Loạt phim mới ra mắt trên Netflix mang tên Freud, cũng chính là họ của nhân vật chính. Đó là bác sĩ thần kinh kiêm nhà tâm lý học người Áo - Sigmund Freud (Robert Finster) - một nhân vật có thật trong lịch sử. Ông là người mở ra một chương mới trong lĩnh vực tâm thần bằng học thuyết về phân tâm học, trong đó nổi tiếng nhất là phương pháp trị liệu tâm lý thôi miên và liên tưởng. Ngoài ra, Freud cũng là một nhà tư tưởng lớn. Sức ảnh hưởng của ông còn lan tới các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, sân khấu điện ảnh, đặc biệt là trong nửa đầu của thế kỷ 20.
1. Khai thác chủ đề tội phạm từ góc nhìn khoa học tâm lý
Trước đây, ông từng được nhắc tới trong các bộ phim hư cấu về tội phạm nổi tiếng như The Killing (Vụ Án Giết Người), The Alienist (Nhà Tâm Thần Học) hay Mindhunter (Kẻ Săn Suy Nghĩ). Phương pháp phá án trong những bộ sách này đều học từ tư tưởng của ông - đó là lấy tâm lý làm gốc rễ, dùng sự liên tưởng để soi sáng những bí mật sâu trong tiềm thức mỗi người. Nhưng Netflix đã lựa chọn một cách làm rất khác biệt. Họ đặt Fraud vào một thành phố Vienna hoa lệ giữa thế kỷ 19, bắt ông phải theo đuổi tội phạm giống một thám tử Sherlock Holmes hơn là để ông tập trung vào những nghiên cứu tâm lý của mình.
2. Nội dung lắt léo, vừa thực vừa ảo
Phim mở đầu bằng những chuỗi ngày khốn khổ của bác sĩ Freud. Lúc này ông chưa có danh tiếng, lại không có tiền. Freud đang kỳ vọng học thuyết của mình sẽ có chỗ đứng trong giới học thuật, nhưng trước khi làm được điều đó, ông phải thuyết phục các nhà học giả khác ở thành phố Vienna để xin trợ cấp. Freud không tự tin với kết quả của mình, và để cuộc đàm phán diễn ra êm đẹp, ông quyết định nhờ nữ quản gia của mình - bà Lenore (Brigitte Kren) - đóng giả.
Cuộc sống đầy rẫy khó khăn và tuyệt vọng của Freud cuối cùng cũng le lói ánh sáng khi một vụ án khủng khiếp xảy ra. Một cô gái điếm bị cắt xẻo toàn thân được đưa đến nhà ông giữa đêm bởi chỉ có ông là bác sĩ ở gần hiện trường vụ án nhất. Nhưng Freud không cứu được nạn nhân, thậm chí còn bị các thám tử (Georg Friedrich) và Franz Poschacher (Christoph F. Krutzler) lôi kéo vào cuộc điều tra vụ án đầy bí hiểm này.
Giữa lúc này, Freud tình cờ gặp Fleur Salomé (Ella Rumpf) - một cô gái kỳ lạ được bảo trợ bởi Nữ bá tước Sophia (Anja Kling). Càng chữa bệnh cho Fleur, Freud càng khám phá ra thêm nhiều điều không tưởng nhưng lại đóng vai trò mấu chốt trong học thuyết phân tâm học mà ông đang phát triển. Đồng thời, thông qua làm việc cùng Fleur, vị bác sĩ bắt đầu có thể thôi miên để tiến sâu hơn vào miền ký ức của một cô gái có hàng rào chắn tâm lý vô cùng lỏng lẻo. Nhờ vậy, Freud đã khám phá ra toàn bộ bức màn bí ẩn của vụ án mạng đầy thương tâm lẫn những mưu đồ toan chính sặc mùi chính trị trong hoàng gia Áo - Hung vào thời đại này.
3. Hình ảnh mãn nhãn nhưng dễ gây ám ảnh
Freud có thời lượng 8 tập phim. Tên của mỗi tập phim được đặt dựa theo một khái niệm trong học thuyết của Freud khiến khán giả rất ấn tượng. Tuy nhiên, Freud cũng thất bại ở việc quá lạm dụng phương pháp trị liệu thôi miên.
Bên cạnh đó cũng có vô số chi tiết gây nhạy cảm như những cảnh ân ái "nóng mặt", các yếu tố tâm linh, siêu nhiên, ma quỷ và vô số hoang tưởng trừu tượng của các nhân vật. Những điều đó khiến Freud trở thành bộ phim vô cùng kén khán giả cho dù có là người hâm mộ dòng phim siêu đen tối đi chăng nữa. Mặc dù vậy, Fraud vẫn có thể khiến khán giả mãn nhãn phần hình. Những khung hình cần máu me sẽ có đủ máu me, cần ám ảnh sẽ đủ ám ảnh. Đạo diễn Marvin Kren đã khéo léo xử lý ánh sáng và máy quay để khiến khán giả có cảm giác như đang đi vào tâm lý của các nhân vật thật sự.
3. Diễn viên nhập vai đến kinh ngạc
Một điểm nhấn khác của phim đến từ dàn diễn viên. Phong thái của nam diễn viên Robert Finster có thể coi là rất ấn tượng khi khắc họa một bác sĩ lừng danh thời trẻ với nhiều biến cố. Hay cả nữ diễn viên nắm chìa khóa then chốt của toàn bộ phim là Ella Rumpf cũng thể hiện được sự vặn vẹo và chuyển hóa tâm lý khó lường của nhân vật Fleur một cách xuất sắc.
Freud được chiếu trên Netflix kể từ ngày 23/03/2020.
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.