Bà giáo già gieo chữ cho trẻ em nghèo
"Alo, cô Ba nghe", tiếng nói nhỏ nhẹ của người phụ nữ lớn tuổi vang lên ở một góc đường. Đưa tay quệt mồ hôi, cô Ba lẩm bẩm đếm những xấp vé số còn lại trong giỏ.
Bà giáo về hưu sáng bán vé số, chiều gieo con chữ ở lớp học tình thương
Cô Ba vốn là một giáo viên tiểu học ở TP. Thủ Dầu Một, nghỉ hưu từ năm 2003. Vì không chồng, không con, sau một thời gian chuyển về Vĩnh Long để sống cùng gia đình người anh trai, cô quyết định quay lại nơi mình từng gắn bó để tiếp tục công việc dạy chữ. Thấm thoắt đã hơn 6 năm, hình ảnh bà giáo già lọm khọm, ban ngày cầm vé số đi bán, tối lại đứng ở bục giảng để dạy học cho trẻ em lớp tình thương phường Phú Cường đã trở nên quen thuộc với người dân.
15h chiều, cái nắng gay gắt của TP. Thủ Dầu Một những ngày giữa tháng 11 khiến bước chân của cô Ba thêm phần mệt mỏi. "Ừ về thôi, sắp đến giờ lên lớp rồi", tự nói mình ên, cô Ba khom tấm lưng còng đi về phía nhà trọ.
110 tờ vé số mỗi ngày, cô Ba dùng số tiền kiếm được để mua gạo phát hàng tháng cho học sinh nghèo
Mấy năm trước, cô Ba tính vào viện dưỡng lão để sống nốt phần đời còn lại của mình. Nhưng rồi nhận thấy bản thân vẫn còn sức khỏe, trong lúc đi bán vé số, cô Ba gặp những đứa trẻ không được đến trường, hàng ngày phải lang thang theo cha mẹ kiếm sống. Thương cho những đứa trẻ không biết mặt chữ, từ tháng 4/2016 cô Ba lên phường xin được dạy ở lớp tình thương miễn phí để giúp đỡ các em.
Lớp học nhỏ nhưng ấm áp tình thương, lúc nào cũng sáng đèn từ thứ Hai đến thứ Sáu mỗi tuần
Ban đầu khi đến lớp học tình thương, cô Ba có chút bỡ ngỡ khi độ tuổi của các em trải dài từ 6-7 tuổi đến 17-18, thậm chí có em ngoài 30 tuổi vẫn đến lớp để xin học chữ. Đa phần các em đều chưa biết mặt chữ, chưa thể cầm bút viết như những học sinh khác. Cô Ba phải mất một khoảng thời gian dài mới hiểu hết được tính cách, đặc điểm của các em.
"Ban đầu mấy em đến lớp chưa biết dạ thưa, có đứa 15-16 tuổi mới học đến lớp 1. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tụi nhỏ không có điều kiện tới lớp, cha mẹ đi đâu thì con đi đó để mưu sinh. Cô thấy thương các em và quyết định gắn bó với lớp. Hơn 6 năm rồi, riết thành quen, lớp học như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô. Nó là niềm hạnh phúc và may mắn nhất mà cô có được", cô Ba tâm sự.
Mấy chục năm gắn bó với nghề giáo rồi dạy học ở lớp tình thương, cô Ba xem đó là điều quý giá nhất mà mình có được
Lớp học của cô Ba hiện có 24 học trò rải đều từ lớp 1 đến lớp 5. Đúng 16h30 chiều, tụi nhỏ lại tập trung trước sân của Trung tâm Văn hóa thể thao & Học tập cộng đồng phường Phú Cường (TP. Thủ Dầu Một) để chờ vào lớp học chữ. Có đứa đi bộ, có đứa chạy xe đạp, đứa nào may mắn hơn thì được cha mẹ chở đến lớp. Sau hơn 6 năm tìm đến và gắn bó với lớp học tình thương phường Phú Cường, điều mà cô Ba nhận được chính là sự lễ phép, dạ thưa của tụi nhỏ. Thấy cô Ba đến lớp, đứa nào cũng khoanh tay, cúi đầu lễ phép "Con chào cô Ba".
"Hồi xưa khi chưa đến lớp tình thương, cô Ba cũng buồn nhiều về chuyện gia đình. Nhưng rồi khi gặp các em, nhìn thấy những đứa trẻ hồn nhiên, non nớt tập i a từng chữ cái, có thể đọc, viết được tên của mình, cô Ba hạnh phúc lắm.
