Hà Nội trong hơn 1000 năm tuổi có biết bao nhiêu chuyện để kể? Người ta vẫn thường nói: tương lai bắt đầu từ quá khứ; những thành phố với bề dày văn hóa luôn mang lại sự thu hút và gây ra nhiều tò mò. 100 năm trước Hà Nội trông thế nào? Quy luật đặt tên những con phố ra sao? Bằng giọng kể chuyện thủ thỉ tâm tình, gần gũi, Chuyện của Hà Nội đã mang tới một lăng kính khác về thủ đô.
Hà Nội của một thế kỷ trước ra sao?
Thứ duy nhất có thể trả lời chúng ta là những bức ảnh hiếm hoi đã bị bụi thời gian phủ mờ, là những câu chuyện vẽ ra kí ức hoài cổ.
Chợ Bưởi, Hồ Tây, phố Hàng Ngang, Hàng Đào… 100 năm đủ cho một đời người và cũng làm thay đổi biết bao những khung cảnh, nhưng "dẫu cho Hà Nội có thay da đổi thịt thế nào thì Hà Nội vẫn mãi là Hà Nội nhớ thương, để khi ở thấy yêu, mà đi xa thì thấy nhớ".
Các bạn trẻ đã cùng nhau sưu tầm lại nhiều bộ ảnh xa xưa hiếm có như: bộ sưu tập được tác giả Das dày công tìm kiếm, sưu tầm trong suốt 7 năm trời...
Hay những bức dịp trung thu chụp năm1928 đã được làm màu cho sống động hơn.
Thông qua những bức ảnh, người xem phần nào mường tượng về khung cảnh, văn hóa, thói quen sinh hoạt của người Hà Nội cách đây một thế kỷ.
Admin Chuyện của Hà Nội chia sẻ: "Cái chúng mình muốn chính là chia sẻ được những tư liệu quý giá đó như một cách để khơi dậy lòng tự hào trong mỗi người Việt Nam".
Phố phường Hà Nội hóa ra là được đặt tên theo quy tắc
Hà Nội 36 phố phường, mỗi con đường, ngõ phố đều gắn với một cái tên mang bề dày lịch sử.
"Nhớ đường Hà Nội là nhớ được Sử, nhớ Sử là nhớ được đường Hà Nội..." – bởi vì lời mời chào như thế mà bài viết đã thu hút hơn 2.4 lượt yêu thích và bình luận.
Người sinh ra lớn lên ở Hà Nội, người ở tỉnh xa về thủ đô học tập, làm việc chắc cũng không mấy ai để ý quy tắc đặt tên cho những ngõ phố ở thủ đô. Có lẽ vậy mà bài viết này đã níu chân nhiều người.
"Chả hiểu sao cái bài dài như này về lịch sử thì tôi lại dừng lại đọc cho hết… " – bạn Nguyễn Phương Thảo bình luận. Thực ra thì có ai mà không bị tò mò về lý do con phố này tên Trần Hưng Đạo, con phố kia tên Yết Kiêu, Nguyễn Du… cơ chứ?
"Thuộc đường Hà Nội thì thuộc luôn lịch sử đất nước" – một bạn trẻ bình luận.
Quả thực, với Chuyện của Hà Nội, "những kiến thức lịch sử gắn liền với đời sống thực tế là điều chúng đang hướng tới để fanpage ngày càng bổ ích hơn với người đọc, để trau dồi kiến thức và tình yêu thủ đô".
Câu chuyện lịch sử không thể nào quên
Hà Nội trong hàng nghìn năm lịch sử có thăng có trầm, có cả ký ức tang thương và hạnh phúc. Chuyện của Hà Nội đã kiếm tìm và chia sẻ câu chuyện về thủ đô của những năm chiến tranh bom đạn để mỗi người trẻ hôm nay thêm trân quý hòa bình đang được giữ gìn.
Đó là bộ ảnh ngày thu Hà Nội năm 1954 khi thủ đô được giải phóng, khắp phố phường hân hoan chào đón những người lính cụ Hồ trở về.
Hay còn là bộ ảnh về Hà Nội mùa đông năm 1972 khi 30 máy bay B-52 ném bom xuống đường phố Khâm Thiên....
"Nhìn để thấy trân trọng cuộc sống ngày hôm nay" – facebook Phương Hoa bình luận.
"Mình nghĩ là tình yêu thì được bắt nguồn từ sự thấu hiểu. Mà để hiểu được thì phải mất nhiều thời gian tìm tòi lắm. Chuyện của Hà Nội muốn đóng vai trò là cầu nối, là nơi để mọi người có thể chiêm nghiệm và biết thêm về thủ đô một cách gần gũi và thân thương. Đã có những kí ức lịch sử, những sự kiện và con người trong quá khứ làm nên màu sắc hiện tại của nơi này, nếu chẳng có ai giữ gìn và lan tỏa điều đó thì sẽ cực kì đáng tiếc cho mà xem"- admin Chuyện của Hà Nội chia sẻ.
Những cảm xúc tự hào xem lẫn trân trọng biết ơn như thế là điều mà Chuyện của Hà Nội muốn mang lại. Từ đó, mỗi người sẽ thêm yêu mảnh đất này dù có đi bao xa.
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, non sông thu về một mối, đất nước hoàn toàn độc lập. Giây phút lịch sử thiêng liêng tuy đã xa cách hàng vài thập kỷ, nhưng cảm xúc bồi hồi và tráng lệ như vẫn đang trong nhịp đập, trong hơi thở của từng người Việt Nam.