Eximbank họp cổ đông ngày 15/2: Quyết định ''chia tay'' SMBC có tạo ra chuyển biến?

Quốc Thụy | 14-02-2022 - 18:50 PM

(Tổ Quốc) - Cuộc họp ngày 15/2 được tổ chức sau khi Eximbank ra quyết định chấm dứt trước hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với SMBC - động thái được cho là chìa khóa giúp ngân hàng này kết thúc ''cuộc chiến vương quyền'' kéo dài suốt nhiều năm qua.

Ngày mai 15/2, Eximbank sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 lần thứ hai. Nội dung cuộc họp sẽ xoay quanh vấn đề chính là bầu thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Theo thông báo của ngân hàng, số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 – 2025 sẽ có ít nhất 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên độc lập.

Số thành viên Ban kiểm soát dự kiến ít nhất 3 thành viên, trong đó phải có ít nhất 1/2 số thành viên là thành viên chuyên trách, không đồng thời đảm nhiệm chứ vụ, công việc khác tại tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp khác.

Danh sách nhân sự dự kiến bầu vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát dự kiến được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Bên cạnh hoạt động bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ mới, cuộc họp cũng sẽ xem xét thông qua một loạt các tờ trình, báo cáo bị "treo" từ đại hội năm 2019.

Trước đó, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần thứ 1 của Eximbank được tổ chức hôm 27/4/2021 đã không thể diễn ra do không đủ số cổ đông tham dự. Vào cuối tháng 7/2021, Eximbank dự kiến tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 lần thứ hai vào ngày 29/07/2021 và ĐHĐCĐ bất thường vào ngày 30/07/2021 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, gần tới ngày tổ chức, Eximbank ra thông báo do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên sẽ dời cả hai cuộc họp này sang thời điểm thích hợp khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định.

Cuộc họp ngày 15/2 thu hút được nhiều sự chú ý khi mới đây Eximbank đã ra quyết định chấm dứt trước hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với SMBC, kết thúc 14 năm hợp tác.

Hiện SMBC vẫn là cổ đông lớn nhất tại Eximbank nắm giữ 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn điều lệ Ngân hàng. Trong trường hợp SMBC chuyển nhượng lại số vốn trên cho nhà đầu tư trong nước, đây có thể là chìa khóa giúp Eximbank chấm dứt ''cuộc chiến vương quyền'' kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm qua.

Thực tế, trong thời gian gần đây, định chế tài chính đến từ Nhật Bản cũng đã phát tín hiệu không còn mặn mà đối với Eximbank. Cụ thể, SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong Hội đồng quản trị vào cuối năm 2019.

Ngoài ra, một số nguồn tin không chính thức trên thị trường cũng cho rằng SMBC sẽ "buông'' Eximbank sau hơn 13 năm gắn bó để trở thành cổ đông chiến lược tại VPBank. Bởi theo luật định, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng.

Thông tin SMBC sẽ thoái vốn tại Eximbank đang ngày càng được củng cố khi VPBank đã ''trải thảm'' đón cổ đông chiến lược khi khóa "room’’ ngoại ở mức 15% để phục vụ chào bán cổ phần riêng lẻ và đang xin ý kiến cổ đông điều chỉnh lên mức 17,5%. Mặc dù ngân hàng chưa tiết lộ danh tính đối tác chiến lược nhưng lãnh đạo VPBank xác nhận SMBC là cái tên mà ngân hàng quan tâm trong đợt phát hành cổ phần riêng lẻ sắp tới; và kế hoạch phát hành có thể hoàn tất trong nửa đầu năm 2022.

Không những vậy, những diễn biến mới đây cho thấy mối quan hệ giữa VPBank và SMBC đang ngày càng ''xích lại gần nhau''.

Trong năm 2021, VPBank đã thông báo đã hoàn tất việc bán 49% vốn điều lệ tại FE Credit cho SMBC. Đồng thời chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 10, VPBank nhận liên tiếp hai khoản vay hợp vốn cùng có sự tham gia của SMBC với tổng giá trị 300 triệu USD.

''Sự kiện này là bước phát triển mới, tiếp tục mở ra các cơ hội hợp tác toàn diện giữa VPBank và SMBC trong thời gian tới.'', Đại diện lãnh đạo VPBank cho biết tại buổi ký thỏa thuận khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD với SMBC vào ngày 27/10.

Cổ phiếu nổi sóng, nhà đầu tư kỳ vọng gì về tương lai Eximbank?

Trong khi SMBC ngày càng ''lạnh nhạt'', cổ phiếu Eximbank lại diễn biến đầy sôi động trong những tháng gần đây.

Cụ thể, so với cuối tháng 9, thị giá EIB đã bật tăng mạnh gần 55% và là một trong những mã ngân hàng tỷ suất sinh lời cao nhất thời gian trên. Đi cùng với diễn biến giá, thanh khoản của EIB cũng tăng mạnh so với giai đoạn trước đó. Đặc biệt, phiên 23/12 ghi nhận hơn 4 triệu cổ phiếu Eximbank được mua bán trực tiếp trên sàn, mức thanh khoản cao nhất kể từ khi niêm yết.

Ngoài giao dịch khớp lệnh, hoạt động thỏa thuận tại cổ phiếu EIB cũng diễn ra nhộn nhịp. Theo thống kê của người viết, kể từ đầu tháng 10 đến nay đã có gần 140 triệu cổ phiếu EIB được sang tay theo phương thức này, tương đương giá trị 3.938 tỷ đồng. Số cổ phiếu này tương đương 11,4% lượng cổ phiếu đang lưu hành của Eximbank.

Eximbank họp cổ đông ngày 15/2: Quyết định chia tay SMBC có tạo ra chuyển biến? - Ảnh 1.

Diễn biến cổ phiếu EIB trong những tháng gần đây. (Nguồn: SSI)

Quan sát diễn biến cổ phiếu Eximbank những tháng gần đây có thể thấy thanh khoản và giá thường tăng mạnh khi xuất hiện các thông tin liên quan đến việc thoái vốn của SMBC, như tin đồn tập đoàn DOJI sẽ mua lại 15% vốn Eximbank từ tay SMBC vào tháng 10 và 11 hay việc Eximbank đã ra quyết định chấm dứt trước hạn thỏa thuận liên minh chiến lược với SMBC diễn ra mới đây.

Thực tế, trong trường hợp SMBC chuyển nhượng 15% vốn tại Eximbank cho nhà đầu tư trong nước, ''room'' nước ngoài tại ngân hàng sẽ hở ra một khoảng lớn, tạo sức hấp dẫn đáng kể cho cổ phiếu EIB.

Mặt khác, ngân hàng này thông báo đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đủ điều kiện để được Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu, dự kiến 18% như tài liệu trình cổ đông thông qua.

Trong năm 2022, ban điều hành Eximbank dự kiến lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, gấp 2 lần mức thực hiện năm 2021. Nếu thực hiện thành công kế hoạch đề ra năm nay, Eximbank sẽ ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế cao nhất trong gần một thập niên trở lại đây.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM