Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’

Quỳnh Lê - Hồng Nhuận | 27-09-2021 - 13:25 PM

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đã đệ đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Vì sao Trung Quốc lại chọn thời điểm này?

CPTPP là hiệp định thương mại thế hệ mới được 11 quốc gia ký kết vào năm 2018, bao gồm Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam. Hiệp định đã có hiệu lực gần 3 năm với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn.

Trí thức trẻ đã có buổi trò chuyện với ông Fred Burke, Founder Baker McKenzie Vietnam về vấn đề chủ đề Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP và câu chuyện với Việt Nam. Baker McKenzie Vietnam thuộc hãng luật nổi tiếng Baker & Mckenzie – "đế chế" lớn mạnh trong ngành dịch vụ pháp lý trên toàn cầu.

Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’ - Ảnh 1.

Ảnh: REUTERS/Rodrigo Garrido

Ông Fred Burke đã sống tại Việt Nam 35 năm. Sau khi tốt nghiệp Stanford vào năm 1981, ông đến Trung Quốc và làm việc tại đây khoảng 2 năm. Năm 1984, ông quay về Mỹ và học tiếp tại Trường luật Columbia. "10 năm sau, khi một đồng nghiệp mở lời: ‘Fred, ông đã làm rất tốt trong việc xây dựng văn phòng của Baker McKenzie tại Trung Quốc, ông có muốn thành lập văn phòng tại Việt Nam không?’, tôi đã nhận lời và gắn bó với Việt Nam đến tận bây giờ", ông Fred cười chia sẻ.


Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’ - Ảnh 3.

Theo ông, đâu là cơ hội cho Trung Quốc khi xin gia nhập CPTPP vào lúc này?

Cá nhân tôi cho rằng, trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ chưa thể nhanh chóng tham gia vào khung CPTPP, hay họ chưa đủ điều kiện để tham gia nếu nhìn về mặt tính chất của hiệp định.

Nền kinh tế nội địa Trung Quốc đã vô cùng khổng lồ, cộng thêm việc nước này cũng tham gia vào một số hiệp định thương mại quan trọng như Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), hay Đối tác Toàn diện Khu vực (RCEP). Điều này cho thấy Trung Quốc luôn luôn duy trì tính cạnh tranh, cũng như khả năng tiếp cận các thị trường đối tác lớn.

Ở Mỹ có một thành ngữ để chỉ vai trò của Trung Quốc trong trường hợp này, đó là 800-pound gorilla (con gorilla nặng 800 pound). Nó xuất phát từ một câu đố vui: Đố bạn con gorilla nặng 800 pound ngồi ở đâu? Câu trả lời là: Bất kỳ chỗ nào nó muốn.

Trong khi đó, các nước thành viên CPTPP khác như Nhật Bản, Canada hay Australia cũng sẽ xem xét kỹ lưỡng về việc để Trung Quốc tham gia vào khối. Đặc biệt là Nhật Bản là nước đóng vai trò Chủ tịch CPTPP trong năm 2021 này.

Vừa qua, Nhật Bản cũng đã cho biết rằng họ sẽ tham vấn với các quốc gia thành viên về đơn xin gia nhập của Trung Quốc. Song, hiện Nhật Bản vẫn không hề đưa ra các khung thời gian cụ thể cho quá trình tham vấn này. Nhật cũng tuyên bố rằng việc tuân thủ những quy định tiêu chuẩn cao của CPTPP sẽ là điều kiện tiên quyết để Trung Quốc có thể bước vào những vòng đàm phán cho quá trình gia nhập.

Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’ - Ảnh 4.

Một vấn đề khác là quy định của CPTPP đối với các doanh nghiệp nhà nước theo Chương 17 nêu rõ, một quốc gia thành viên cũng không được phân biệt đối xử (bao gồm cả nguyên tắc tối huệ quốc và đối xử quốc gia) đối với hàng hóa, dịch vụ được cung cấp bởi doanh nghiệp của mình với hàng hóa, dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp của các quốc gia thành viên CPTPP khác. Như vậy thì với cơ cấu kinh tế hiện tại của Trung Quốc, điều này sẽ tương đối thách thức.

