F0 có dấu hiệu bệnh nặng chưa tới được bệnh viện: Chuyên gia hướng dẫn 5 cách xử trí cấp cứu tại nhà rất quan trọng

Nhóm chuyên gia 5F | 09-08-2021 - 08:27 AM

(Tổ Quốc) - Trong trường hợp có dấu hiệu bệnh nặng, SpO2 < 94% và chưa tới được cơ sở y tế, tham khảo với bác sĩ và hướng dẫn sau.

BBT đã giới thiệu với độc giả một phần bài viết "Ba bước theo dõi và chăm sóc sức khoẻ tại nhà" dành cho F0 bao gồm:

- Bước 1: 8 điều cần làm để TỰ THEO DÕI SỨC KHOẺ

- Bước 2: 9 dấu hiệu PHÁT HIỆN SỚM NGUY CƠ CHUYỂN NẶNG để tới bệnh viện cấp cứu COVID-19 hoặc bệnh viện gần nhất.

Link đọc TẠI ĐÂY

Bài viết này giới thiệu Bước 3 XỬ TRÍ CẤP CỨU TẠI NHÀ KHI CHỜ CẤP CỨU trong trường hợp có dấu hiệu bệnh nặng, SpO2 < 94% và chưa tới được cơ sở y tế.

XỬ TRÍ CẤP CỨU TẠI NHÀ KHI CHỜ CẤP CỨU:

Trong trường hợp có dấu hiệu bệnh nặng, SpO2 < 94% và chưa tới được cơ sở y tế, tham khảo với bác sĩ và hướng dẫn sau.

1. Thở oxy kính mũi (2-6l/ph) hoặc mask (5-10ph) với lượng tối thiểu sao cho SpO2 tăng trên 92%. Liên lạc với bác sĩ để chuyển viện. Lưu ý, không bao giờ cho thở oxy mask dưới 5 l/ph hoặc bệnh nhân bị nôn/sặc.

Cách lắp bình oxy tại nhà, theo dõi qua video này:

2. Liên hệ với bác sĩ để được kê đơn thuốc steroid, bất cứ loại nào dưới đây (5-10 ngày) và có thể dừng khi không cần thở oxy nữa. Liều người lớn:

Dexamethasone 6 mg x 1 lần/ngày ; hoặc

Methylprednisolone 16mg x 2 lần/ngày; hoặc

Prednisolone 40 mg x 1 lần/ngày ; hoặc

Hydrocortisone 50 mg x 3 lần/ngày hoặc 100mg x 2 lần/ngày.

Tất cả steroid đều thận trọng với người có tiền sử loét dạ dày, có thể gây xuất huyết dạ dày, giữ nước gây phù, cao huyết áp. Phải uống thuốc sau ăn, tốt nhất sau ăn sáng. Nếu bệnh nhân bị tiểu đường, không tự dùng steroids ở nhà. Nếu tự uống thì đường huyết sẽ tăng cao, làm gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. Vì vậy, hãy báo với bác sĩ.

3. Nằm sấp để tăng quá trình trao đổi oxy ở phổi, giúp dễ thở hơn.

4. Nếu bệnh nhân cao huyết áp thì cho bệnh nhân uống 1 viên hạ áp trước khi chuyển tới bệnh viện (Nifedipin 20mg).

5. Liên hệ với bác sĩ để được kê đơn thuốc chống đông đường uống hoặc tiêm.

LƯU Ý: Không tự ý dùng thuốc Steroid, thuốc chống đông, kháng sinh, kháng vi rút. Các thuốc này cần được dùng đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng cách. Nếu không, thuốc sẽ có hại hơn là có lợi. Ví dụ:

Uống thuốc steroid ở giai đoạn sớm của bệnh sẽ khiến cơ thể không chống lại được sự nhân lên của virus. Chỉ uống khi cơ thể phản ứng quá mức với sự nhân lên của virus. Đồng thời, thuốc steroid có thể gây chảy máu dạ dày ở người bị loét dạ dày, tăng đường huyết bất thường ở người tiểu đường, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.

Thuốc kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus mà có thể gây tác dụng phụ với cơ thể, khiến cơ thể không đủ khỏe mạnh để chống lại virus. Chỉ sử dụng kháng sinh khi bị nhiễm vi khuẩn gây nhiễm trùng. Thuốc chống đông cần sử dụng rất thận trọng, với sự giám sát của bác sỹ, vì có thể gây chảy máu bên trong cơ thể, nguy hiểm đến tính mạng.

* Đây là tài liệu dịch tóm lược từ tài liệu của nhóm các nhà khoa học INDIA COVID SOS. Bài viết chỉ nhằm cung cấp thông tin chăm sóc cơ bản, không thể thay thế được tư vấn và chăm sóc của cán bộ y tế. Xin hãy liên hệ với bác sĩ của bạn, với các cán bộ y tế có trình độ đáng tin cậy, các chuyên gia đúng chuyên ngành và những người có thẩm quyền. Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi cấp cứu 115.

* Nhóm 5F và team tình nguyện của Woolcock gồm các bác sĩ, nhà dịch tễ học, khoa học xã hội, dược sĩ và chuyên gia y tế công cộng tình nguyện tâp hợp các thông tin có bằng chứng khoa học về COVID-19 để giúp người dân và các đồng nghiệp tham khảo dễ dàng nhất.

Các chuyên gia tham gia nhóm chuyên gia 5F là: TS. Nguyễn Thu Anh (dịch tễ), Ngô Hoàng Anh (toán), TS. Lê Thị Kim Ánh (thống kê), ThS. Nguyễn Thị Hương Thảo (xã hội học), Dương Thị Duyên (dược sĩ), TS. Nguyễn Cường Quốc (dịch tễ và virus học), TS. Phan Hữu Phúc (bác sĩ nhi), BSCKII Nguyễn Nguyên Huyền (bác sĩ truyền nhiễm).

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM