Extraordinary Attorney Woo (Nữ Luật Sư Kỳ Lạ Woo Young Woo) hiện đang là tựa phim được khán giả bàn tán nhiều nhất hiện nay. Lên sóng trên đài ENA, phim đã giúp nhà đài vô danh này bất ngờ trở thành từ khóa được săn đón ở Hàn Quốc khi rating phim liên tục tăng trưởng, mạnh mẽ tới độ khiến nó lập ra kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử phim truyền hình Hàn. Cụ thể, chỉ trong 4 tập phim, rating đã tăng gấp 5 lần, vượt mốc 5% và cũng vượt mặt luôn loạt tác phẩm đình đám chiếu trên các đài lớn. Với hai đề tài chính: cuộc sống của người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ và luật pháp, Extraordinary Attorney Woo không hề khô khan cũng chẳng nặng nề với những từ ngữ chuyên môn. Bởi vô vàn những vụ án tàn khốc và cả thế giới đầy khắc nghiệt với Young Woo (Park Eun Bin) đều được biên kịch chọn khắc họa bằng những nét chấm phá rất nhẹ nhàng, tươi sáng như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Một đại diện đặc biệt nhưng đầy ấm áp và rất thực tế về chứng rối loạn phổ tự kỷ
Extraordinary Attorney Woo không phải tác phẩm đầu tiên khai thác câu chuyện về người tự kỷ của biên kịch Yoo In Shik nhưng là lần đầu tiên câu chuyện đó được nhìn qua một lăng kính đầy tươi sáng. Với sự hiểu biết sâu rộng về chứng rối loạn phổ tự kỷ, biên kịch Yoo đã vẽ nên một đại đại diện đơn giản, đặc biệt nhưng đầy ấm áp về những con người không may mắc chứng bệnh này. Dĩ nhiên không đánh đồng mọi người tự kỷ đều giống Yoo Young nhưng qua lăng kính của biên kịch Yoo, những bất hạnh đớn đau, những niềm vui bé nhỏ hay những tủi hờn mệt mỏi của người tự kỷ đều trở nên thật nhẹ nhàng.
Chuyện phim mở đầu với một dấu mốc định mệnh, khi Woo Young Woo (Park Eun Bin) tròn 5 tuổi và được kết luận là một đứa bé mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Cũng chính trong cái ngày định mệnh ấy, cha cô bé phát hiện ra con gái mình là một thiên tài, cô bé có thể đọc vanh vách những bộ luật khó nhằn, có thể giao tiếp đầy lưu loát khi nhắc tới luật pháp. Mỗi đứa trẻ tự kỷ đều vô cùng đặc biệt, phim đã mở đầu với một thông điệp nhân văn như thế. Một thông điệp mà có thể ở đâu đấy trên trái đất này, sẽ có khán giả cảm thấy được chữa lành nhờ nó.
Mỗi đứa trẻ tự kỷ đều vô cùng đặc biệt, phim đã mở đầu với một thông điệp nhân văn như thế. Một thông điệp mà có thể ở đâu đấy trên trái đất này, sẽ có khán giả cảm thấy được chữa lành nhờ nó.
Lệ
Giữa một thế giới đầy khắc nghiệt, giữa những tủi hờn phải trải qua khi sống cùng một đứa bé mắc chứng tự kỷ, bố của Young Woo - ông Gwang Ho đã kiên cường cùng con lớn lên. Sau bao nỗ lực của bố, sau những lần mà ông cảm thấy đơn độc trước mặt chính cô con gái bé nhỏ của mình, cuối cùng Young Woo cũng trưởng thành và trở thành một luật sư thực thụ. Cách Young Woo một mình tới văn phòng luật trong ngày đầu tiên, bước qua chiếc cửa xoay ở tòa nhà nơi mình làm việc cũng là cách cô mở ra cho bản thân và những người tự kỷ một thế giới rất khác.
Trong hành trình mà Young Woo làm quen với thế giới mới, thế giới của người tự kỷ cũng được khắc họa một cách rõ nét trước mắt khán giả. Phải dành một lời khen ngợi cho biên kịch Yoo khi đã rất tập trung vào các tiểu tiết, giúp hình ảnh người tự kỷ được miêu tả một cách chân thực nhất. Đó là cách Young Woo thu mình trước cả thế giới, sống với thế giới nội tâm của mình, với một niềm đam mê rất riêng: cá voi. Là khi Young Woo gặp khó khăn trong việc nhận diện cảm xúc nên bố cô đã cất công chụp rất nhiều hình minh họa, chú thích rõ ràng về các cảm xúc của con người để Young Woo có thể tự tin đi ra thế giới. Là việc cô lặp đi lặp lại những thói quen khó bỏ, như cách đếm đủ 5 giây mới dám đi qua một cánh cửa, nhắc lại lời nói của người khác,... Hay thói quen sắp xếp các đồ vật cho đều nhau, thật ngay ngắn, từ kệ tủ cá voi, từ những cuộn cơm rong biển và cả chiếc ghế mà các đồng nghiệp ngồi,... Những hành động rất nhỏ của Young Woo được biên kịch miêu tả tỉ mỉ, cài cắm đầy tinh tế trong phim, biến Young Woo thành một đại diện nhỏ bé đầy ấm áp của những người mắc chứng tự kỷ.
Những hành động rất nhỏ của Young Woo được biên kịch miêu tả tỉ mỉ, cài cắm đầy tinh tế trong phim, biến Young Woo thành một đại diện nhỏ bé đầy ấm áp của những người mắc chứng tự kỷ.
Lệ
Và dĩ nhiên, đại diện đó cũng phải trải qua rất nhiều điều khốn khổ trong thế giới cổ tích đầy khắc nghiệt của mình. Những điều cô đã và đang trải qua khiến thế giới trong Extraordinary Attorney Woo không phải màu hồng mà rất thực tế. Young Woo từng bị coi là "kẻ đần độn" trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường, trở thành tâm điểm trong trò chơi "xin lỗi nhé" khi chúng bạn cứ mặc sức bắt nạt cô rồi khép lại câu chuyện bằng lời xin lỗi đầy xúc phạm. Ngay cả khi đi làm, Young Woo cũng bị rất nhiều công ty từ chối dù có IQ cực cao và là thủ khoa đầu ra của trường luật. Thuộc luật từ năm 5 tuổi, là sinh viên luôn đứng đầu trong mọi cuộc thi nhưng Young Woo luôn phải đối diện với thành kiến từ người đời, rằng cô là "người khuyết tật". Sự thành kiến này khiến Young Woo trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Cô dù không nói ra nhưng rất đau lòng khi bị đàn em của Jun Ho (Kang Tae Oh) coi là người đặc biệt, bị tài xế xe từ chối giao tiếp vì nghĩ cô không đủ khả năng. Cô thậm chí tuyệt vọng tới độ quyết định nghỉ việc sau một vụ kiện, nơi cô không thể đứng trước tòa biện hộ cho thân chủ vì là người tự kỷ, nơi cô nghĩ mình đang là gánh nặng của đồng nghiệp,...
"Chỉ 80 năm trước đây thôi, tự kỷ vẫn còn bị coi là một căn bệnh không đáng sống. Chỉ 80 năm trước đây thôi, Kim Jeong Hun và tôi vẫn còn là những người không đáng sống. Ngay cả bây giờ, hàng trăm người vẫn nhấn nút thích một bình luận nói rằng "Sinh viên Y chết, đứa tự kỷ vẫn sống. Quả là tổn thất quốc gia". Đó chính là gánh nặng của khuyết tật mà chúng tôi phải mang trên vai."
Woo Young Woo
Woo Young Woo là một đại diện đặc biệt nhưng đầy ấm áp về chứng rối loạn phổ tự kỷ nhưng không vì thế mà cô được tô vẽ bằng những nét vẽ màu hồng. Những gì cô đang phải trải qua được khắc họa rất nhẹ nhàng bằng đôi ba lời thoại ngắn nhưng lại đủ để khán giả phải đau lòng và cũng đủ để thế giới cổ tích trong Extraordinary Attorney Woo trở nên đầy thực tế.
Một bộ phim ấm áp, chữa lành và đáng yêu nhất lúc này!