Cô Ba không có gia đình, con cái, cô xem các em như con cháu của mình. Giúp được các em biết chữ, cô Ba mừng lắm. Có đứa đã gắn bó với lớp được 5-6 năm rồi", cô Ba nói.
Tan học, cả cô trò cùng nhau đi bán vé số…
Kể từ lúc gắn bó với lớp học tình thương phường Phú Cường, ngày làm việc của cô Ba cũng dài thêm. Từ tờ mờ sáng, cô Ba đã rảo bước đi bán vé số, chiều đến lại qua lớp để gặp tụi nhỏ, tối về cô cũng chưa chịu nghỉ ngơi. Hôm thì chấm bài ở lớp, hôm thì tranh thủ bán thêm ít chục tờ vé số để có thêm thu nhập hỗ trợ cho mấy đứa nhỏ gặp khó khăn.
Thế là cứ sau giờ tan học ở lớp, cô trò lại cùng nhau đi mưu sinh. Trò thì phụ cha mẹ giúp việc, rửa chén, phục vụ ở quán ăn, còn cô Ba cũng cầm xấp vé số trên tay đến những quán café để mời khách.
Một ngày 110 tờ vé số, toàn bộ tiền kiếm được, cô Ba dành vào việc hỗ trợ gạo hàng tháng cho những đứa trẻ lớp học tình thương. Đứa nào đau ốm, gặp chuyện đột xuất, cô Ba cũng trích thêm phần lương hưu của mình ra để giúp đỡ.
Trước khi vào lớp, những đứa trẻ được những mạnh thường quân hỗ trợ bữa ăn chiều
"Cứ đúng ngày 5 Tây, cô đều hỗ trợ gạo cho các em học ở lớp. Nếu những gia đình khá giả, sau khi đến trường học chữ, mấy đứa trẻ sẽ về quây quần ăn bữa cơm gia đình, vui chơi cùng cha mẹ thì tụi nhỏ lớp học tình thương phải đi phụ việc, bán vé số nên cô rất thương các em. Cô sống nhờ vào tiền lương hưu, còn bán vé số, cô dành tiền lời để hỗ trợ, động viên các em đi học chữ. Cô muốn sau này các em biết chữ để có một cuộc sống, tương lai tốt hơn", cô Ba xúc động kể.
Mặc dù đã 74 tuổi, lại làm việc từ sáng đến tối nhưng cô Ba lúc nào cũng vui vẻ, không thấy cực khổ, ngược lại cô xem việc bán vé số trở thành động lực để cô có thể san sẻ nhiều hơn cho những đứa trẻ kém may mắn.
"Mấy chục năm rồi, cô không còn vướng bận chuyện gia đình, chồng con, cuộc sống của cô rất đơn giản, cô chỉ mong mình có được sức khỏe để hỗ trợ các em biết chữ, vươn lên trong cuộc sống là cô mừng rồi.
Cầm những tờ vé số trên tay, cô rất hạnh phúc khi đồng tiền cô kiếm được bằng mồ hôi của mình có thể đem đến hỗ trợ cho các em ở lớp. Còn sức khỏe là cô Ba còn làm, tiếp tục sáng bán vé số, tối về dạy chữ cho các em", cô Ba cười hiền hậu.
Mỗi năm, lớp học chữ lại có thêm những thành viên mới, bắt đầu i a tập đồ nét, đánh vần
Có lẽ trong mấy chục năm làm nghề giáo viên, điều mà cô Ba cảm thấy tuyệt vời nhất chính là gặp gỡ và gắn bó với lớp học tình thương Phú Cường. Bình thường, dạy một đứa trẻ ở trường học đã khó, với tụi nhỏ lớp tình thương, để giúp chúng biết đọc, biết viết, biết học những lời hay lẽ phải còn khó hơn gấp bội. Với lớp học tình thương, cô Ba không chỉ là người cô, người thầy đứng trên bục giảng mà cô còn là người bà, người mẹ đang dùng sự ấm áp, yêu thương của mình để dạy dỗ, uốn nắn những đứa trẻ kém may mắn được nên người.
Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam (20/11), kính chúc cô Ba cũng như toàn thể các thầy cô giáo, những người đang làm công tác "trồng người" được dồi dào sức khỏe, luôn vững tay chèo để đưa các thế hệ học sinh cập bến bờ tri thức