Tuổi thơ cơ cực của cô bé nghèo, hiếu học
Sinh ra tại một vùng quê nghèo ở xóm Phú Thành, xã Hưng Thành, (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), khi đó, Nguyễn Thị Oanh chào đời chỉ được có 9 lạng. Bác sĩ bảo mẹ Oanh sinh non, khó mà nuôi được, gia đình nên "chuẩn bị tâm lý".
Từ khi sinh ra, Oanh đã chịu muôn vàn khổ cực nhưng với tinh thần ham học cô đã vượt qua tất cả để nhận suất học bổng trị giá 1 tỷ đồng
Thấy con sinh ra quá nhỏ, bố của Oanh nói chuyện với bà Nguyễn Thị Vinh (mẹ Oanh) rằng nên bỏ con đi nhưng bà Vinh nhất quyết nuôi Oanh. Cũng từ đó, 2 người xảy ra mâu thuẫn cãi vã rồi chia tay. Một mình bà Vinh nuôi con từ đó.
Gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, bà Vinh cặm cụi làm đủ nghề cùng với hai sào ruộng, mảnh vườn nhỏ để nuôi 4 miệng ăn: "Bà ngoại em già yếu nằm liệt giường, ông thì bị mù từ khi còn nhỏ, mẹ nuôi thêm cả em nữa nên bao nhiêu gánh nặng khi ấy đều đè lên vai mẹ", Oanh tâm sự.
Oanh được mẹ chăm sóc, nuôi lớn trong căn nhà nhỏ dột nát không có lấy một món đồ giá trị. Ngày tháng trôi qua, cô bé "9 lạng" ấy cũng trưởng thành và khoẻ khoắn hơn từng ngày.
Do sinh non nên lúc chào đời Oanh chỉ nặng có 9 lạng. Bố của Oanh muốn vứt bỏ em nhưng mẹ Oanh nhất quyết nuôi Oanh
Oanh bắt đầu phụ giúp mẹ làm những công việc nhà, bếp núc rồi trồng rau xới vườn, gặt lúa. Đêm đến, cô bé lại cùng mẹ cầm đèn pin đi bắt con ếch, con nhái suốt đêm kiếm thêm vài đồng mua gạo. Khi ấy dù cơ thể nhỏ nhắn nhưng Oanh nhanh nhẹn, hoạt bát lắm.
Sinh ra trong khó nhọc, khổ cực nên khi còn nhỏ Oanh cũng từng bị bạn bè miệt thị những lời nói cay đắng. Nhiều lần Oanh đặt ra câu hỏi: "Tại sao mình lại khác các bạn vậy?", rồi dần sống nội tâm hơn, ít chơi, ít giao tiếp với bạn bè cùng chang lứa.
"Đến khi học lớp 6, em dần nhận thức được hoàn cảnh của gia đình mình. Khi đó em không oán trách mẹ rằng tại sao các bạn được như vậy, con lại như thế này.
Nhiều khi nghe các bạn có lời đàm tiếu, những câu chuyện về gia đình mình nhưng em không để ý mà chính những lời đó khiến em luôn cố gắng học tập tốt hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống. Có lẽ cũng vì vậy mà từ lớp 1 đến lớp 12 em luôn là học sinh giỏi", Oanh tâm sự.
Oanh nhớ lại những năm tháng cực khổ khi còn nhỏ
Ý chí vươn lên khó khăn đã có trong Oanh từ khi còn nhỏ nên mỗi khi có thời gian, cơ hội để học tập là Oanh không bao giờ bỏ lỡ: "Hồi nhỏ em chỉ toàn tự học ở nhà thôi, em thích đọc sách lắm nên có sách đọc là em vui lắm.
Một thời gian sau, gần nhà có cô giáo giảng bài cho các bạn nhỏ lớp dưới thì em thường hay ngó xem. Sau khi cô biết hoàn cảnh của em thì cô nhận vào dạy em học luôn không phải đóng tiền học gì cả. Thầy cô ở quê thương em lắm nên giúp đỡ em rất nhiều", Oanh vui vẻ nói.
Trong một lần bà Vinh phải nằm viện điều trị 3 tháng về bệnh đau xương, không thể đi lại. Lúc này, Oanh mới lên lớp 12 nhưng bỗng chốc trở thành trụ cột chăm sóc cả gia đình.