Thực tế là vậy nhưng Extraordinary Attorney Woo không cố tình đặt những người phân biệt đối xử xung quanh Young Woo để tạo ra xung đột cho phim, càng chẳng hề miêu tả những người khuyết tật như đối tượng quá u uất, cần sự thương cảm. Ví như cách Jung Myung Seok (Kang Ki Young) từ một người có đầy thành kiến với Young Woo đã trở thành người cộng sự hoàn hảo, hỗ trợ cô trong mọi vụ án, thậm chí còn ra sức bảo vệ cô trước sự kì thị. Với chất liệu là những câu chuyện nhẹ nhàng, ngay cả các vụ án cũng không quá phức tạp, Extraordinary Attorney Woo tránh những hình dung thông thường về tự kỷ rằng họ là "những người khuyết tật cần được bảo bọc".
Với cách miêu tả rất riêng, Extraordinary Attorney Woo là một bộ phim nhẹ nhàng và ấm áp, không đòi hỏi khán giả phải hiểu những kiến thức cao siêu về luật pháp hay người tự kỷ. Bởi hơn hết, phim muốn xây dựng người tự kỷ giống như người bình thường với những câu chuyện có đủ hỉ nộ ái ố. Và với những hình dung hết sức đáng yêu xoay quanh thế giới của Young Woo, với một Jun Ho luôn mở lòng coi Young Woo như một cô gái bình thường, Extraordinary Attorney Woo dù khai thác đề tài khó nhằn nhưng lại trở thành thước phim vô cùng nhẹ nhàng, đầy sự chữa lành.
Như những chú cá heo trong thế giới riêng của Young Woo, thước phim về chính cô đang là điều đáng yêu nhất trên thế giới ngay lúc này! Ở thước phim đó không có nhân vật phản diện mà chỉ có những người đồng nghiệp bên cạnh Young Woo đang học cách xóa bỏ thành kiến của bản thân để mở lòng với một người đặc biệt. Ở thước phim đó có một người bố gạt bỏ sự cô đơn để gồng gánh những nỗi lo của con con gái, để Young Woo có thể thuận lợi trưởng thành. Ở thước phim đó có một cô bạn thân sẵn sàng đứng ra "bảo kê" khi Young Woo bị bắt nạt ở trường, có một người bạn đặc biệt mang tên Jun Ho sẵn sàng lắng nghe những câu chuyện dài bất tận về cá voi... Tất cả những điều hiện diện ở thước phim đó biến cuộc đời một người tự kỷ trở thành câu chuyện cổ tích có đủ hỉ nộ ái ổ đầy sự trân quý.
Và đặc biệt nhất: Diễn xuất tuyệt vời của Park Eun Bin!
Sau 4 tập phim đầu tiên với quá nhiều diễn viên xuất hiện, Extraordinary Attorney Woo không có bất kì lỗ hổng về diễn xuất nào. Tất cả các nhân vật từ chính tới phụ, thậm chí là diễn viên khách mời, đều thể hiện hoàn hảo câu chuyện của mình. Nhưng tuyệt vời nhất vẫn là màn thể hiện "khó tin" của Park Eun Bin và tương tác quá ngọt của cô với tất cả các diễn viên còn lại.
Vào vai một người tự kỷ, Park Eun Bin có màn thể hiện tinh tế đến từng cử chỉ nhỏ. Mọi hành động, biểu cảm, ánh mắt, dáng đi và cả giọng nói của Park Eun Bin đều hoàn toàn thuyết phục được khán giả rằng cô thực sự là Woo Young Woo. Màn thể hiện của cô xuất sắc tới độ nhiều khán giả còn hiểu lầm rằng cô thực sự mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Vượt qua cả ranh giới của diễn xuất thông thường, đó là sự mới lạ và cả lập dị, là sự nghiêm túc hết mình của Park Eun Bin khi sống với Young Woo. Để kết quả nhận được là dù phim mới chỉ đi được 1/4 chặng đường nhưng chúng ta đã có thể dành cho Park Eun Bin một tràng pháo tay thật dài và lời công nhận rằng cô đã tìm được vai diễn xuất sắc nhất trong sự nghiệp của mình.
Tạm kết
Không có điều gì trên đời là hoàn hảo, Extraordinary Attorney Woo cũng vậy. Nhưng sẽ thật "xấu tính" nếu bàn tới những điểm trừ của một bộ phim đậm vị chữa lành và nhân văn như thế này. Với sự đáng yêu của mình, Extraordinary Attorney Woo thuyết phục mọi khán giả, và xứng đáng ghi nhận số điểm tuyệt đối.
Nguồn ảnh: Hancinema