Gánh trôi tàu của cô Vân có gì hấp dẫn đến thế?
Khi trời Hà Nội chuyển lạnh thì những món ăn nóng ấm sẽ là ưu tiên hàng đầu của mọi người. Nếu được quay ra hỏi chọn ăn món gì thì nhiều người không chần chừ gì mà gọi tên món bánh trôi tàu. Ăn miếng nào vị cay ngọt của gừng đọng lại miếng đó. Chính nó đã thấm vào cuống lưỡi, cổ họng, làm ấm cơ thể và xua tan cái của Hà Nội. Bởi vì thế mà người ta thường hay gọi bánh trôi tàu là thức quà của mùa đông ở Hà Thành.
Ở Hà Nội để tìm một cửa hàng bánh trôi tàu vào mùa đông không hề khó, hầu hết ở các khu chợ hay con con phố đều có. Thế nhưng, có một hàng bánh trôi tàu không biển hiệu, cũng chả có quán, chỉ bán khoảng 3 tiếng giờ chiều nhưng lúc nào cũng đông khách xếp dài hàng mét ở trên đường Đê Tô Hoàng. Đó là gánh trôi tàu của cô Vân. Gánh hàng của cô Vân tồn tại được gần 30 năm, ngày trước khi còn sức khỏe cô thường đi bán rong, mãi về sau cô mới ngồi một chỗ gần nhà. Tuy chỉ là gánh hàng nhỏ nhưng đủ các món cho bạn lựa chọn vào một ngày đông: bánh trôi tàu, chè đỗ đen nóng, chè sắn, xôi chè bà cốt… mùa hè thì là những món chè đá mát mẻ.
“Nhà cô không bán gì nhiều, chỉ bán chè truyền thống thôi”, cô Vân cho biết.
Khoảng gần 4 giờ chiều nếu bạn ghé qua con đường Đê Tô Hoàng dấu hiệu nhận biết gánh trôi tàu là hàng người dài xếp hàng. Thậm chí, có người đợi sớm hơn hẳn nửa tiếng trực chờ cô Vân hạ đòn gánh xuống để được cầm được bát bánh trôi tàu nóng hổi. Chị H (người dân sống trên đường Đê Tô Hoàng) cho biết: “Quán cô Vân này bán được mấy chục năm rồi, cũng đông người đến lắm nhưng chủ yếu là dân khu vực lân cận này thôi. Nhưng cả tuần gần đây thấy đông người hơn hẳn do có ai quay lên TikTok, có hôm xếp hàng dài tắc cả đường”.
Khi hỏi cô Vân về chuyện gánh hàng của cô nổi tiếng TikTok, cô tâm sự: “Cô có biết gì đâu, thấy bạn đó quay thì cứ cho bạn ấy quay thôi. Thấy mọi người bảo nổi trên mạng thì mới biết. Khách đông thì vui chứ vì hàng quán của mình nhiều người biết hơn”.
Bánh trôi tàu của cô Vân có 3 loại nhân: nhân thịt, nhân vừng và nhân đỗ xanh. Một điều thú vị là viên bánh trôi nào cũng đều chằn chặn, viên nào viên nấy y chang nhau nhưng cô Vân vẫn biết đâu là viên gì viên gì… Ở đây, cô chỉ bán nhân thập cẩm 3 vị, thi thoảng “mát tính” cô sẽ chiều thực khách theo order theo nhân mà mình thích. Mỗi suất bánh trôi tàu có giá là 20.000 đồng/3 viên, còn các món khác có giá từ 15.000-20.000 đồng tùy vào nhu cầu của mọi người có thể gọi thêm.
Nồi bánh trôi tàu lúc nào cũng nghi ngút khói, thoang thoảng mùi thơm của gừng mỗi khi cô Vân mở nắp.
Vỏ bánh mềm, mỏng và dẻo đủ độ. Mỗi nhân đều có một hương vị riêng. Đặc biệt nhất vẫn là chiếc bánh nhân thịt được nhiều người tìm đến nhất. Thịt xay được trộn cùng nấm hương, mộc nhĩ thái nhỏ, hạt tiêu, nêm nếm gia vị vừa ăn. Tưởng chừng như vô lý, khi ăn một vị mặn mặn cùng nước đường gừng ngọt. Phần nước đường không quá đặc, cũng không quá ngọt, vị gừng rất rõ nên rất phù hợp làm “ấm bụng” vào những ngày đông. Chị Phương (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Mình thấy nhân mặn lạ, lúc đầu có hơi ái ngại nhưng ăn vào lại thấy hợp lí, các vị hòa quyện vào nhau, chứ không đánh nhau như tưởng tượng. Nói chung là mọi người nên thử”.
30 năm chỉ bán vỉa hè, học nghề từ gia đình chồng
Cô Vân cùng gánh hàng xuất hiện khiến ai nấy cũng vui...
Cứ đều đặn đúng 4h chiều, có hôm muộn khoảng 15-20 phút. Cô Vân cho biết: “Một ngày cô chỉ bán tại chỗ từ 4h đến khoảng 6h tối. Cứ hết hàng giờ nào thì nghỉ lúc đó, hôm thì hết sớm từ 5h30, hôm làm được nhiều hàng thì đến khoảng gần 7h tối. Còn ban ngày cô vẫn nhận khách đặt hàng như các công ty, bệnh viện, trường học… Nên hầu như làm cả ngày nên chỉ bán tại chỗ được mấy tiếng thôi vì không có đủ sức với người làm”. Được biết, đằng sau gánh hàng cô Vân còn có sự trợ giúp của 4 người con gái và con dâu.
Cô Vân cho biết: “Công thức làm bánh trôi này cô học từ gia đình nhà chồng, cũng là một gia đình có nghề truyền thống làm bánh trôi. Rồi làm luôn từ lúc đó, bây giờ thì đang truyền lại cho con dâu và con gái làm cùng”.
Ngày nào cũng thế, con dâu của cô Vân ra trước cùng thùng chè bà cốt, thùng chè sắn và một thùng đậu đen, còn cô sẽ ra sau cùng đôi quang quánh. Một bên là chiếc nồi to đựng bánh trôi tàu, một bên là đựng bát đĩa và xôi để phục vụ khách ăn tại chỗ. Gánh hàng của cô ngồi nhờ một nhà người dân trên phố Đê Tô Hoàng. Khách muốn ăn tại chỗ thì xếp ghế nhựa ngồi dạt ở vỉa hè hai bên cạnh.
Khi hỏi cô Vân nếu lượng khách đông như này cô có định mở cửa hàng, cô trả lời: “Cô không, hàng nhà mình tự tay làm ra có được nhiều đâu mà kinh doanh lớn gì đâu”.
Đến đầu giờ chiều dừng nhận đơn chỉ để phục vụ dân, đông khách đến nỗi hàng xóm xắn tay vào làm cùng
Dù nhận được lượng khách khách đông nhưng cô Vân cho biết: “Đúng đến 2 giờ chiều là cô dừng nhận đơn, tắt hết các ứng dụng đặt đồ online chỉ tập trung bán cho dân thôi. Dù gì khách hàng đến ăn cũng là khách quen bà con hàng xóm với bán hàng cũng vui chứ. Tuy có cực đấy, thi thoảng bỏng rát cả tay đấy. Nên mọi người cũng thông cảm nếu có lớn tiếng một chút cũng bởi vì đông thôi”.
Nồi bánh trôi tàu của cô chỉ khoảng 20-30 phút lại đã hết, cô con dâu lại phải đi về nhà lấy thêm bánh ra để bán nên có lúc có mình cô Vân xoay xở với gánh hàng vừa phục vụ khách ăn tại chỗ, vừa đem mang về nên có lúc hàng xóm phải xắn tay vào làm cùng. Người thì giúp đóng gói, người rửa bát…
Nếu lần đầu đến đây bạn cũng sẽ có thắc mắc giống tôi sao ở đây có chuyện gì mà người ta lại xếp hàng đông như thế. Chị Linh (khách quen của quán) chia sẻ: “Bình thường muốn ăn bánh trôi tàu bà Vân đã phải đợi lâu rồi đặt từ lúc dọn hàng mà vẫn phải đợi. Bây giờ chắc phải đợi lâu hơn quá hoặc nhờ bà phần riêng, chứ khách xếp hàng đông quá”.
Thậm chí, có cả khách từ Cầu Giấy, Hà Đông… cũng tìm đến tận đây để thưởng thức hương vị bánh trôi tàu của cô Vân.
Hà Nội ngày đông, có gì thú vị hơn ngồi ăn một bát bánh trôi tàu ấm nóng, rôm rả vài ba câu chuyện thời tiết, chuyện đời thường, chuyện cuối năm... Và đó, gánh bánh trôi bình dị của cô Vân vẫn ngày ngày trở thành điểm đến của những vị khách như vậy.