Hơn nữa, TPP ban đầu được lập ra không phải để kìm nền kinh tế Trung Quốc, mà để cân bằng lợi ích kinh tế theo khối thương mại trong khu vực. Trung Quốc cũng sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn của CPTPP khi nước này triển khai Luật An ninh dữ liệu mới, cấm chuyển dữ liệu ra nước ngoài. Đây cũng là bước đi không phù hợp với những quy định của CPTPP.

Tôi nghĩ về lâu dài, nếu Trung Quốc cải cách nền kinh tế, việc quốc gia này gia nhập CPTPP sẽ giúp khối hiệp định này gần như ngang bằng với WTO. Nhưng hiện tại, tôi chưa thấy có những cơ sở hợp lý khi Trung Quốc gia nhập CPTPP. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ rơi vào thế khó vì sức mạnh kinh tế nhất định của Trung Quốc.

Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’ - Ảnh 5.

Vì sao ông lại ví Trung Quốc như gorilla nặng 800 pound?

Lý do tôi ví như vậy bởi thực tế, toàn bộ nền kinh tế trong khối CPTPP cộng lại vẫn không lớn bằng Trung Quốc, tính cả về dân số hay khối lượng. Do vậy, việc xem xét đơn xin gia nhập của Trung Quốc phải rất cẩn thận.

Trung Quốc đã là thành viên của RCEP, cũng như nhiều hiệp định thương mại toàn cầu và khu vực quan trọng khác. Điều này mang lại lợi thế cho Trung Quốc về một số mặt hàng. Tôi lấy ví dụ như máy kéo chẳng hạn, nếu nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam sẽ bị đánh thuế đến 70%, nhưng từ Trung Quốc sang thì tỷ lệ này là 0%. Như vậy, đương nhiên người mua Việt Nam sẽ chọn mua từ Trung Quốc vì số tiền bỏ ra rẻ hơn cho cùng một thiết bị.

Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’ - Ảnh 6.

Vậy tại sao Trung Quốc lại đệ đơn gia nhập CPTPP vào đúng thời điểm này?

Tôi nghĩ một trong những lý do đưa ra quyết định này của Trung Quốc chính là cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành vị trí dẫn đầu toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, cả hai quốc gia này đang tích cực thu hút đối tác, cũng như tìm kiếm các liên minh tham gia nhằm thúc đẩy lợi ích kinh tế.

Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’ - Ảnh 7.

Đặc biệt hơn cả, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn quay trở lại CPTPP. Như vậy với ý định gia nhập CPTPP, vị thế của Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể. Trong trường hợp này, Mỹ hoàn toàn có thể "bị xa lánh".

Có thể ví như việc khi nhìn vào gương chiếu hậu, Mỹ đang ngày càng tụt lại phía sau, bởi dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã rút khỏi TPP vào những phút cuối cùng.

Điều này thực sự rất đáng tiếc, nhất là khi hồi đầu năm nay, Anh cũng đã nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Thực chất những động thái này đều có lợi cho việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như phục hồi kinh tế, phát triển thương mại và tăng trưởng đầu tư sau đại dịch.

Nước Anh với khoảng hơn 66 triệu dân vừa là một nền kinh tế lớn, cũng như có cấu trúc phù hợp với hầu hết quy định của TPP. Như vậy cơ hội của Anh cũng là rất rộng mở. Ngoài ra, đơn xin gia nhập của Vương quốc Anh cũng đã được cộng đồng doanh nghiệp Anh vô cùng ủng hộ vì sau một thời gian, nhu cầu bù đắp cho Brexit là rất lớn.

Có thể thấy Anh đã nỗ lực xây dựng các thỏa thuận thương mại mới có lợi cho nước này, và CPTPP là một trong số đó. Đây cũng có khả năng là một lý do khác tác động phần nào đến quyết định gia nhập của Trung Quốc.

Liên quan đến Mỹ, vì sao ông cho rằng không có dấu hiệu chỉ ra chính quyền thời Tổng thống Biden sẽ quay lại CPTPP?