Khi ấy, một ngày của Oanh thật dài. Sáng sớm dậy đi học, trưa về nấu ăn chăm sóc cho bà ngoại nằm liệt và ông trẻ mù. Chiều Oanh đi lang thang nhặt ve chai, xin rửa bát thuê tại quán ăn, quán phở kiếm thêm tiền. Có thời điểm, do nhỏ tuổi nên "ngày công không bằng bát phở" nhưng cần tiền trang trải gia đình nên Oanh vẫn cố làm. Tối đến, cô lại vào viện thăm mẹ, khi trở về nhà lại ngồi học đến 2h sáng.
"Con đã lớn rồi! Mẹ đừng suy nghĩ cho con nhiều nữa, hãy giữ sức khoẻ để chăm sóc cho bản thân"
Tưởng rằng những áp lực cuộc sống sẽ sớm qua đi nhưng mọi thứ cứ chèn ép Oanh đến tận cùng của sự đau đớn. Sau bao nhiêu cố gắng, Oanh chuẩn bị thi tốt nghiệp vào giữa năm 2020 thì bà ngoại Oanh mất. Cô gái gắng gượng lại trước sự đau đớn tột cùng để chăm sóc mẹ bệnh tật. Khi ấy, Oanh dự định học hết lớp 12 rồi sẽ đi làm công nhân kiếm tiền phụ giúp mẹ.
Khi học lớp 12, Oanh đi nhặt ve chai, rửa bát thuê để kiếm tiền mua thức ăn nuôi 3 người lớn đau ốm, bệnh tật trong nhà
Nhận thấy hoàn cảnh vô cùng khó khăn và tinh thần hiếu học của Oanh, đến giữa học kỳ 2 năm lớp 12, các thầy cô giáo đã giới thiệu hoàn cảnh của Oanh đến quỹ Khát Vọng, sau nhiều cố gắng, Oanh đã nhận được học bổng "Trái tim sư tử" từ Trường Đại học Anh quốc.
"Giờ em đang theo học chuyên Tiếng Anh ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nhờ có quỹ mà em được tiếp tục đi học, ở đây cũng có một chị trong quỹ cho em sống ở gần trường còn lại quỹ tài trợ hết toàn bộ nên mẹ không phải gửi tiền cho em đi học nữa", Oanh tâm sự.
Giờ đây Oanh vẫn ngày đêm học tập, rèn luyện bản thân để trở thành người có ích. Oanh vẫn đi làm thêm, bưng bê tại quán ăn để kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ ở quê nhà
Dù không còn mất tiền đi học nhưng Oanh vẫn tranh thủ đi làm thêm, bưng bê ở quán ăn kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ ở quê nhà: "Khi tham gia quỹ phải cam kết thành tích học luôn tăng lên, không được thụt lùi. Nếu em học mà thành tích đi xuống sẽ bị cắt học bổng. Không được chơi điện tử, tham gia các trò chơi tệ nạn xã hội. Nên em luôn luôn cố gắng học tập để thành tích đi lên", Oanh chia sẻ.
Mỗi khi rảnh, Oanh vẫn giữ thói quen đọc sách, học tiếng anh, tìm hiểu tin tức ngoài đời sống để nâng cao kiến thức của bản thân.
"Giờ lớn rồi nên em bớt sống nội tâm, tập thói quen nói chuyện cởi mở nhiều hơn, tiếp xúc với mọi người nhiều hơn. Cái nào hay thì em sẽ học hỏi các bạn thêm nhiều hơn.
Do chịu khó, chăm học và ngoan hiền nên Oanh được rất nhiều người quý mến
Điều bận tâm lo lắng nhất của em bây giờ là mẹ, sức mẹ em yếu vì 60 tuổi rồi, mỗi lần về quê thăm mẹ là em thương lắm. Giờ chỉ mong em có việc làm sớm nhất có thể để giúp mẹ và cũng để mẹ thấy được sự phấn đấu của em cho mẹ vui.
Em cũng muốn gửi đến mẹ rằng, "Con đã lớn rồi! Mẹ đừng suy nghĩ cho con nhiều nữa, mẹ hãy giữ sức khoẻ để chăm sóc thật tốt cho bản thân. Con đã tự lo cho mình được rồi", Oanh tâm sự.
Nhận thấy những người thân quanh mình khổ cực, Oanh ước mơ sau này sẽ mở một trại dưỡng lão cho người già: "Ông bà và mẹ em chịu khổ cực nên em thấy rất rõ. Sau này em sẽ cố gắng trở thành một doanh nhân và mở một trại dưỡng lão để chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn như vậy", Oanh chia sẻ.