Bản tin tối 19/8 của Bộ Y tế cho biết, tính từ 18h ngày 17/8 đến 18h ngày 19/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 10.639 ca nhiễm mới trong nước. Trong đó có 6.407 ca trong cộng đồng, chiếm 60% tổng số ca mắc.
Trong đó, riêng tại TP Hồ Chí Minh ngày 18/9 ghi nhận 4.425 ca mắc mới Covid-19.
Đặc biệt, theo dữ liệu từ cổng thông tin Covid-19 TP.HCM lúc 22h ngày 19/8, trong ngày, TP ghi nhận 4.371 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có đến 3.603 ca cộng đồng (Dữ liệu được ghi nhận đến 17h ngày 19/8).
Số ca mắc mới trong cộng đồng tại TP. HCM ngày 19/8
Như vậy số F0 trong cộng đồng ngày 19/8 tại TP.HCM chiếm chiếm đến 82% so với tổng số ca mắc trong ngày và đây là ngày thứ 3 liên tiếp, số F0 trong cộng đồng ở TP.HCM tăng:
Cụ thể, ngày 16/8: Số ca F0 trong cộng đồng chiếm 53% tổng số ca mắc.
Ngày 17/8: Số ca F0 trong cộng đồng là 2.568 ca, trên tổng số 3.540 ca, chiếm 72,5%.
Ngày 18/8: Số ca F0 trong cộng đồng là 2.848 ca, trên tổng số 3.694 ca, chiếm 77%.
Ngày 19/8: Số ca F0 trong cộng đồng là 3.603 ca, trên tổng số 4.371 ca, chiếm 82,4%.
Các quận huyện có số ca F0 trong cộng đồng nhiều nhất ngày 19/8 là tại: Quận 10, Bình Tân, huyện Nhà Bè, Quận Tân Bình...
Về vấn đề số lượng ca F0 trong cộng đồng liên tục tăng trong 3 ngày vừa qua, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh TP HCM (HCDC) đã có những lý giải tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn chiều ngày 19/8.
Theo ông Tâm, số lượng F0 trong cộng đồng tăng lên những ngày do nhiều nguyên nhân. Thông tin VnExpress cho hay, một trong số các nguyên nhân do thành phố đang đẩy mạnh xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm để kiểm soát F0 tốt hơn.
Ngoài xét nghiệm của hệ thống y tế, người dân cũng tự test nhanh. Khi phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 thì họ báo cơ quan y tế cũng là lý do khiến số lượng F0 tăng.
"Đây là tín hiệu tích cực vì đã xét nghiệm đúng chỗ, nắm chắc F0 tại địa phương để quản lý. Chúng ta không nên quá lo lắng", VnExpress dẫn lời ông Tâm tại buổi họp báo.
Vị Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh TP HCM dự đoán những ngày tới số lượng F0 vẫn có thể tăng và chưa kể một số nơi chưa tuân thủ nghiêm giãn cách cũng khiến số ca cộng đồng tăng lên.
Trong đợt dịch thứ 4 này, thành phố đã ghi nhận gần 161.920 ca nhiễm (số liệu theo báo cáo của HCDC lúc 16h ngày 19/8) và trải qua 42 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Trong buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM, chiều 19/8, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết theo thống kê của Công an TP.HCM thì mỗi ngày có khoảng 1,2 triệu người ra đường. Lý giải về vấn đề số lượng người ra đường đông, Báo Thanh Niên dẫn lời ông Đức chỉ ra 3 nguyên nhân chính gồm:
Thứ nhất: Sau thời gian áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 chỉ có một số dịch vụ hoạt động, thì đến ngày 16/8, TP.HCM kéo dài giãn cách thêm 1 tháng đến ngày 15/9 và cho phép một số dịch vụ được hoạt động như: Các cơ sở sản xuất thực phẩm (bánh mì, tàu hũ, bún, hủ tiếu...); các tổ chức hành nghề công chứng; các công ty cung cấp dịch vụ: bảo vệ; bảo trì, sửa chữa chung cư, phòng bán vé máy bay; phòng khám tư nhân... và đội ngũ giao hàng thiết yếu.
Thứ hai: Do các địa phương rào chắn các tuyến đường nhánh để phục vụ kiểm soát nên người dân chỉ có thể đi lại ở các tuyến đường chính dẫn đến cảm giác đông đúc dù số người ra đường vẫn như cũ nhưng số đường đi ít hơn.
Thứ ba: Số lượng người dân di chuyển ra đường để đi tiêm vaccine Covid-19 tương đối đông. Theo ông Đức thông tin mỗi ngày ở TP.HCM có khoảng 200.000 thậm chí có ngày lên đến hơn 300.000 người di chuyển đến các cơ sở y tế để tiêm vaccine. Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho rằng nếu người dân thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch thì không tạo ra mối nguy cơ lớn.
Trước đó, chiều 18/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhận định việc phòng, chống dịch vẫn chưa đạt như mong muốn, nhất là tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Zing.vn dẫn lời theo Thủ tướng, nguyên nhân của việc này, một phần là có lúc, có nơi người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát có lúc chưa nghiêm; việc thực hiện 4 tại chỗ còn hạn chế do thiếu nguồn lực nên khi dịch bệnh phức tạp trở nên quá tải…
(Tổng hợp)