Thực chất dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ tập trung nhiều vào các hiệp định song phương hơn là đa phương. Đương nhiên với những hiệp định song phương, sẽ mất rất lâu để đi từ đàm phán đến khi có hiệu lực, với chỉ một thị trường. Hiện Mỹ cũng đang tập trung rất nhiều vào những hiệp định song phương, về những lĩnh vực rất cụ thể từ chăn nuôi đến kinh tế số…

Với tình hình hiện tại, tôi không cho rằng Mỹ sẽ sớm quay lại CPTPP. Như ở cuộc họp tuần trước, lần đầu tiên từ "TPP" được xuất hiện trong phiên thảo luận. Trước đó, dưới thời Tổng thống Trump, việc quay lại CPTPP đã được khẳng định rõ ràng là không thể. Ông Trump khi ấy đã nhấn mạnh rằng hiệp định này đã lấy đi số lượng việc làm đáng kể của người Mỹ, và vấn đề không chỉ nằm ở doanh nghiệp, mà còn là người lao động.

Nếu Mỹ tính đến chuyện quay lại CPTPP, thì họ cần đảm bảo quyền lợi của người lao động Mỹ.

Đương nhiên là nếu Mỹ thực sự muốn quay lại, sẽ có rất nhiều giải pháp. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam hơn 50 tỷ USD, con số không hề nhỏ. Về phía Việt Nam cũng có thể xem xét bỏ yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) chẳng hạn, giúp thúc đẩy thêm nhiều nhà xuất khẩu Mỹ tham gia vào chuỗi cung ứng.

Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’ - Ảnh 8.

Vậy cơ hội và thách thức của Việt Nam trong trường hợp các quốc gia lớn lần lượt nộp đơn gia nhập CPTPP ở đây là gì?

Trong bối cảnh đầy thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra, CPTPP là công cụ giúp Việt Nam có thể giảm chi phí với sản phẩm và hàng hóa linh kiện nhập khẩu, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu. Chưa kể, hiệp định này cũng giúp Việt Nam tăng khả năng tiếp cận đối với các dịch vụ hỗ trợ đầu tư và thương mại thiết yếu.

Thực tế mà nói, việc có một hiệp định áp dụng rộng rãi như CPTPP giúp tất cả các bên tham gia tập trung nguồn lực của họ nhiều hơn, với ít cuộc đàm phán hơn. Đây là một lợi thế so với việc khi dàn trải hàng tá các hiệp định song phương.

Founder hãng luật Baker McKenzie Vietnam: Đằng sau câu chuyện Trung Quốc xin gia nhập CPTPP và thách thức của Việt Nam trước ‘gorilla nặng nghìn pound’ - Ảnh 9.

CPTPP mặc dù không lớn như WTO, nhưng với một nhóm các quốc gia có cùng mục đích khi trao đổi thương mại, những đàm phán sẽ nhanh hơn và sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn trong ngắn hạn.

Tuy nhiên khi nhìn sang quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất, thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam. Như vậy khi Trung Quốc gia nhập CPTPP, Việt Nam sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về kinh tế, cũng như sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh trong khối.

Việt Nam nhập siêu với Trung Quốc, xuất siêu với Mỹ và có thặng dư khá tốt với EU. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có khả năng tiếp tục nhập siêu lớn hơn nữa với Trung Quốc nếu quốc gia này gia nhập CPTPP. Thách thức với Việt Nam cũng từ đó sẽ lớn hơn.

Nếu chỉ kể ra một điểm mà ông ấn tượng nhất với Việt Nam trong 35 năm qua, thì đó là điều gì?

Một sự thay đổi tôi nhìn thấy rõ nhất đó là khả năng thích ứng của Việt Nam, việc đưa ra các bước đi phù hợp với tình hình thực tế để phát triển hơn nữa. Kể từ khi tôi đến Việt Nam, cả về hệ thống lẫn môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn, cạnh tranh hơn, minh bạch hơn và ở thời điểm hiện tại là tính tự động cao hơn. Điều này cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở nên lớn hơn.

Giai đoạn trước Covid-19, chúng ta đều biết rằng Việt Nam là hình mẫu cho tăng trưởng khu vực châu Á. Tất nhiên Covid-19 đã khiến tốc độ này chững lại một chút, nhưng đương nhiên, đây không chỉ là vấn đề của một quốc gia, mà là câu chuyện của cả thế giới.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM