trẻ Long Nhi Đường

Để có thể trang trải sinh hoạt phí mỗi ngày, các thành viên lớn ai có công việc sẽ đi làm, ai học nghề sẽ đi học nghề để về lo cho các em nhỏ. Riêng đoàn lân có một xe tải nhỏ để nhận chở hàng cho người dân, bán thêm nhu yếu phẩm, khi nào có lịch diễn thì đi diễn để kiếm thêm thu nhập

Đưa tay quệt mồ hôi sau phần tập luyện trên cao cùng đồng đội, Nguyễn Quốc Hải (23 tuổi) cho biết ở Long Nhi Đường, em được tự do theo đuổi đam mê của mình. Điều mà bản thân Hải mong muốn nhất là có được một công việc ổn định để đỡ đần, phụ anh Nam chăm sóc, lo lắng cho đàn em.

18h tối, tiếng trống mỗi lúc một dồn dập hơn, các thành viên đội lân tranh thủ cùng nhau luyện tập cho một mùa Trung thu mới, ai cũng đầy hi vọng, những ngày sắp tới, đoàn lân sư sẽ đỡ vất vả hơn, những đứa trẻ cũng sẽ có cho mình một cuộc sống đủ đầy, từ vật chất đến tình yêu thương của những người xa lạ...

Đội lân của những đứa trẻ lang thang, mồ côi cha mẹ giữa Sài Gòn - Ảnh 11.

Trong suốt hành trình hơn 12 năm của mình, Long Nhi Đường vẫn là một điều tuyệt vời nhất dành riêng cho những em nhỏ kém may mắn, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM được học tập, vui chơi. Hi vọng chặng đường phía trước, đội lân và cả những ước mơ của các thành viên Long Nhi Đường sẽ được thực hiện theo một cách trọn vẹn nhất

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM